Cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả
Nhằm bảo đảm tính “cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả” trong công tác đấu thầu, thời gian qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã triển khai đồng bộ các giải pháp, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số vào công tác đấu thầu. Đó là khẳng định của Phó Tổng giám đốc EVN Nguyễn Tài Anh tại Hội nghị Đấu thầu năm 2021.
Cụ thể, EVN đã rà soát, cập nhật hệ thống quy chế, quy định, quy trình nội bộ để làm cơ sở triển khai các hoạt động mua sắm, đấu thầu phù hợp với các quy định pháp luật và đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của đơn vị; tiếp tục sử dụng bộ tiêu chí cụ thể về đấu thầu trong hệ thống chấm điểm thi đua, tối ưu hóa chi phí trong toàn EVN, đánh giá theo từng năm đối với từng đơn vị và những người đứng đầu các đơn vị; liên tục tổ chức đào tạo, tập huấn, hội nghị chuyên sâu về công tác đấu thầu để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác đấu thầu…

Tập đoàn cũng đã đẩy mạnh công tác lựa chọn nhà thầu qua Hệ thống Mạng đấu thầu quốc gia; triển khai ứng dụng và quản lý đấu thầu thông qua phần mềm đầu tư xây dựng (bao gồm module đấu thầu) và hệ thống thông tin quản lý vật tư thiết bị; áp dụng kết quả đánh giá chất lượng nhà thầu hàng năm của EVN vào công tác đấu thầu...
Trong các đơn vị thành viên của EVN, Tổng Công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh (EVNHCMC) bắt đầu triển khai đấu thầu qua mạng từ rất sớm (năm 2015). Từ tháng 3.2018 đến nay, EVNHCMC đã đẩy mạnh đấu thầu qua mạng đối với tất cả gói thầu thuộc các lĩnh vực (tư vấn; phí tư vấn; mua sắm hàng hóa; xây lắp; hỗn hợp) trên cơ sở giao chỉ tiêu cho các đơn vị trực thuộc năm sau cao hơn năm trước, cao hơn chỉ tiêu mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Tập đoàn giao hàng năm. Nhờ đó, tỷ lệ số gói thầu thực hiện đấu thầu qua mạng của EVNHCMC liên tục tăng qua các năm. Năm 2015, tổng công ty chỉ có 210 gói thầu được thực hiện qua mạng (chiếm tỷ lệ 21,9%), nhưng đến nay, con số này đã đạt 100%.
Khẳng định EVN đang là đơn vị có tổng số gói thầu thực hiện qua mạng lớn nhất cả nước trong năm 2021, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Hào Hùng cho hay, lũy kế từ đầu năm, EVN đã có khoảng 15.000 gói thầu, với tổng giá trị 110.000 tỷ đồng. Hầu hết các gói thầu của EVN đều đã tổ chức đấu thầu qua mạng. Quy mô các gói thầu tổ chức qua mạng cũng tăng lên không ngừng; tỷ lệ tiết kiệm thông qua đấu thầu hàng năm của tập đoàn luôn duy trì ở mức cao, trên 10%. Các gói thầu có giá trị lớn cũng đã được EVN mạnh dạn áp dụng các giải pháp để tổ chức đấu thầu qua mạng như gói thầu thi công xây lắp công trình Thủy điện Hòa Bình mở rộng (giá trị 3.109 tỷ đồng); gói thầu thi công xây lắp công trình Nhà máy Thủy điện Ialy mở rộng (giá trị 2.368 tỷ đồng).
Chia sẻ thêm về nội dung này, Trưởng ban Quản lý đấu thầu EVN Phạm Thị Thúy Hà cho biết, mọi thao tác trong đấu thầu qua mạng đều được số hóa nên chi phí, nhân sự và thời gian dành cho đấu thầu cũng được tiết kiệm đáng kể. Bên mời thầu không phải tốn chi phí chuẩn bị, in ấn; nhà thầu có thể tải miễn phí hồ sơ mời thầu trên hệ thống, không mất chi phí vận chuyển, lưu trú khi tham gia đấu thầu. Bên cạnh đó, đấu thầu qua mạng là bước cải cách hành chính mạnh mẽ, đơn giản hóa quá trình đấu thầu, tiết kiệm thời gian khi toàn bộ quy trình đấu thầu đều tối ưu và đơn giản hóa, từ bước lập, đăng tải kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hồ sơ mời thầu, chuẩn bị và nộp hồ sơ đến khi mở thầu, đánh giá và công bố kết quả. Ngoài ra, đấu thầu qua mạng là công cụ đắc lực giúp các doanh nghiệp, đơn vị chuyển đổi số mạnh mẽ trong lĩnh vực quản trị doanh nghiệp. Điển hình, trong bối cảnh dịch Covid-19 vừa qua, đấu thầu qua mạng đã thể hiện được ưu điểm vượt trội so với đấu thầu truyền thống, giúp công tác đấu thầu của EVN không bị gián đoạn.