Cảnh báo về thảm họa thiên nhiên

- Thứ Hai, 26/07/2021, 06:35 - Chia sẻ
Trong lúc đại dịch Covid-19 đang hoành hành, thế giới tiếp tục phải đối mặt với những tình hình thời tiết cực đoan như nắng nóng, lũ lụt, cháy rừng... Đây là một hồi chuông cảnh báo rằng việc biến đổi khí hậu đang khiến thời tiết trở nên khắc nghiệt hơn bao giờ hết trên toàn cầu.

Trái đất đang nóng lên từng ngày, dẫn tới các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện chưa từng có ngày một nhiều hơn. Trong những ngày qua, người dân từ châu Âu tới châu Á đang phải chịu những trận lũ lụt kỷ lục, nắng nóng đỉnh điểm hay cháy rừng lan rộng.

		Nguồn: National Geographic
Nguồn: National Geographic

Các trận lũ lụt lịch sử

Tuần vừa qua, Trung Quốc và các nước thuộc khu vực Tây Âu như Đức, Áo, Bỉ đã phải gánh chịu những cơn mưa lịch sử, hệ thống thoát nước không thể chịu nổi được áp lực quá lớn, lượng nước bằng nhiều tháng cộng dồn lại. Tại Trung Quốc, những cơn mưa dai dẳng suốt nhiều ngày rơi xuống thành phố Trịnh Châu, Hà Nam đã đạt mốc trung bình năm, gây nên lũ lụt quy mô lớn nhất lịch sử và được gọi là “trận lũ lụt ngàn năm có một”: nhiều hồ chứa nước ở khu vực nội thành ngập úng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tuyến đường sắt, cao tốc, hàng không...; hàng trăm nghìn người đã phải sơ tán tới khu vực an toàn và ghi nhận gần 60 trường hợp tử vong. Khu vực các nước Tây Âu cũng phải chịu những hậu quả nặng nề, khi lũ lụt cuốn trôi nhà cửa, các tòa nhà, cầu đường và hệ thống điện nước bị sập. Số người tử vong do lũ lụt tại Đức và Bỉ đã lên tới con số 200 người.

Biến đổi khí hậu ở châu Âu, có khả năng làm tăng số lượng các cơn bão lớn, di chuyển chậm, tồn tại lâu hơn ở một khu vực và gây ra những cơn bão giống như đã thấy ở các nước trong tuần qua. Dự kiến vào cuối thế kỷ này, các cơn bão như vậy có thể xảy ra thường xuyên hơn gấp 14 lần. Trận lũ lụt của các nước xảy ra gần nhau đã làm nổi bật tính dễ bị tổn thương của các khu vực đông dân cư trước lũ lụt thảm khốc và các thảm họa thiên nhiên khác. Thảm họa lần này đã khiến cho Chính phủ các nước phải thực hiện nhanh chóng những thay đổi đáng kể, nhằm chuẩn bị cho những sự kiện tương tự trong tương lai.

Nắng nóng cực đoan và cháy rừng

Vào hồi năm 2019, thế giới đã phải ngỡ ngàng đối mặt với khủng hoảng cháy rừng Amazon, mang lại hậu quả vô cùng thảm khốc, thì ngay tại năm 2021, các vụ cháy rừng đang xảy ra ngày càng thường xuyên hơn, do khí hậu nắng nóng đạt đỉnh.

Miền Tây nước Mỹ và Canada đang phải chịu đợt nắng nóng lịch sử. Bang California và phần còn lại của khu vực tây Mỹ đang trải qua đợt hạn hán lịch sử do biến đổi khí hậu, và tình hình tại khu vực này đang tồi tệ hơn vì nắng nóng và cháy rừng. Tại tiểu bang Oregon cũng đối diện với ngọn lửa lớn đến mức có thể quan sát được từ vũ trụ. Ngọn lửa bắt nguồn từ phía nam của tiểu bang này, kết hợp với đợt cháy rừng lớn nhất kể từ đầu năm nay tại Mỹ, đã thiêu rụi khoảng diện tích rừng lên tới hơn 1.000km2. Tình hình tại các tỉnh như Manitoba, Saskatchewan và Ontario của Canada cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, cộng thêm quốc gia này đang trải qua những ngày nóng nhất lịch sử, với những đợt sóng nhiệt khiến cả trăm người tử vong.

Trong khi đó, tại Đông Nam Á, giới chuyên gia đánh giá rằng khu vực này sẽ trải qua nhiều đợt nắng nóng, dữ dội hơn và kéo dài hơn do biến đổi khí hậu. Nhiệt độ cao kỷ lục sẽ được ghi nhận trên toàn thế giới khi hành tinh tiếp tục nóng lên. Các khu vực nhiệt đới có khả năng bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Hồi tháng 11.2020, Viện Toàn cầu McKinsey đã đưa ra báo cáo nói rằng biến đổi khí hậu khiến châu Á phải đối mặt với những hiểm họa bao gồm lũ lụt, hạn hán, bão lớn cũng như nhiệt độ và độ ẩm tăng cao. Theo nghiên cứu, đến năm 2050, trung bình 8 - 13% GDP một năm của những quốc gia ASEAN có thể gặp rủi ro vì nhiệt độ và độ ẩm tăng lên. Nguy cơ xuất hiện lượng mưa cực đoan có thể tăng gấp 3 - 4 lần ở Indonesia.

Ngăn chặn thảm họa thiên nhiên

Giáo sư về khoa học khí quyển tại Đại học bang Pennsylvania, Mỹ Michael E. Mann đưa ra giải pháp rằng, cách duy nhất để giảm thiểu tình trạng dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu, thế giới phải ngừng tạo ra khí thải carbon làm trái đất nóng lên. Thế giới chỉ có một khoảng thời gian hạn hẹp là 10 năm để giảm lượng khí thải carbon xuống một nửa nếu chúng ta muốn ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu. Hai hành động cơ bản là để tăng khả năng chống chịu các đợt nóng là giảm phát thải khí nhà kính nhằm giảm cường độ sóng nhiệt trong tương lai và phát triển các kế hoạch hành động để chuẩn bị đối phó những đợt nắng nóng khắc nghiệt hơn. Việc phát triển kế hoạch hành động, bao gồm thiết lập hệ thống cảnh báo và ứng phó sớm, khoanh vùng những nơi dễ bị tổn thương và đưa ra các phản ứng thích hợp.

Bên cạnh đó, Chính phủ các nước cũng cần có các kế hoạch dài hạn về điều chỉnh các hệ thống công trình xây dựng, bằng cách giảm các đảo nhiệt đô thị, vì khu vực đô thị nóng hơn nhiều so với vùng ngoại ô xung quanh, do sự thay đổi bề mặt sử dụng đất trong quá trình phát triển đô thị. EU cũng đã đưa ra những chính sách và các luật mới để nỗ lực đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Trong công cuộc đối phó với biến đổi khí hậu, khu vực Đông Nam Á chiếm lợi thế hơn so với các nước đã phát triển như châu Âu, vì cơ sở hạ tầng của các khu đô thị vẫn đang được xây dựng và phát triển. Đây là một cơ hội cho các quốc gia này thiết kế và xây dựng cơ sở vật chất được vững vàng hơn, có khả năng chịu đựng tốt hơn với những biến đổi khí hậu khắc nghiệt và các sự kiện nghiêm trọng khác trong tương lai. 

Đối với tình trạng lũ lụt xảy ra tại Đức, Bỉ và Trung Quốc vừa qua đã càng làm nổi bật sự yếu kém trong hệ thống xử lý nước và cơ sở hạ tầng, chúng hoàn toàn không đủ khả năng để có thể chống chọi lại những đợt mưa lũ thậm chí còn khắc nghiệt hơn trong tương lai. Tại một quốc gia khác ở châu Âu, mặc dù Hà Lan cũng phải chịu trận mưa lớn, hơn nữa 1/3 diện tích nước này là dưới mực nước biển nhưng lại không bị ảnh hưởng như các nước láng giềng hay thiệt hại về mạng người vì lũ.

Hà Lan đã có kinh nghiệm trong việc quản lý nguồn nước, những thành công của họ khi đối mặt với thảm họa có thể mang tới cho thế giới các bài học về kế hoạch ứng phó lũ lụt, đặc biệt khi biến đổi khí hậu sẽ gây ra nhiều đợt mưa lũ hơn. Cơ sở hạ tầng quản lý nguồn nước của quốc gia này thuộc diện tốt nhất thế giới, với những bức tường chắn sóng, cồn cát ven biển được gia cố khoảng 12 triệu mét khối cát mỗi năm và những cách đơn giản như đắp đê hay tăng diện tích lòng sông bằng cách nạo vét đáy và mở rộng bờ sông.

Thành công chống lũ không chỉ đơn giản nhờ vào các cơ sở hạ tầng, mà phần lớn nhờ vào cách thức tổ chức, quản lý bởi một cơ quan chuyên trách của Chính phủ có tên Tổng cục Công trình công cộng và Quản lý nguồn nước, nơi giám sát khoảng 1.500km hệ thống phòng thủ lũ lụt nhân tạo. Các vấn đề về nguồn nước của Hà Lan đều do mạng lưới cơ quan quản lý với chức năng duy nhất là giải quyết mọi thứ liên quan tới nước, từ nước lũ tới nước thải. Các cơ quan này có thể thu thuế độc lập, nên không phụ thuộc vào những vấn đề của ngân sách quốc gia, đồng thời được coi là sự gắn kết mọi thứ, giúp bảo đảm bất kỳ đề xuất nào đều có sự tham gia của tất cả các bên liên quan.

Qua đó thế giới có thể thấy rằng, việc biến đổi khí hậu hiện nay không chỉ đơn thuần là một lời cảnh báo của các nhà khoa học, mà thực sự nó đã và đang diễn ra với tần suất ngày một nhiều, hậu quả theo cấp số nhân. Dù thế giới có phát triển cỡ nào cũng sẽ đều phải chịu khuất phục trước những thảm họa của thiên nhiên. Theo đó, các nước cần phải hành động quyết liệt hơn, nỗ lực thực hiện những kế hoạch, chính sách bảo vệ môi trường, giảm khí phát thải. Việc này không chỉ khôi phục tài nguyên thiên nhiên, đưa trái đất trở nên trong lành hơn, mà còn để bảo vệ người dân khỏi những thảm kịch khốc liệt hơn trong tương lai. 

Như Ý