Cao Bằng giải ngân vốn đầu tư công đạt gần 70%

- Thứ Bảy, 21/11/2020, 14:53 - Chia sẻ
Thống kê từ ngành kế hoạch và đầu tư tỉnh Cao Bằng cho thấy, 10 tháng năm nay 2020, toàn tỉnh giải ngân vốn đầu tư công được 2.150 tỷ đồng, đạt gần 70% kế hoạch năm.

Cụ thể, vốn đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương giải ngân 568,3 tỷ đồng, đạt 59% kế hoạch; vốn ngân sách Trung ương giải ngân 1.580,7 tỷ đồng, đạt 70,10% kế hoạch.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Cao Bằng, có 4/23 chủ đầu tư sở, ngành tiến độ giải ngân đạt khá gồm: Công ty TNHH một thành viên Xổ số kiến thiết Cao Bằng đạt 100%; Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn giải ngân đạt 100%; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh giải ngân đạt 95%; Tỉnh đoàn Thanh niên giải ngân đạt 92,7%.

Tích cực thi công các dự án nâng cao năng lực giao thông TP Cao Bằng
Tích cực thi công các dự án nâng cao năng lực giao thông TP Cao Bằng

7/23 đơn vị bị chỉ ra chưa thực hiện được giải ngân theo kế hoạch; 5/10 huyện, Thành phố Cao Bằng giải ngân đạt trên 70%, cao nhất là UBND huyện Hòa An giải ngân đạt 77,35%; 3/10 huyện giải ngân đạt trên 60% và 2 huyện Quảng Hòa, Trùng Khánh giải ngân dưới 60%.

Đối với nguồn vốn năm 2019 kéo dài thời gian thực hiện giải ngân sang năm 2020, đã giải ngân 541,2 tỷ đồng, đạt 57,1% kế hoạch, trong đó, Sở Khoa học và Công nghệ hoàn thành giải ngân 100%. 03 đơn vị khác là Văn phòng UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng tỉnh giải ngân trên 90%; 8/21 đơn vị giải ngân dưới 65%. Cá biệt có 8/21 đơn vị chưa thực hiện giải ngân.

9/10 huyện, thành phố đều đã giải ngân nguồn vốn, trong đó cao nhất là UBND huyện Bảo Lạc giải ngân đạt 99,4%, thấp nhấp là UBND huyện Nguyên Bình mới giải ngân được 6,7%.                                             

Nguyên nhân dẫn đến giải ngân tuy có cải thiện nhưng còn ở mức thấp do ngay từ đầu năm, UBND các huyện, xã thực hiện các thủ tục liên quan đến sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã nên phải thực hiện công tác bàn giao các dự án trên địa bàn huyện và xã sáp nhập. Đặc biệt, dịch Covid-19 khiến một lượng lớn công nhân nghỉ việc từ dịp trước và sau Tết Nguyên đán đến hết thời điểm giãn cách xã hội mới đi làm gây khó khăn cho các nhà thầu huy động nhân công. Ngoài ra, nhà thầu cũng khó khăn trong việc nhập vật tư, nguyên liệu, thiết bị… làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân các công trình.

Một số dự án vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công xây dựng. Một số chủ đầu tư chưa quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành, đôn đốc hoàn thiện thủ tục, triển khai thi công, chưa phối hợp chặt chẽ với nhà thầu để đẩy nhanh công tác quyết toán dự án. Năng lực làm chủ đầu tư của cấp xã còn hạn chế; trong công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện còn lúng túng, nhất là trong khâu khảo sát, lập hồ sơ dự toán xây dựng công trình theo Nghị định số 161/2016/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế đặc thù do tổ, nhóm cộng đồng các thôn, xóm thi công.

Nam Anh