Bảo đảm cạnh tranh không dẫn đến xung đột
Theo Politico, cuộc gọi diễn ra sau cuộc họp của Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan tại Luxembourg vào tháng 6 với nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc, Dương Khiết Trì và cuộc gặp của Ngoại trưởng Antony Blinken với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị vào tháng này tại Bali.
Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhiều lần điện đàm trao đổi, trong đó lần thứ nhất vào tháng 3 và cả hai ông trước đó còn gặp nhau trong một cuộc gặp trực tuyến vào tháng 11 năm ngoái. Các quan chức Mỹ và Trung Quốc nói rằng, các cuộc gặp gỡ, trò chuyện là nhằm mục đích bảo đảm cạnh tranh “không dẫn đến xung đột”.
Nhiều nhà quan sát nhận định, mục tiêu chính của Tổng thống Biden lần này sẽ là bảo đảm sự bùng phát mới nhất cơn thịnh nộ của Trung Quốc đối với chuyến đi dự kiến của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến Đài Loan (Trung Quốc) không làm lệch hướng các cuộc thảo luận cho cuộc gặp trực tiếp được chờ đợi từ lâu giữa ông và Chủ tịch Tập Cận Bình vào tháng 11 tới. Sau khi truyền thông dẫn các nguồn tin cho biết bà Pelosi có kế hoạch thăm Đài Loan (Trung Quốc) vào tháng 8 tới - chuyến thăm đầu tiên của một lãnh đạo Quốc hội Mỹ cấp cao sau 25 năm kể từ chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện thuộc đảng Cộng hòa Newt Gingrich tới đây năm 1997, những ngày qua Trung Quốc liên tục phát đi nhiều cảnh báo.
Ngày 25.7, Bắc Kinh cho hay đang “sẵn sàng” đối phó chuyến thăm trên và rằng Mỹ sẽ phải “chịu tất cả trách nhiệm về mọi hậu quả nghiêm trọng” nếu Chủ tịch Hạ viện Mỹ tới Đài Loan. Tuần trước, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng tuyên bố, Bắc Kinh sẽ thực hiện “các biện pháp kiên quyết và mạnh mẽ” nếu chuyến đi được thực hiện. Vấn đề Đài Loan thường xuyên gây căng thẳng trong quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington. Chính quyền của Tổng thống Biden nhiều lần nói về cam kết "vững chắc" đối với an ninh của hòn đảo này.
Cơ hội phá thế bế tắc
Theo các nhà phân tích, cả Mỹ và Trung Quốc đang tập trung vào cuộc gặp mặt trực tiếp giữa các nhà lãnh đạo bên lề cuộc họp của G-20 vào ngày 12.11 tại Bali hoặc cuộc họp Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương vào ngày 15.11 tại Bangkok. Một số chuyên gia Trung Quốc đánh giá, cuộc gặp như vậy sẽ mang lại cho Tổng thống Biden cơ hội vô giá để phá vỡ thế bế tắc song phương bằng cách tận dụng mối quan hệ cá nhân của hai nhà lãnh đạo được vun đắp khi ông còn là Phó Tổng thống Mỹ. Một cuộc gặp trực tiếp sẽ cho phép Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc có không gian để thảo luận ý nghĩa hơn những cuộc điện đàm hay cuộc họp video của họ trong 19 tháng qua.
Trước đó, trong một phát biểu với báo giới ngày 26.7, ông John Kirby - Điều phối viên liên lạc chiến lược thuộc Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ - cho biết, một trong những trọng tâm của cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo sẽ là việc kiểm soát sự cạnh tranh giữa 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới. Ông nhận định giữa hai nước có nhiều vấn đề căng thẳng, nhưng cũng có những lĩnh vực có thể hợp tác, ví dụ như vấn đề khí hậu. Đồng thời, ông cho biết Tổng thống Biden muốn bảo đảm duy trì các đường dây liên lạc với Trung Quốc.
Một trong những vấn đề được quan tâm đặc biệt trong quan hệ song phương hiện nay là khả năng Washington dỡ bỏ một số thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc nhằm giúp giảm áp lực của lạm phát đối với người tiêu dùng Mỹ. Tuy nhiên, ông Kirby cho biết người đứng đầu Nhà Trắng vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng về vấn đề này dù ông tin rằng việc chính quyền tiền nhiệm của ông Donald Trump áp đặt thuế quan trên là không đem lại hiệu quả.
Vì vậy, chắc chắn hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận kỹ về những căng thẳng thương mại liên quan đến mức thuế quan dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump áp lên 370 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc. Các quan chức công nghiệp và cựu quan chức liên bang - những người am hiểu về kế hoạch quản lý nhận định, Tổng thống Joe Biden nhiều khả năng sẽ dỡ bỏ thuế quan trong tháng này đối với một phân khúc hàng nhập khẩu mục tiêu trị giá khoảng 10 tỉ USD. Ông chủ Nhà Trắng sẽ xác nhận điều đó bằng cách công bố các cuộc điều tra mới theo Mục 301 của Đạo luật Thương mại năm 1974 nhằm vào các lĩnh vực được bao cấp nhiều của nền kinh tế Trung Quốc.
Trong khi đó, Chủ tịch Tập Cận Bình có khả năng thúc đẩy thêm câu chuyện của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhao Lijian trong tháng này rằng, “việc dỡ bỏ tất cả các mức thuế bổ sung đối với Trung Quốc là tốt cho cả Trung Quốc và Mỹ cũng như tốt cho thế giới”.
Thực tế quan hệ thương mại căng thẳng có nhiều tác động bất lợi cho cả hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới. Hôm 24.7, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen cho hay, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Mỹ đang chậm lại và thừa nhận xứ sở cờ hoa đang đối mặt với rủi ro suy thoái. GDP của Mỹ đã giảm với tốc độ 1.6% hàng năm trong quý I. Trong khi đó, số liệu từ Tổng cục Thống kê Trung Quốc (NBS) cho thấy, GDP của nước này giảm 2,6% trong quý II so với quý I, thấp hơn nhiều so với mức dự báo giảm 1,5% mà giới phân tích đưa ra trước đó và mức tăng trưởng 1,4% đạt được trong quý I. Tính gộp nửa đầu năm, GDP Trung Quốc chỉ tăng 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn nhiều so với mục tiêu tăng trưởng cả năm 5,5% mà Chính phủ nước này đề ra. Nhiều nhà phân tích nhận định, nền kinh tế gấu trúc đang có nguy cơ rơi vào trạng thái “stagflation”’ - tình trạng tăng trưởng trì trệ kết hợp lạm phát cao.