Liên minh châu Âu (EU) - Trung Quốc

Căng thẳng thương mại bùng phát

- Thứ Tư, 26/05/2021, 06:54 - Chia sẻ
Trong khi thế giới đang cần các nền kinh tế lớn đoàn kết để đánh bại đại dịch và thúc đẩy phục hồi kinh tế toàn cầu thì căng thẳng thương mại dường như lại bùng phát. Đáng ngạc nhiên, đó không phải cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Quốc, mà là mối quan hệ đang trở nên tồi tệ giữa Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc.
Nguồn: ITN
Nguồn: ITN

Trả đũa chính trị…

Sau 7 năm đàm phán cẩn trọng, EU đã bất ngờ tạm dừng phê chuẩn Hiệp định Toàn diện về đầu tư (CAI), vốn được kỳ vọng sẽ thúc đẩy dòng chảy thương mại giữa châu Âu và Trung Quốc.

Cụ thể, ngày 21.5 vừa qua, Nghị viện châu Âu (EP) cho biết, cơ quan này đã nhất trí tạm dừng phê chuẩn hiệp định CAI giữa EU và Trung Quốc, sau cuộc bỏ phiếu với kết quả 599 phiếu ủng hộ, 30 phiếu chống và 58 phiếu trắng. Theo Nghị quyết, EP yêu cầu Trung Quốc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt nhằm vào 10 chính trị gia và các nhà học giả, cơ quan ngoại giao EU trước khi cơ quan này nối lại xem xét CAI. Các biện pháp của Trung Quốc được áp đặt nhằm đáp trả lệnh trừng phạt của phương Tây đối với 4 quan chức Trung Quốc hồi tháng 3, vì cáo buộc Bắc Kinh vi phạm nhân quyền tại Tân Cương. Các nghị sĩ EP cũng cảnh báo bản thân việc Trung Quốc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt sẽ không bảo đảm việc hiệp định trên được phê chuẩn.

Trước đó, Ủy ban châu Âu (EC) thừa nhận, những nỗ lực để phê chuẩn Hiệp định CAI với Trung Quốc buộc phải dừng lại sau một loạt biện pháp “ăn miếng trả miếng” giữa Trung Quốc và EU thời gian qua. Phó Chủ tịch EC Valdis Dombrovskis nói: “Rõ ràng là trong tình hình hiện nay với lệnh cấm vận của EU với Trung Quốc và lệnh cấm vận đáp trả của Trung Quốc lên các thành viên EP, không có lợi cho việc phê chuẩn hiệp định”.

Được biết, EU và Trung Quốc đã hoàn tất đàm phán về CAI, nhưng các quốc gia thành viên khối và EP vẫn chưa phê chuẩn chính thức hiệp định này. Ở thời điểm bắt đầu đàm phán năm 2014, CAI được kỳ vọng sẽ tạo sân chơi bình đẳng, giúp các công ty châu Âu tiếp cận thị trường Trung Quốc một cách dễ dàng. Đặc biệt, CAI sẽ giúp tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các công ty châu Âu trong lĩnh vực ô tô, vật liệu cơ bản, dịch vụ tài chính, nông nghiệp thực phẩm, các sản phẩm tiêu dùng và cấm ép buộc chuyển giao công nghệ, trong đó bao gồm cả những cam kết về chống biến đổi khí hậu và bảo đảm quyền lợi cho người lao động.

...hay bước đi có tính toán?

Bế tắc hiện nay được đổ lỗi cho những màn ăn miếng trả miếng gần đây giữa hai cường quốc. Những động thái như vậy lại rơi vào thời điểm tồi tệ khi mà thế giới đang kêu gọi thúc đẩy các mối quan hệ đa quốc gia, khơi thông dòng chảy thương mại song phương nhanh hơn để sớm chấm dứt sớm cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu do đại dịch gây ra.

Câu hỏi đặt ra là những khác biệt giữa EU và Trung Quốc có thể được khắc phục để cứu vãn thỏa thuận hay không, hay rạn nứt có trở nên nghiêm trọng hơn hay không. Nếu đó là vấn đề thứ hai, thì Bắc Kinh có thể phải lo lắng về châu Âu nhiều hơn là Mỹ, nơi mà quan hệ thương mại luôn căng thẳng nghiêm trọng trong suốt bốn năm dưới thời Tổng thống Donald Trump. Sau khi lên nắm quyền đầu năm 2021, dường như Tổng thống Biden muốn sửa chữa danh tiếng quốc tế đã có phần bị sụt giảm của Mỹ bằng cách tìm kiếm một giải pháp nhanh chóng cho cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Trong khi đó, có vẻ như Brussels lại có nhiều lý do để lạnh nhạt với Bắc Kinh.

Những động thái của Brussels đương nhiên không chỉ bắt nguồn từ gia tăng căng thẳng chính trị mới nổi; mà thực chất, châu Âu đang đánh giá lại sự phụ thuộc kinh tế ngày càng tăng của mình vào Trung Quốc. Họ ngày càng lo ngại về làn sóng thôn tính và sáp nhập của các tập đoàn Trung Quốc ở EU cùng những mối đe dọa tiềm ẩn đối với an ninh công nghiệp của liên minh lá cờ xanh.

Bên cạnh đó, mối quan hệ ổn định hơn với Mỹ dưới thời Tổng thống Biden cũng thúc đẩy EU cương quyết hơn trong động thái của mình. Chuyên gia Sourabh Gupta, Viện Nghiên cứu Trung - Mỹ cho hay, việc Brussels và Bắc Kinh hoàn tất đàm phán CAI vào cuối năm ngoái đã phản án sự bất an của khối này trong mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương “bấp bênh” với Washington dưới thời ông Donald Trump. Tuy nhiên, lập trường của châu Âu có thể đã phần nào thay đổi khi ông Joe Biden chính thức trở thành Tổng thống Mỹ và ngỏ ý muốn nối lại “nhịp cầu” hai bờ Đại Tây Dương, cùng đồng minh lâu năm EU chia sẻ quan điểm và cách thức để đối trọng với Trung Quốc. Điều đó có nghĩa là, ngay cả khi căng thẳng chính trị qua đi, EU cũng chưa sẵn sàng hâm nóng mối quan hệ thương mại với Trung Quốc.

Tạm dừng CAI là một trở ngại cho cả hai bên, bởi Hiệp định này một khi có hiệu lực sẽ thúc đẩy thương mại song phương tăng trưởng mạnh mẽ hơn. Năm 2020, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của EU, với giá trị thương mại giữa hai nền kinh tế đạt 713 tỷ USD, so với 676 tỷ USD xuất nhập khẩu của EU trao đổi với Mỹ. Sự phục hồi sớm của Trung Quốc sau đại dịch đã thúc đẩy nhu cầu mạnh mẽ hàng hóa của EU, đặc biệt là đối với mặt hàng ô tô và hàng hóa đắt tiền; trong khi xuất khẩu của Trung Quốc sang châu Âu tăng mạnh nhờ nhu cầu của EU về thiết bị y tế và điện tử tiêu dùng tăng mạnh.

Trên cơ sở đó, châu Âu và Trung Quốc đang tìm cách thâm nhập hơn nữa vào thị trường của nhau, nhưng không phải bằng bất cứ giá nào. EU muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ thương mại với Trung Quốc nhưng không muốn để điều này xảy ra với cái giá là thâm hụt thương mại lớn hơn với Trung Quốc. Trong 10 năm qua, thâm hụt thương mại thương mại châu Âu - Trung Quốc đã tăng 28,9%, lên mức 219 tỷ USD nhưng chưa có dấu hiệu điều chỉnh. Tương tự, Bắc Kinh muốn thúc đẩy thương mại mạnh mẽ hơn với châu Âu, nhưng không phải với cái giá là sự gia tăng can thiệp của EU vào công việc nội bộ của Trung Quốc.

Thái độ cứng rắn của EU đối với Trung Quốc thời gian gần đây không có gì đáng ngạc nhiên nếu nhìn vào những động thái cứng rắn của EU với cả Mỹ và Anh. Brussels vừa cho áp đặt thuế kỹ thuật số đối với những công ty công nghệ khổng lồ của Mỹ như Amazon và Google, đe dọa làm leo thang căng thẳng thương mại sâu sắc hơn với Washington.

Trong khi đó, căng thẳng gần đây giữa EU và Anh liên quan đến các đơn hàng vaccine ngừa Covid-19 của hãng AstraZeneca cũng như tranh cãi giữa Pháp và Anh sau khi London áp đặt các quy định mới về quyền tiếp cận của tàu đánh cá Pháp đối với những vùng biển gần quần đảo Channel. Một số chuyên gia nhận định, thái độ cứng rắn và những lời đe dọa của EU có thể bắt nguồn từ những áp lực gia tăng từ làn sóng dân túy ở 27 quốc gia thành viên.

Rõ ràng, Trung Quốc có lý do để lo ngại về mối quan hệ với Brussels hơn là mối quan hệ tưởng chừng căng thẳng với Mỹ. Trong bối cảnh thế giới cần sự đoàn kết giữa ba nền kinh tế lớn nhất, chìa khóa để phục hồi bền vững nằm ở chỗ mỗi quốc gia cần gạt bỏ chủ nghĩa bảo hộ, dỡ bỏ lệnh trừng phạt và mở cửa thương mại tự do hơn. Thay vì dựng lên những hàng rào thù địch, giờ là lúc quay lại bàn đàm phán và sắp xếp mọi thứ một cách thân thiện.

Đạt Quốc