Cạnh tranh trong ngân hàng: Bùng nổ về lượng nhưng chưa tăng về chất
Lối mòn cạnh tranh bằng các cuộc chạy đua lãi suất của khối các ngân hàng trong nước hay việc ồ ạt mở rộng chi nhánh, thành lập ngân hàng mới đã không còn phù hợp, đặc biệt là trong thời buổi lạm phát tăng cao. Một mặt tình trạng này sẽ gây nhiều rủi ro cho nền kinh tế, mặt khác còn che lấp những yếu kém, bất ổn trong nội bộ các ngân hàng. Bùng nổ về lượng mà không tăng nhanh về chất thì sự đổ vỡ sẽ chỉ là sớm hay muộn.

Hệ thống ngân hàng trong nước đang có sự thay đổi lớn về lượng, nhiều ngân hàng mới được thành lập, nhiều ngân hàng nông thôn được chuyển đổi thành ngân hàng thành thị, đặc biệt là sau hai năm Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với sự biến đổi về chất. Sự gia tăng nhanh chóng về số lượng các ngân hàng trong khi kinh nghiệm phát triển, trình độ nhân lực, kỹ năng quản lý... của các ngân hàng còn yếu kém đã khiến cho không những hệ thống ngân hàng gặp nhiều chấn động mạnh mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế đất nước, đặc biệt là trong thời gian vừa qua. Việc tăng trưởng tín dụng nóng, cho vay tràn lan không tính đến hiệu quả đầu tư đã khiến nền kinh tế phải đối mặt với lạm phát cao. Và khi Ngân hàng Nhà nước thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ thì tính thanh khoản của nhiều ngân hàng giảm mạnh, các cuộc đua lãi suất giữa các ngân hàng thương mại vì thế mà diễn ra khá quyết liệt.
Cùng với đó, sự phát triển nhanh về số lượng ngân hàng, mở rộng chi nhánh, phòng giao dịch để nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần, trong khi nguồn nhân lực chưa theo kịp, cũng đang khiến nhiều ngân hàng lâm vào cảnh chảy máu chất xám nghiêm trọng, tiềm ẩn rủi ro về quản trị và cơ cấu bộ máy điều hành của các ngân hàng. Phó vụ trưởng Vụ phát triển, Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đại Lai phân tích, thành lập ngân hàng mới không phải chỉ cần 1.000 – 2.000 tỷ đồng và một nhóm cổ đông sáng lập. Để cho ra đời một ngân hàng phải có hệ thống trụ sở chính, các chi nhánh. Vậy nhân lực để duy trì hoạt động cho các cơ sở này lấy ở đâu? Chắc chắn sẽ là “giành giật” nhân viên đã có “nghề” từ các ngân hàng thành lập trước. Bí mật của các ngân hàng cũng vì thế mà có nguy cơ bị tiết lộ...
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, năng lực quản trị, nhất là quản trị danh mục tài sản nợ của các ngân hàng vẫn là tồn tại lớn nhất mà các ngân hàng đang gặp phải. Và khi tín dụng đang trong tình trạng tăng trưởng nóng thì đồng thời cũng chiếm tỷ trọng lớn trong danh mục tài sản của các ngân hàng. Ngay cả nghiệp vụ huy động vốn của các ngân hàng cũng chưa bảo đảm được nhu cầu thanh khoản và nhu cầu tín dụng của chính các ngân hàng đó (phần vốn huy động chủ yếu là từ kỳ hạn ngắn hạn, trong khi các khoản tín dụng của ngân hàng thường là trung và dài hạn). Đây chính là những yếu tố tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trong khi đó, nền tảng cho sự phát triển bền vững và thu lợi nhuận cao của các ngân hàng là ngân hàng bán lẻ và các dịch vụ gia tăng, như: tăng tiện ích của tài khoản cá nhân, phát triển dịch vụ thẻ, dịch vụ ngân hàng hiện đại (phone banking, internet banking...)... lại vẫn chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong doanh thu.
Ứng dụng công nghệ trong quản lý và điều hành của hầu hết các ngân hàng trong nước cũng còn rất chậm và thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Hiện một số ngân hàng thương mại cổ phần đang đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức tài chính nước ngoài, như bán cổ phần cho ngân hàng nước ngoài. Đây được đánh giá là hướng đi đúng vì sẽ tận dụng được ưu thế về công nghệ, quản trị rủi ro, vốn và nguồn nhân lực của đối tác nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của ngân hàng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng cảnh báo, các ngân hàng cần lựa chọn kỹ đối tác và có chiến lược hợp tác cẩn trọng, tránh bị thâu tóm bởi các định chế tài chính lớn của nước ngoài.
Việc 2 ngân hàng 100% vốn nước ngoài vừa được Ngân hàng Nhà nước cấp phép thành lập tại Việt Nam và nhiều ngân hàng nước ngoài khác đang chờ được cấp phép cho thấy, thị trường tài chính, ngân hàng nước ta đang hấp dẫn, đồng thời cũng gây áp lực cạnh tranh rất lớn đối với các ngân hàng thương mại trong nước. Vẫn biết rằng, hiện đại hóa nền tảng công nghệ ngân hàng, quản trị rủi ro theo các thông lệ và chuẩn mực quốc tế, đẩy mạnh đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ ngân hàng... để tăng cường năng lực cạnh tranh không phải là chuyện một sớm một chiều, nhưng lối mòn cạnh tranh bằng các cuộc chạy đua lãi suất, tín dụng như hiện nay đã không còn hợp thời nữa.