43 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2018)

“Cánh đồng hoang” - Bản anh hùng ca về chiến tranh du kích

- Thứ Bảy, 28/04/2018, 08:51 - Chia sẻ
Cánh đồng hoang nhưng đã có một vụ mùa bội thu: Cả một “đầm Sen Vàng” tại Liên hoan phim Việt Nam năm 1980 cho Phim hay nhất, Biên kịch xuất sắc, Nam diễn viên chính xuất sắc, Quay phim xuất sắc... và là bộ phim truyện duy nhất tính đến nay của điện ảnh Việt giành giải thưởng cao nhất tại một LHP quốc tế danh giá hàng đầu thế giới: Huy chương vàng (Golden Prize) và giải đặc biệt của Liên đoàn Báo chí quốc tế (Prix FIPRESCI) tại LHP Quốc tế Moscow lần thứ 12 (1981).

Sau gần 40 năm, Cánh đồng hoang vẫn xứng đáng là một trong những bộ phim kinh điển của Việt Nam. Một câu chuyện đau thương, mất mát nhưng vẫn toát lên vẻ hồn hậu, đầy sức sống và không kém phần lãng mạn, trữ tình.

Sức sống lâu bền của Cánh đồng hoang bắt đầu từ ý tưởng và bối cảnh độc đáo của nó. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng, tác giả kịch bản của bộ phim nhớ lại: “Đồng Tháp Mười là một chiến trường đặc biệt. Một chiến trường không có núi non, rừng thì rừng tràm, từng cụm lưa thưa. Chiến sĩ, cán bộ đều sống trên chiếc xuồng lênh đênh trên mặt nước. Không hầm hố tránh bom đạn. Nước là một cộng sự mênh mông. Tránh pháo, tránh bom, tránh rốc két từ trực thăng bắn xuống chỉ có một cách duy nhất là lặn…”.

Vốn sống đặc biệt đó đã giúp nhà văn tạo nên một kịch bản phim với những chất liệu sống động và nhân vật giàu sức sống, giản dị, hồn hậu nhưng cũng quật cường, bất khuất, như chính người dân Nam Bộ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Chất liệu kịch bản ấy qua bàn tay đạo diễn của Hồng Sến, người vốn xuất thân là nhà quay phim, khiến bộ phim trở thành bản anh hùng ca giản dị và trữ tình qua diễn xuất của hai diễn viên Lâm Tới (vai Ba Đô) và Thúy An (Sáu Xoa). Sự ăn ý ấy còn được hỗ trợ bởi nhà quay phim tài hoa Đường Tuấn Ba và phần âm nhạc vừa hào hùng vừa trữ tình của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Tất cả những con người tài hoa ấy bằng sáng tạo để đời của mình, đã biến Cánh đồng hoang trở thành tác phẩm điện ảnh hoàn hảo của một thế hệ những nhà làm phim cách mạng Việt Nam.

Cánh đồng hoang là thể hiện tinh thần “dựa vào sức dân mà đánh Mỹ” của những nhà lãnh đạo Việt Nam, một bản anh hùng ca của chiến tranh du kích. Tuy nhiên, những thông điệp có phần tuyên truyền này được lồng ghép trong một câu chuyện giản dị, đầy sức sống...

Cánh đồng hoang vào phim rất giản dị và tự nhiên bằng màn hò hát đối vừa chòng ghẹo vừa giao duyên giữa Ba Đô và Sáu Xoa - cặp vợ chồng trẻ có một đứa con mới vài tháng tuổi, sống trong một căn chòi lá giữa cánh đồng hoang mùa nước nổi mênh mông, đồng thời làm nhiệm vụ giao liên, che chở và đưa cán bộ cách mạng qua cánh đồng hoang, tránh khỏi sự bố ráp của máy bay trực thăng Mỹ. Bối cảnh và không gian của bộ phim thực sự đặc sắc, gây tò mò, hồi hộp từ đầu đến cuối phim. Trên nền bối cảnh giữa cánh đồng hoang bát ngát không nơi ẩn nấp ấy, giữa ba tầng không gian: trên không (máy bay trực thăng của Mỹ), trên mặt nước (căn chòi hay chiếc thuyền của vợ chồng Ba Đô), dưới mặt nước (nơi ẩn nấp duy nhất khỏi sự bố ráp của máy bay và súng đạn của lính Mỹ), chuyện phim đã làm bật lên được sự đối lập trong một cuộc chiến không cân sức giữa sự thô sơ và vũ khí hiện đại, giữa những con người bình dị và những cỗ máy tối tân luôn tìm cách săn lùng và tiêu diệt họ.

Niềm hạnh phúc của gia đình nhỏ, đời sống sinh hoạt mùa nước nổi của vùng Đồng Tháp Mười được đặc tả một cách trọn vẹn, khiến bộ phim không đơn thuần chỉ là một bộ phim chiến tranh, mà còn là một tác phẩm mang đậm tinh thần và vẻ đẹp của con người Việt Nam. Nhưng ngay cả khi mô tả những cảnh trữ tình ấy, đạo diễn cũng cho thấy một chủ ý của ông: Cuộc chiến tranh du kích của người Việt Nam sở dĩ thắng vũ khí tối tân và hủy diệt của Mỹ là chính bởi tinh thần lạc quan, vẻ đẹp hồn hậu nhưng bất khuất của những nông dân bình dị, ngay cả trong đau thương, mất mát.

Bản anh hùng ca trữ tình trên Cánh đồng hoang năm xưa vẫn khiến người xem hôm nay phải xao xuyến chính là nhờ những giá trị như vậy, cho dù bộ phim cũng có những điểm hạn chế gần như khó thoát khỏi của phim chiến tranh Việt Nam: Cách mô tả lính Mỹ đơn điệu, một chiều; xây dựng nhân vật người Mỹ nặng tính ước lệ và gần như giống nhau... như chính một câu thoại nói về người lính Mỹ trong phim: “Có những điều ta chưa hiểu hết họ”. Cho dù vậy, sự hạn chế ấy không làm đánh mất giá trị và sức sống lâu bền của Cánh đồng hoang.

Nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm