Lợi thế từ CPTPP
VASEP cho biết, 2 tháng đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản vào thị trường Australia tăng trưởng cao, tới 33% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng trong tháng 1.2024, xuất khẩu thủy sản sang nước này bứt phá mạnh mẽ với mức tăng gần 90% so với cùng kỳ. “Điều đó phản ánh sức hút của thị trường Australia với doanh nghiệp Việt Nam cũng như sự hồi phục nhu cầu của thị trường này với thủy sản Việt Nam”, bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông của VASEP nói.
Nhóm ngành hàng chủ lực xuất khẩu sang Australia gồm tôm, cá tra và một số loài cá biển. Trong đó, tôm chiếm trên 60% với kim ngạch trên 34 triệu USD trong 2 tháng đầu năm nay, tăng 20% so với cùng kỳ. Xuất khẩu cá tra sang Australia tăng gần 70% trong 2 tháng, đạt hơn 6 triệu USD. Xuất khẩu các mặt hàng cá biển khác (trừ cá ngừ) tăng mạnh 72%.
Theo bà Lê Hằng, thị trường này có dư địa tốt cho doanh nghiệp thủy sản nước ta là nhờ Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Sau khi CPTPP có hiệu lực, xuất khẩu thủy sản sang Australia tăng trưởng liên tục. Nếu như năm 2018, xuất khẩu thủy sản sang Australia chỉ đạt 197 triệu USD thì đến năm 2022 đã tăng lên 365 triệu USD. Mặc dù năm 2023, xuất khẩu thủy sản sang thị trường này giảm xuống 312 triệu USD song sự sụt giảm này là do tình hình chung của cả thế giới. Nếu xét về tỷ trọng và vị thế, đã có sự thay đổi đáng kể trong thương mại thủy sản giữa hai nước khi Australia từ vị trí thị trường thứ 9 về nhập khẩu thủy sản Việt Nam với tỷ trọng 2,2% đã vượt lên vị trí thứ 5 và tỷ trọng lên 3,4%.
Cơ hội từ quan hệ hợp tác mới
Australia là nền kinh tế lớn thứ 13 trên thế giới với kim ngạch nhập khẩu hàng hóa gần 250 tỷ USD/năm. Thời gian qua, quan hệ Việt Nam - Australia không ngừng phát triển, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt, hợp tác kinh tế, thương mại đã có bước phát triển vượt bậc. Australia hiện là 1 trong 7 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, ngược lại, Việt Nam cũng đang là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Australia.
Bên cạnh đó, Việt Nam và Australia là thành viên chung của ít nhất 3 hiệp định thương mại tự do (FTA), bao gồm: FTA ASEAN - Australia - New Zealand (AANZFTA), CPTPP và mới đây nhất là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Mặc dù quy mô dân số khá nhỏ, chỉ 25,7 triệu dân nhưng đây là thị trường tiềm năng bởi người dân sẵn sàng trả giá cao cho sản phẩm chất lượng và cởi mở với hàng hóa nhập khẩu.
Với lĩnh vực thủy sản, Giám đốc truyền thông của VASEP cho biết, thị trường Australia rất tiềm năng do hơn 65% tiêu thụ thủy sản trong nước là từ nguồn nhập khẩu. Nước này nhập khẩu thủy sản từ hơn 95 nước trên thế giới. Trong đó, Việt Nam là nguồn cung cấp hàng đầu tại Australia, chiếm trên 22% tổng kim ngạch nhập khẩu thủy sản của thị trường này.
Đặc biệt, nhân dịp Hội nghị Cấp cao Đặc biệt kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN - Australia và chuyến thăm Australia của Thủ tướng Phạm Minh Chính vào những ngày đầu tháng 3 vừa qua, Thủ tướng của 2 nước đã thống nhất nâng cấp quan hệ Việt Nam - Australia lên Đối tác Chiến lược toàn diện, tương đương với quan hệ giữa Việt Nam với Mỹ, Nhật Bản, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. Hai bên sẽ thúc đẩy các biện pháp tiếp cận thị trường và tạo thuận lợi thương mại cho cả hai nước trong các lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản. Cũng trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao lần này, Australia cũng công bố kế hoạch tăng cường đầu tư vào Đông Nam Á, dành 1,3 tỷ USD để thúc đẩy thương mại tại khu vực có nền kinh tế đang lên này.
“Với những thông tin tích cực trong quan hệ hợp tác giữa 2 bên, tình hình kinh tế đang tốt dần, kỳ vọng xuất khẩu thủy sản sang thị trường Australia trong năm 2024 sẽ đạt được những kết quả khả quan”, bà Kim Thu, chuyên gia thị trường tôm của VASEP, đánh giá.
Tuy có nhiều thuận lợi, song theo chuyên gia của VASEP, Australia cũng là thị trường khó tính với hệ thống quy định tiêu chuẩn chặt chẽ và nghiêm ngặt đối với hàng hóa nhập khẩu. Ngoài ra, khoảng cách địa lý dẫn đến giá thành logistics cao, thời gian vận chuyển dài cũng là một thách thức với doanh nghiệp thủy sản Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường này. Do vậy, doanh nghiệp phải có sự chủ động trong khai thác, phát triển thị trường, có kế hoạch kinh doanh dài hơi để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang Australia.