Các triệu chứng của viêm phế quản bao gồm ho, thở khò khè và khó thở. Bệnh nhân cũng có thể gặp khó khăn trong việc làm sạch chất nhầy hoặc đờm từ đường thở của họ.
Bệnh xuất hiện ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là trẻ nhỏ. Đường hô hấp là nơi nhiều mầm bệnh có thể dễ dàng xâm nhập gây viêm nhiễm, để hạn chế nguy cơ mắc các bệnh lý về đường hô hấp cụ thể là viêm phế quản, mọi người cần giữ ấm, vệ sinh đúng cách và phát hiện điều trị bệnh kịp thời.
Triệu chứng viêm phế quản
Viêm phế quản có hai trường hợp là cấp tính hoặc mãn tính. Viêm phế quản cấp tính thường xảy ra một lần rồi sau đó sẽ khỏi. Nhưng viêm phế quản mãn tính thì dai dẳng và không bao giờ biến mất hoàn toàn.
Các dấu hiệu và triệu chứng chung của cả viêm phế quản cấp tính và mãn tính bao gồm:
- Ho dai dẳng, có thể tiết ra chất nhầy
- Thở khò khè
- Sốt nhẹ và ớn lạnh
- Cảm giác tức ngực
- Đau họng
- Nhức mỏi cơ thể
- Khó thở
- Nhức đầu
- Mũi và xoang bị tắc
Người bị viêm phế quản có thể bị ho kéo dài trong vài tuần hoặc thậm chí vài tháng trong các trường hợp bị viêm nhiễm nhiều, trở nặng.
Các triệu chứng của viêm phế quản mãn tính có thể bùng phát thường xuyên. Đối với nhiều người, tình trạng này thường xảy ra trong những tháng mùa đông.
Phân loại viêm phế quản
Viêm phế quản cấp
Viêm phế quản cấp tính kéo dài trong một khoảng thời gian cụ thể. Bệnh thường diễn biến tương tự như nhiễm vi-rút, chẳng hạn như cảm lạnh hoặc cúm, và có thể xuất phát từ cùng một loại vi-rút.
Các triệu chứng thường biến mất sau vài ngày hoặc vài tuần.
Viêm phế quản mãn tính
Viêm phế quản mãn tính có các triệu chứng tương tự như viêm phế quản cấp tính, nhưng có thời gian bệnh kéo dài.
Người được chẩn đoán mắc viêm phế quản mãn tính nếu bệnh nhân ho có đờm liên tục trong ít nhất 3 tháng trong năm, 2 năm liên tiếp trở lên.
Các chuyên gia nhận định đây là một loại bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), trong đó các ống phế quản tiết ra nhiều chất nhầy. Đây là một tình trạng nghiêm trọng và có khả năng đe dọa tính mạng.
Nguyên nhân gây viêm phế quản
Viêm phế quản xảy ra khi vi-rút, vi khuẩn xâm nhập, kích thích gây viêm ống phế quản. Hút thuốc là một yếu tố nguy cơ góp phần làm trầm trọng thêm tình trạng đối với các bệnh lý về đường hô hấp như viêm phế quản.
Viêm phế quản cấp tính có thể do một loại vi-rút, nhiễm trùng do vi khuẩn, tiếp xúc với các chất gây kích ứng phổi, chẳng hạn như khói thuốc lá, bụi, khói và ô nhiễm không khí.
Viêm phế quản mãn tính do kích ứng lặp đi lặp lại và gây tổn thương phổi và các mô đường thở. Nguyên nhân phổ biến nhất là do hút thuốc, nhưng không phải ai bị viêm phế quản cũng là do nguyên nhân này.
Các nguyên nhân khác có thể bao gồm:
- Tiếp xúc lâu dài với ô nhiễm không khí, bụi và khói từ môi trường
- Yếu tố di truyền
- Các đợt viêm phế quản cấp lặp đi lặp lại
- Tiền sử bệnh đường hô hấp hoặc bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD)
Điều trị viêm phế quản
Chuyên gia khuyên những người bị viêm phế quản nên nghỉ ngơi và uống nhiều nước. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng có thể cho họ thuốc không kê đơn, chẳng hạn như ibuprofen, giúp giảm ho và giảm đau kèm theo. Theo thời gian, bệnh viêm phế quản cấp tính sẽ tự khỏi mà thường không cần điều trị.
Các triệu chứng của viêm phế quản mãn tính có thể giải quyết hoặc cải thiện trong một khoảng thời gian. Tuy nhiên, chúng sẽ quay trở lại hoặc trở nên tồi tệ hơn, đặc biệt nếu có tiếp xúc với khói thuốc hoặc các tác nhân khác.
Các phương pháp bổ sung có thể giúp cải thiện tình trạng viêm phế quản bao gồm:
Thuốc ho: Phương pháp này rất phổ biến và hữu ích để loại bỏ chất nhầy ra khỏi phế quản, uống thuốc điều trị có thể giúp giảm ho vào những thời điểm như ban đêm để không quá ảnh hưởng đến giấc ngủ và chế độ sinh hoạt.
Sử dụng mật ong: Uống 2 thìa mật ong có thể làm giảm các triệu chứng ho.
Sử dụng máy tạo độ ẩm: Giúp làm lỏng chất nhầy, cải thiện luồng không khí và giảm triệu chứng thở khò khè.
Thuốc giãn phế quản: Phương pháp này hỗ trợ mở ống phế quản và có thể giúp làm sạch chất nhầy.
Thuốc chống viêm và steroid: Sử dụng thuốc giúp giảm tình trạng viêm nhiễm gây tổn thương mô.
Liệu pháp oxy: Trong trường hợp nghiêm trọng, bệnh nhân có thể cần bổ sung oxy để dễ hô hấp.
Biện pháp khác giúp điều trị viêm phế quản tại nhà bao gồm; loại bỏ chất kích thích phổi, ví dụ, bằng cách không hút thuốc, tập thể dục để tăng cường cơ ngực để giúp thở tốt hơn, cải thiện kỹ thuật thở thông qua phục hồi chức năng phổi.
Nếu viêm phế quản cấp tính do nhiễm vi khuẩn, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh. Trong một số trường hợp, dùng thuốc kháng sinh cũng có thể giúp ngăn ngừa nhiễm trùng thứ cấp. Tuy nhiên, những loại thuốc này không phù hợp với người bị nhiễm vi-rút.
Hầu hết các bác sĩ sẽ không kê đơn thuốc kháng sinh trừ khi họ xác định được vi khuẩn là nguyên nhân gây bệnh. Một trong những lý do cho điều này là lo ngại về tình trạng kháng thuốc kháng sinh, vì việc lạm dụng thuốc kháng sinh khiến việc điều trị nhiễm trùng về lâu dài trở nên khó khăn hơn.
Phòng ngừa viêm phế quản
- Hạn chế hoặc bỏ thuốc lá
- Tránh các chất kích thích phổi như khói, bụi, khói, hơi và ô nhiễm không khí
- Đeo khẩu trang che mũi và miệng khi mức độ ô nhiễm cao
- Rửa tay thường xuyên
- Tiêm chủng để bảo vệ khỏi bệnh viêm phổi và cúm
Nếu một người hút thuốc và tiếp tục hút thuốc khi đã mắc bệnh sẽ khiến các triệu chứng xấu đi, thậm chí có thể đe dọa tính mạng. Khi đó, cần có biện pháp can thiệp và điều trị kịp thời.
(Nguồn: https://www.medicalnewstoday.com)