Mới đây, Trường Đại học Sài Gòn phát đi cảnh báo lừa đảo kêu gọi sinh viên quyên góp để ủng hộ Quỹ "Vì biển, đảo Việt Nam". Cụ thể, sinh viên trường nhận được một văn bản với nội dung: Thư kêu gọi: "Ủng hộ Quỹ "Vì biển, đảo Việt Nam" năm 2024.
Trong thư, sinh viên được kêu gọi ủng hộ tùy theo năng lực, điều kiện của mình để thể hiện tình cảm với biển, đảo Việt Nam; góp nguồn lực xây dựng các công trình ý nghĩa, nâng cao đời sống của quân và dân trên vùng biển đảo Tổ quốc. Thời hạn đóng góp là trước 15.9. Đặc biệt, văn bản này còn nhấn mạnh "có cộng điểm rèn luyện cho sinh viên các ngành".
Trường Đại học Sài Gòn khẳng định, Nhà trường không có bất kỳ văn bản nào kêu gọi sinh viên quyên góp để ủng hộ quỹ "Vì biển, đảo Việt Nam". Khi thấy những tin nhắn kêu gọi ủng hộ, quyên góp mang danh nghĩa Trường Đại học Sài Gòn trên mạng xã hội, sinh viên cần liên hệ cố vấn học tập, văn phòng khoa hoặc các kênh thông tin chính thống của trường như Phòng Công tác Sinh viên; Ban quản trị Mạng xã hội của Trường; Đoàn TN - Hội SV trường để được xác minh thông tin trước khi thực hiện quyên góp.
Trường Đại học Sài Gòn khuyến cáo, sinh viên cần cảnh giác trước thông tin từ các nguồn không rõ ràng, không chính thống, nhất là từ các tài khoản trên mạng xã hội mà không nắm rõ tài khoản đó do ai quản lý. Sinh viên không nên theo dõi thông tin hoặc tham gia các trang, nhóm, các đơn vị, phòng ban Nhà trường quản lý (đặc biệt các trang, nhóm sử dụng trái phép Logo, tên thương hiệu của trường).
Trước đó, Trường Đại học Sài Gòn cũng ra cảnh báo lừa đảo nhập học khi tiếp nhận thông tin một số thí sinh trúng tuyển nhận được tin nhắn yêu cầu đóng lệ phí nhập học hơn 6,9 triệu đồng, gửi vào một số tài khoản ngân hàng lạ. Đơn vị này cho biết tất cả là giả mạo. Trường không chủ động gọi điện, gửi tin nhắn, thư điện tử đến thí sinh trúng tuyển để yêu cầu đóng lệ phí nhập học.
Tương tự như Trường Đại học Sài Gòn, một số đại học khác trên cả nước đã đăng bài nhắc nhở tân sinh viên và phụ huynh cẩn trọng trước những tin nhắn lừa đảo chuyển tiền học phí, tiền ký túc xá.
Trước đó, Phòng Công nghệ thông tin và Truyền thông, TrườngĐại học Y Hà Nội cho biết vừa nhận được thông tin về việc có một số đối tượng lợi dụng danh tiếng của trường để thực hiện hành vi giả mạo, đăng tin đăng ký vào ký túc xá trái phép trên các nền tảng mạng xã hội.
Để đảm bảo quyền lợi, tránh trường hợp "mất tiền oan", Nhà trường khuyến cáo tân sinh viên và phụ huynh chỉ đăng ký ký túc xá thông qua các kênh thông tin chính thức của trường như website, cổng thông tin sinh viên, hoặc liên hệ trực tiếp với phòng quản lý ký túc xá
Trường Đại học Phenikaa cũng từng cảnh báo sinh viên về các đối tượng giả danh giảng viên, nhân viên của trường lừa đảo mua bán suất ở ký túc xá. Trường khẳng định hoàn toàn không hoạt động theo phương thức này.
"Sinh viên chỉ thực hiện chuyển khoản tiền ở ký túc xá khi nhận được email xác nhận tạm đủ điều kiện ở ký túc xá và kiểm tra chính xác số tài khoản chuyển tiền thuộc sở hữu của Trường Đại học Phenikaa.Tuyệt đối không chuyển tiền cho tổ chức, cá nhân khác", đại diện Nhà trường thông tin.
Trường Đại học Hàng hải Việt Nam cũng phát đi cảnh báo lừa đảo đóng tiền ký túc xá dành cho tân sinh viên. Theo đó, trường nhận được phản ánh về việc một số đối tượng gửi tin nhắn yêu cầu sinh viên chuyển khoản để đặt cọc ký túc xá hoặc sử dụng các dịch vụ khác mà trường cung cấp. Trường Đại học Hàng hải Việt Nam lưu ý đây là hình thức lừa đảo trực tuyến. Thí sinh tuyệt đối không chuyển khoản cho bất kỳ tài khoản cá nhân nào qua mạng vì những lý do khác nhau.
Trước thực trạng lừa đảo diễn ra, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo người dân/sinh viên kiểm tra các thông tin từ trường đại học hoặc tổ chức tài chính qua các kênh chính thức và liên hệ trực tiếp với trường nếu có bất kỳ nghi ngờ nào.
Tuyệt đối không nhấp vào liên kết trong các email hoặc tin nhắn không rõ nguồn gốc; không cung cấp thông tin cá nhân cho các bên không xác định. Luôn thực hiện các khoản thanh toán học phí qua các kênh thanh toán chính thức do trường đại học hoặc tổ chức tài chính cung cấp.
Trong trường hợp nghi ngờ bản thân bị lừa đảo, người dân/sinh viên cần ngay lập tức báo cáo cho cơ quan chức năng hoặc tổ chức bảo vệ người tiêu dùng để được hỗ trợ, giải quyết và ngăn chặn kịp thời.