Thế giới 24h

Căng thẳng Trung Quốc - EU ảnh hưởng gì tới Đông Nam Á?

Quỳnh Vũ 27/07/2025 15:07

Cuộc gặp thượng đỉnh EU - Trung Quốc tại Bắc Kinh vừa qua đã cho thấy những rạn nứt sâu sắc trong quan hệ song phương, nhưng đồng thời mở ra cả thách thức và cơ hội cho khu vực Đông Nam Á.

Ngày 24/7, các lãnh đạo châu Âu đã có cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Cường tại Bắc Kinh nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao EU - Trung Quốc. Trong bối cảnh các chính sách ngoại giao và thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong nhiệm kỳ hai đang đẩy các quốc gia tái định hình liên minh, hai cường quốc này lẽ ra đã có thể trở thành đối tác lý tưởng, ít nhất là về mặt lý thuyết.

GettyImages-2225883391 CROP
Hội nghị Thượng đỉnh Trung Quốc-EU tại Bắc Kinh ngày 24/7. Ảnh: Getty Images

EU và Trung Quốc đang là đối tác thương mại lớn thứ hai của nhau, với kim ngạch song phương vượt mốc 760 tỷ USD theo dữ liệu năm 2024. Cả hai cùng cam kết ủng hộ hệ thống thương mại đa phương và từng đồng thuận rằng các mức thuế do Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt đang gây tổn hại nghiêm trọng đến thương mại toàn cầu. Vào tháng 4, Bắc Kinh và Brussels cùng khẳng định cần giải quyết bất đồng để "bảo vệ hoạt động bình thường của thương mại toàn cầu".

Tuy nhiên, những căng thẳng âm ỉ trong lĩnh vực an ninh và thương mại đã phủ bóng đen lên quá trình chuẩn bị hội nghị và tiếp tục làm xói mòn mối quan hệ hai bên.

Không khí căng thẳng bao trùm

Tháng 6, Brussels từ chối tổ chức một cuộc họp kinh tế cấp cao,vốn là nền tảng quan trọng cho Hội nghị Thượng đỉnh vào tháng 7. Đáp lại, Bắc Kinh đã rút ngắn thời lượng diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh, từ hai ngày xuống còn một ngày, loại bỏ hoàn toàn cuộc gặp với giới doanh nghiệp khỏi chương trình nghị sự. Trong bối cảnh đó, kỳ vọng đối với hội nghị là khá thấp, và thực tế đã phản ánh điều này.

Bầu không khí trong các cuộc họp được mô tả là căng thẳng. Chủ tịch Tập Cận Bình nhận định EU và Trung Quốc đang ở “ngã ba lịch sử” và cần “lựa chọn chiến lược đúng đắn” để thúc đẩy ổn định toàn cầu. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen thì khẳng định quan hệ hai bên đã chạm tới “điểm bước ngoặt” và cần có “giải pháp thực chất” để tiến về phía trước.

Cách thức mà hai bên quản lý mối quan hệ sau hội nghị sẽ không chỉ định đoạt vận mệnh song phương, mà còn mở rộng hoặc thu hẹp không gian chiến lược của Đông Nam Á trong thế giới đầy biến động.

Mâu thuẫn trong cách tiếp cận

Một trong những mâu thuẫn lớn nhất là cách tiếp cận khác biệt đối với cuộc xung đột Ukraine. Dù Bắc Kinh phủ nhận cáo buộc hỗ trợ cơ sở quân sự - công nghiệp của Nga, EU vẫn coi Trung Quốc là bên ngầm ủng hộ các nỗ lực chiến tranh của Moscow.

Trong các gói trừng phạt mới nhất của EU nhằm vào Nga đã lần đầu tiên liệt kê các ngân hàng Trung Quốc, với cáo buộc giúp Moscow né tránh lệnh cấm vận. Tại Hội nghị Thượng đỉnh, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Antonio Costa đã kêu gọi Bắc Kinh tận dụng ảnh hưởng để gây sức ép lên Nga, chấm dứt xung đột.

Ngược lại, Trung Quốc cũng theo dõi chặt chẽ các động thái ngày càng tích cực của EU tại châu Á, đặc biệt là ở Biển Đông. Chuyến thăm Philippines hồi tháng 6 của Đại diện cấp cao EU về Chính sách Đối ngoại và An ninh Kaja Kallas đã gây quan ngại sâu sắc cho Bắc Kinh. Brussels còn tuyên bố thiết lập đối thoại an ninh - quốc phòng với Manila, đồng thời nhấn mạnh cam kết của EU trong việc "giải quyết những quan ngại chung tại Biển Đông".

Không lâu sau, Đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines đã lên tiếng cảnh báo EU không nên "khuấy động tình hình" tại khu vực và thúc giục Manila không lôi kéo các thế lực bên ngoài vào tranh chấp.

Cuộc chiến thuế quan và kiểm soát nguyên liệu

Về mặt thương mại, một trong những mối lo ngại chính của EU là các khoản trợ cấp của Chính phủ Trung Quốc, cho rằng chúng khiến hàng hóa Trung Quốc đổ vào thị trường châu Âu với giá rẻ bất thường. Điều này đã buộc Brussels phải áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, dẫn đến các biện pháp trả đũa từ Bắc Kinh, theo một vòng xoáy phản tác dụng.

Tháng 10 năm ngoái, EU chính thức áp thuế chống trợ cấp đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc. Brussels cũng áp dụng thuế chống bán phá giá đối với gỗ dán và hiện đang điều tra lốp xe Trung Quốc. Đáp lại, Trung Quốc áp thuế chống bán phá giá đối với rượu brandy châu Âu (trừ các hãng lớn), đồng thời điều tra trợ cấp đối với sữa và thịt heo EU.

Bên cạnh những lo ngại lâu nay về tình trạng bán phá giá sản phẩm, EU còn lo ngại về các hạn chế xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc, do EU phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nguyên liệu này. Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Bắc Kinh kể từ tháng 4 đã làm chậm trễ nguồn cung đất hiếm cho châu Âu và làm gián đoạn sản xuất công nghiệp trên khắp lục địa.

Mặc dù Bắc Kinh đã đẩy nhanh các thủ tục hành chính liên quan, EU vẫn nhấn mạnh tác động tiêu cực của các hạn chế tại hội nghị thượng đỉnh và đang thúc đẩy việc đóng cửa hoàn toàn các biện pháp kiểm soát xuất khẩu - điều mà Trung Quốc dường như không muốn thực hiện.

Điều trớ trêu là, tại Hội nghị thượng đỉnh, trong khi Chủ tịch Trung Quốc nhấn mạnh mối quan hệ thương mại sâu sắc với EU là biểu hiện của “kết nối và phụ thuộc lẫn nhau”, thì châu Âu lại coi đó là rủi ro địa kinh tế cần kiểm soát.

Đông Nam Á ở giữa thế gọng kìm

Những gì diễn ra tại Hội nghị Thượng đỉnh Trung Quốc-EU và những diễn biến sau đó là tín hiệu định hướng cho các nước Đông Nam Á trong bối cảnh địa chính trị phức tạp. Chính các quốc gia ASEAN từng là những quốc gia bị áp mức thuế cao nhất trong sóng thuế quan đầu tiên của Mỹ, trước khi các thỏa thuận gần đây làm dịu căng thẳng.

Nếu thế đối đầu giữa EU và Trung Quốc tiếp tục kéo dài, Bắc Kinh có thể nhìn nhận sự xích lại giữa châu Âu và Đông Nam Á bằng con mắt nghi ngờ, khiến việc củng cố quan hệ song phương với EU trở nên nhạy cảm và khó khăn hơn đối với các nước ASEAN. Ngoài ra, nếu Trung Quốc bị siết nhập khẩu vào châu Âu, lượng hàng giá rẻ tràn sang Đông Nam Á có thể còn gia tăng hơn nữa, đe dọa ngành sản xuất.

Ngược lại, EU cũng có thể tăng cường giám sát hàng hóa đến từ Đông Nam Á, nếu nghi ngờ các doanh nghiệp Trung Quốc sử dụng khu vực này làm điểm trung chuyển để lách thuế quan châu Âu.

Tuy nhiên, nếu Brussels và Bắc Kinh tìm được tiếng nói chung, giảm thiểu căng thẳng thương mại, thì đây sẽ là một luồng gió tích cực cho hệ thống thương mại toàn cầu đang bị đe dọa bởi chủ nghĩa bảo hộ và đơn phương từ Washington. Trong hoàn cảnh Mỹ tiếp tục siết chặt quan hệ thương mại với Trung Quốc, việc tăng cường liên kết với EU - đối tác thương mại lớn thứ ba của ASEAN, có thể mở ra hướng phát triển bền vững và ổn định hơn cho khu vực.

Cục diện EU - Trung Quốc không chỉ đơn thuần là câu chuyện của hai trung tâm quyền lực kinh tế - chính trị thế giới. Cách mà hai bên hóa giải bất đồng, hay làm sâu sắc thêm đối đầu, sẽ định hình lại không gian chiến lược của Đông Nam Á trong một trật tự toàn cầu đang bị tái cấu trúc, mà trong đó, các quốc gia nhỏ phải tính toán thận trọng hơn bao giờ hết.

Theo CNA
Copy Link
    Nổi bật
        Mới nhất
        Căng thẳng Trung Quốc - EU ảnh hưởng gì tới Đông Nam Á?
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO