Cần thiết nhưng phải kiểm soát chặt chẽ

- Thứ Ba, 11/01/2022, 05:54 - Chia sẻ

Dù không phải là dự luật sửa đổi, bổ sung nhiều luật nhất từng được trình Quốc hội (kỷ lục này thuộc về dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch - PV) nhưng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự đang được Quốc hội xem xét vẫn là dự luật khó và “chưa có tiền lệ”. Bởi lẽ, dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch trước đây chỉ tập trung sửa đổi về mặt hình thức, còn lần này, tuy chỉ sửa 8 luật nhưng lại đi sâu vào nội dung của các luật, nội dung sửa đổi khá độc lập với nhau và theo quy trình rút gọn tại một kỳ họp.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, so mặt bằng chung thì đây là dự luật phía các cơ quan chuẩn bị đã đầu tư nhiều thời gian, công sức nhất. Chỉ riêng ở cấp chuyên viên từ khi đề xuất cho đến khi trình được dự luật đã có hàng trăm cuộc thảo luận. Chính phủ đã tiến hành 3 phiên họp: một phiên cho ý kiến về đề nghị xây dựng luật và hai phiên cho ý kiến về dự thảo luật; Phó Thủ tướng phụ trách cho ý kiến, đến Thường trực Chính phủ cho ý kiến rồi mới được trình Chính phủ.

"Khi ra khỏi “cửa” Chính phủ thì đây là lần thứ ba tôi ký Tờ trình dự án Luật. Lãnh đạo Quốc hội, các Ủy ban cho ý kiến lần đầu, có kết luận, chúng tôi tiếp thu rồi báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội; có kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chúng tôi lại tiếp thu, giải trình một lần nữa. Tại kỳ họp này, để các ĐBQH có đầy đủ cơ sở thảo luận, quyết định, Chính phủ đã “làm mới” hồ sơ dự án Luật trên cơ sở tiếp thu, giải trình các nội dung kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội”, Bộ trưởng Lê Thành Long chia sẻ tại phiên họp tổ sáng 5.1.

Dù đã có sự chuẩn bị rất công phu như vậy, nhưng một câu hỏi đặt ra là: có nên áp dụng thường xuyên quy trình một luật sửa nhiều luật trong thời gian tới như đề xuất của một số đại biểu tại các phiên thảo luận vừa qua hay không?

Một kết quả nghiên cứu gần đây cho thấy, việc áp dụng kỹ thuật một luật sửa nhiều luật đang có xu hướng tăng lên. Nếu giai đoạn 2008 - 2015, số dự luật áp dụng kỹ thuật này chỉ chiếm 19% tổng số luật được ban hành, thì từ năm 2015 đến nay, tỷ lệ này đã chiếm khoảng 40,7%. Với nhiều ưu điểm như tiết kiệm thời gian và chi phí, khắc phục nhanh chóng, kịp thời những mâu thuẫn, chồng chéo trong một số luật mà không phải chờ để sửa đổi từng luật liên quan, không thể phủ nhận kỹ thuật một luật sửa nhiều luật đã có nhiều đóng góp cho việc hoàn thiện hệ thống pháp luật. Nhưng, kỹ thuật này cũng có nhiều mặt hạn chế.

Trong đó, như Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật Hoàng Minh Hiếu đúc kết, việc dùng một luật sửa nhiều luật sẽ gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp và kể cả cán bộ, công chức trong việc tra cứu, áp dụng pháp luật. Ví dụ, quy định liên quan đến Luật Nhà ở đang được xem xét sửa đổi, bổ sung trong dự Luật lần này (điểm c khoản 1 Điều 75 Luật Đầu tư được sửa đổi trong dự luật chính là điều khoản sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở - PV), thì chỉ trong hai năm 2019 - 2020 đã được sửa đổi, bổ sung 3 lần tại các Luật Kiến trúc, Luật Đầu tư, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng. Nhưng tên của cả 3 luật này lại không hề đề cập đến tên của Luật Nhà ở. Thậm chí, một việc hi hữu là trong cùng một kỳ họp của Quốc hội năm 2020, Luật Nhà ở đã được sửa đổi, bổ sung cùng lúc bởi Luật Đầu tư và Luật Xây dựng mà không có một luật riêng sửa đổi, bổ sung trực tiếp Luật Nhà ở.

“Xét về mặt hình thức, đó là một sự chia cắt, manh mún và gây ra nhiều khó khăn, tạo thêm chi phí cho quá trình tra cứu và áp dụng pháp luật, cũng là một trong những điểm nghẽn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội”, ĐB Hoàng Minh Hiếu nhấn mạnh. Thực tế cũng đã cho thấy, nhiều quy định được sửa đổi, bổ sung theo kỹ thuật một luật sửa nhiều luật có “tuổi thọ” rất ngắn. Điển hình là khoản 1, Điều 75 Luật Đầu tư sửa đổi, bổ sung khoản 1, Điều 23 của Luật Nhà ở kể trên mới chỉ có hiệu lực từ đầu năm 2021 đến nay. 

Điều đáng lo ngại nữa là, việc áp dụng kỹ thuật một luật sửa nhiều luật sẽ làm giảm cơ hội tranh luận chi tiết về từng nội dung sửa đổi, nhất là trong tổng thể của đạo luật gốc. Việc nghiên cứu, lấy ý kiến, phản biện để phát hiện và sửa chữa các sai sót có thể có trong dự thảo Luật cũng gặp nhiều khó khăn. Ngay với dự luật sửa đổi, bổ sung 8 luật, dù đã rất cố gắng khoanh lại, sửa đổi các điều khoản cơ bản mang tính chất độc lập để sửa xong thì ít ảnh hưởng đến các luật khác, nhưng chính Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng thừa nhận, “trong quá trình nghiên cứu, thảo luận vẫn cứ xuất hiện việc này, việc kia”, chưa thể bảo đảm trọn vẹn mục tiêu đặt ra. 

Vì thế, việc trình Quốc hội xem xét, thông qua dự luật sửa đổi, bổ sung 8 luật tại Kỳ họp bất thường là rất cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách tháo gỡ những "nút thắt" pháp lý đã bộc lộ rõ trong thực tiễn, khơi thông các "điểm nghẽn", giúp doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế tận dụng được mọi cơ hội phục hồi và phát triển sau hai năm bị tác động nặng nề của đại dịch. Dù vậy, kỹ thuật một luật sửa nhiều luật chỉ nên được áp dụng trong trường hợp thực sự cấp bách, không nên xem đó là công cụ thường xuyên để khắc phục những điểm vướng mắc, mâu thuẫn của các luật. Đặc biệt, khi sử dụng công cụ này, Quốc hội phải kiểm soát chặt chẽ để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong nội tại từng luật và trong cả hệ thống pháp luật.  

Lam Anh