Cảnh báo di chứng nghiêm trọng của Covid-19

- Thứ Hai, 12/04/2021, 07:06 - Chia sẻ
Một nghiên cứu vừa được công bố cho thấy có đến 1/3 người nhiễm Covid-19 có di chứng về sức khỏe tâm thần hoặc các triệu chứng thần kinh lâu dài. Đây mới thực sự là mối đe đọa đáng quan ngại ngay cả khi Covid-19 đã được chữa khỏi. Kết quả nghiên cứu này đưa ra một lập luận mạnh mẽ rằng, cần có sự đánh giá và hỗ trợ sức khỏe tâm thần như là một phần không thể thiếu của quy trình chăm sóc những người sống sót sau Covid-19.

Tổn thương đối với não

Các nhà khoa học từ Mỹ và Đại học Oxford ở Anh đã nghiên cứu hồ sơ sức khỏe điện tử của hơn 236.000 bệnh nhân nhiễm Covid-19. Kết quả nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí y khoa The Lancet Psychiatry cho thấy, có tới 34% trong số này được chẩn đoán mắc các bệnh tâm thần hoặc thần kinh trong vòng sáu tháng sau khi nhiễm bệnh.

Nghiên cứu chỉ ra rằng, rối loạn tâm thần phổ biến nhất là lo lắng, ảnh hưởng đến 17% bệnh nhân và thay đổi tâm trạng ở 14%. Tình trạng thần kinh không phải là hiếm ở những người bị bệnh nặng, với 7% bệnh nhân bị đột quỵ và gần 2% bệnh nhân được chẩn đoán sa sút trí tuệ.

Và trong khi các tác động thần kinh nghiêm trọng hơn được ghi nhận ở các bệnh nhân nhập viện, chúng cũng phổ biến ở những người điều trị ngoại trú. “Tỷ lệ đó tăng dần khi mức độ nghiêm trọng của bệnh Covid-19 tăng lên. Nếu chúng ta nhìn vào những bệnh nhân nhập viện, tỷ lệ đó tăng lên 39%” - Maxime Taquet, nhà nghiên cứu lâm sàng về tâm thần học tại Đại học Oxford, đồng tác giả của nghiên cứu này cho biết.

So sánh hồ sơ của họ với những người bị nhiễm trùng đường hô hấp khác trong cùng khung thời gian thấy rằng, người nhiễm Covid-19 có nguy cơ mắc bệnh thần kinh và tâm thần tăng 44% so với những người khỏi bệnh cúm. Và họ có nguy cơ gặp phải những tác động đó cao hơn 16% so với người bị nhiễm trùng các bệnh về đường hô hấp khác. So với những người bị cúm, bệnh nhân từng nhiễm virus Corona có nguy cơ đột quỵ do máu đông cao hơn 62% và nguy cơ đột quỵ do chảy máu não cao hơn 71%.

Tác giả chính của nghiên cứu, Giáo sư Paul Harrison từ Đại học Oxford, cho biết những phát hiện đã xác nhận tỷ lệ chẩn đoán tâm thần cao ở những người sống sót sau Covid-19 và các rối loạn hệ thần kinh như đột quỵ và mất trí nhớ cũng xảy ra, đặc biệt là ở những người đã nhiễm bệnh nặng. “Mặc dù rủi ro cá nhân đối với hầu hết các rối loạn là nhỏ, nhưng ảnh hưởng trên toàn bộ dân số có thể là đáng kể đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe và xã hội do quy mô của đại dịch và nhiều trường hợp tình trạng này là mãn tính”.

Tiến sĩ Richard Francis, người đứng đầu nghiên cứu tại Hiệp hội Đột quỵ của Anh, cho biết ông rất quan tâm đến những phát hiện này và cho rằng cần có nghiên cứu bổ sung. “Đã có nhiều báo cáo về mối liên hệ giữa Covid-19 và đột quỵ, nhưng rất ít nghiên cứu quy mô và chi tiết như thế này để hiểu Covid-19 là một yếu tố nguy cơ đột quỵ”, Tiến sĩ Richard Francis nói trong một thông cáo báo chí.

Trong khi đó, Masud Husain, giáo sư thần kinh học và khoa học nhận thức tại Đại học Oxford, đồng tác giả của nghiên cứu nhận định: “Thực sự những người bị bệnh Covid-19 rất nặng có nguy cơ phát triển các biến chứng thần kinh cao hơn, không giống như những gì chúng ta thấy với các biến chứng về sức khỏe tâm thần, mà ở mức độ nghiêm trọng hơn”.

Trước đó, một nghiên cứu vào tháng 2 đã theo dõi 381 bệnh nhân được điều trị Covid-19 tại một bệnh viện ở Rome, Italy và phát hiện ra rằng 30% trong số họ bị rối loạn căng thẳng sau khi hồi phục. Một nghiên cứu tháng 12.2020 trên tạp chí Neurology: Clinical Practice cho thấy Covid-19 có thể gây co giật và rối loạn vận động, ngay cả trong một số trường hợp bệnh diễn tiến ở mức trung bình.

Năm ngoái, tờ Financial Times dẫn nguồn từ các chuyên gia Viện Y tế Quốc gia Vương quốc Anh cũng cho biết, các bác sĩ đã cảnh báo về tỷ lệ không nhỏ bệnh nhân Covid-19 sau khi được chữa khỏi có các triệu chứng suy nhược trong nhiều tháng. Các bác sĩ gọi hiện tượng này là “Covid-19 kéo dài”. Cụ thể, một số bệnh nhân sau khi được khẳng định đã âm tính, tiếp tục mắc các bệnh về phổi, tim, não, gan và các cơ quan khác. Một trong những hậu quả nặng nề nhất là tình trạng “sương mù não” trong nhiều tháng và suy kiệt nghiêm trọng. Ngoài ra, một số bệnh nhân bị mất khứu giác, rụng tóc.

Cần chăm sóc hậu Covid-19

Tiến sĩ Hannah Sugarman, cố vấn lâm sàng của tổ chức từ thiện sức khỏe tâm thần Mind Hong Kong cho biết, bà không ngạc nhiên về kết quả nghiên cứu trên vì trước đó đã có nghiên cứu và cảnh báo của các nhà khoa học chỉ ra rằng Covid-19 có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe lâu dài. “Những phát hiện từ nghiên cứu này cung cấp một lập luận mạnh mẽ cho sự cần thiết phải có những đánh giá và hỗ trợ sức khỏe tâm thần như một phần của lộ trình chăm sóc những người đã vượt qua Covid-19. Bệnh nhân cần được theo dõi sức khỏe tâm thần ngay cả khi đã hồi phục, chẳng hạn như xem họ gặp phải tình trạng lo lắng gia tăng hoặc tâm trạng tồi tệ kéo dài hơn một vài tuần", bà Hannah Sugarman lưu ý.

Bà Hannah Sugarman cũng khuyến cáo các bệnh nhân đã hồi phục nên nói chuyện với bác sĩ gia đình hoặc chuyên gia sức khỏe tâm thần nếu thấy thay đổi trong sức khỏe tâm thần ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của mình.

Về phần mình, Giáo sư Paul Harrison khuyến cáo: “Hệ thống chăm sóc sức khỏe cần được cung cấp nguồn lực để đáp ứng nhu cầu dự kiến, cả trong dịch vụ chăm sóc chính và dịch vụ chăm sóc hậu Covid-19”.

Theo Tiến sĩ Musa Sami, phó giáo sư lâm sàng về tâm thần học tại Đại học Nottingham, nghiên cứu này rất quan trọng, dựa trên số lượng hồ sơ bệnh nhân mà các nhà nghiên cứu phân tích. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải điều tra thêm về cách thức, chính xác là cách Covid-19 ảnh hưởng đến não và hệ thần kinh như thế nào. “Tâm lý căng thẳng, thời gian nằm viện lâu hơn và đặc điểm của bệnh tật cũng có thể đóng vai trò nào đó”.

Đạt Quốc