Thế giới 24h

Căng thẳng Ấn Độ - Pakistan: Liệu có nổ ra chiến tranh toàn diện?

Như Ý 08/05/2025 11:24

Leo thang căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan có nguy cơ biến thành cuộc xung đột toàn diện, có tác động toàn cầu.

Sáng 7/5, Ấn Độ đã tiến hành không kích 9 địa điểm ở vùng Kashmir thuộc Pakistan kiểm soát, khiến gần 30 người thiệt mạng, theo phía Pakistan. Động thái này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân tiếp tục leo thang sau vụ tấn công vào khách du lịch ở thị trấn Pahalgam, thuộc vùng Kashmir do Ấn Độ kiểm soát vào tháng trước, khiến 26 người tử vong.

Theo truyền thông Ấn Độ, đòn không kích sáng ngày 7/5 do không quân, hải quân và lục quân Ấn Độ phối hợp thực hiện trong 30 phút, với 24 tên lửa các loại được bắn vào các vị trí của hai nhóm vũ trang Lashkar-e-Taiba (LeT) và Jaish-e-Mohammad (JeM). Ấn Độ coi LeT và JeM là các tổ chức cực đoan.

Bộ Quốc phòng Pakistan sau đó xác nhận có 6 địa điểm bị tấn công nằm tại khu vực Pakistan kiểm soát ở Kashmir và tại tỉnh Punjab miền Đông Pakistan. Giới chức Pakistan cho biết thêm, hai nhà thờ Hồi giáo đã bị hỏa lực nước láng giềng đánh trúng. Reuters dẫn thông báo của nhà chức trách Pakistan thống kê, ít nhất 26 người đã thiệt mạng, 46 người bị thương trong vụ việc.

Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif cùng ngày nêu rõ: “Pakistan có đầy đủ quyền đáp trả mạnh mẽ đối với hành động của Ấn Độ”; đồng thời khẳng định “toàn bộ đất nước Pakistan sẽ sát cánh cùng lực lượng vũ trang tìm cách đối phó với đối thủ”. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Pakistan đã triệu trưởng phái đoàn ngoại giao Ấn Độ tại Islamabad tới để phản đối cuộc không kích của New Delhi.

Cũng trong ngày 7/5, Bộ Quốc phòng Pakistan tuyên bố với CNN, không quân nước này đã giao chiến với không quân Ấn Độ và bắn hạ ít nhất 5 máy bay chiến đấu, một máy bay không người lái (UAV) của New Delhi.

2025-05-06t220017z396995387rc2lceaip5gcrtrmadp3india-pakistan-17465717952041327619812.jpg.jpg
Một khu vực ở Kashmir bên phía Pakistan kiểm soát vào sáng 7/5/2025. Ảnh: Reuters

Lịch sử căng thẳng

Hành động mới nhất của Ấn Độ nối dài danh sách những cuộc xung đột quân sự giữa hai quốc gia láng giềng sở hữu vũ khí hạt nhân trong lịch sử từ khi khai thiên lập quốc vào năm 1947 đến nay.

Năm 1947 là cuộc chiến đầu tiên giành Kashmir của Ấn Độ và Pakistan. Ấn Độ với đa số dân theo đạo Hindu trong khi Pakistan với đa số dân theo đạo Hồi được thành lập vào tháng 8/1947 sau khi Anh nhượng lại quyền kiểm soát thuộc địa đối với tiểu lục địa này. Nhưng chỉ sau vài tháng sau, hai quốc gia mới này đã bùng nổ chiến tranh để giành quyền kiểm soát vùng lãnh thổ Kashmir tuyệt đẹp nằm trên dãy Himalaya.

Giao tranh diễn ra trong nhiều tháng, cho đến khi Liên Hợp Quốc can thiệp để thiết lập ranh giới ngừng bắn vào năm 1949, khiến cả hai nước đều kiểm soát một phần lãnh thổ Kashmir. Tuy nhiên, cả hai cho đến nay vẫn tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ khu vực.

Cuộc chiến thứ hai diễn ra vào năm 1965. Ít nhất ba cuộc chiến khác và một số cuộc giao tranh vũ trang đã nổ ra trong những thập kỷ kể từ đó.

Hiện nay, các khu vực Kashmir do Ấn Độ và Pakistan quản lý hiện đang bị chia cắt bởi Đường kiểm soát (LoC), vốn đóng vai trò là ranh giới kiểm soát thực tế giữa hai bên. Ấn Độ quản lý Thung lũng Kashmir, Jammu và Ladakh, trong khi Pakistan kiểm soát Azad Kashmir, Gilgit và Baltistan.

Liệu có nổ ra một cuộc chiến toàn diện?

Kể từ sau các cuộc tấn công vào tháng trước, căng thẳng ngoại giao giữa hai nước ngày càng leo thang. Theo đó, Ấn Độ đã đình chỉ Hiệp ước Nước Indus - một thỏa thuận đã có từ nhiều thập kỷ trước nhằm phân chia nguồn nước ở sông Indus - và đóng cửa khẩu biên giới đất liền với Pakistan. Trong khi đó, Pakistan đã đe dọa sẽ rút khỏi Hiệp định Simla, một hiệp ước hòa bình được ký kết vào năm 1972, thiết lập LoC và nhằm mục đích bình thường hóa quan hệ.

Thêm vào đó, hai nước láng giềng cũng đã hủy thị thực cho công dân của nhau và đóng cửa không phận, động thái làm dấy lên lo ngại về viễn cảnh xảy ra chiến tranh quy mô lớn. Trong khi đó, phân tích đang chia rẽ về viễn cảnh cuộc xung đột kéo dài nhất ở Nam Á sẽ bùng phát thành một cuộc xung đột toàn diện khác. Chia sẻ với The Conversation, Giáo sư quan hệ quốc tế Ian Hall từ Đại học Griffith của Australia cho biết rõ ràng là cả hai bên đều đang tiến gần đến một cuộc xung đột lớn hơn so với những lần trước. “Hy vọng là sẽ có hành động quân sự hạn chế, kéo dài trong vài ngày, và sau đó mọi thứ sẽ nhanh chóng lắng xuống, như trước đây. Nhưng không có gì bảo đảm”, ông nói.

Tuy nhiên, phó giáo sư Iqbal Singh Sevea từ Đại học Quốc gia Singapore (NUS) lại có nhận định khác và cho rằng, chưa có dấu hiệu rõ ràng nào cho thấy một cuộc chiến tranh sắp xảy ra. “Cả hai quốc gia đều cảnh giác với việc bị kéo vào các cuộc giao tranh toàn diện” ông nói và lưu ý rằng Ấn Độ đã cố tình định hình các cuộc không kích của mình là các hành động "có mục tiêu, có tính toán và không leo thang" chỉ nhắm vào "cơ sở hạ tầng khủng bố". Điều này phản ánh mục đích định hình các cuộc không kích là các cuộc tấn công vào những kẻ khủng bố có căn cứ tại Pakistan, chứ không phải là một hành động chiến tranh.

Ông Sevea cho biết thêm, về phần mình, Pakistan lo lắng về một cuộc leo thang quân sự. Họ vẫn có khả năng sẽ đáp trả các cuộc không kích của Ấn Độ bằng hành động quân sự, nhưng sẽ được điều chỉnh ở mức độ vừa phải, tránh đẩy căng thẳng vượt kiểm soát.

Tác động đến Đông Nam Á như thế nào?

Xung đột kéo dài giữa Ấn Độ - Pakistan không chỉ ảnh hưởng tới khu vực mà con lan rộng đến kinh tế ở Đông Nam Á. Theo ông Sevea, hệ quả tức thời của tình trạng xung đột kéo dài là nhập khẩu. Bởi nền kinh tế Ấn Độ ngày càng gắn kết với Đông Nam Á, với nhiều quốc gia trong khu vực đầu tư vào New Delhi,

Trong khi đó, một số quốc gia Đông Nam Á cũng phụ thuộc vào nguồn thực phẩm nhập khẩu từ Ấn Độ và Pakistan, bao gồm các mặt hàng chủ lực như gạo. Malaysia nhập khẩu khoảng 40 % gạo từ hai quốc gia này, trong khi Indonesia phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ Ấn Độ để đáp ứng tình trạng thiếu hụt sản lượng gạo. Đối với các quốc gia như Singapore ủng hộ các thể chế và khuôn khổ đa phương, xung đột giữa Ấn Độ và Pakistan sẽ chỉ gây ra thêm bất ổn cho một trật tự toàn cầu vốn đã thay đổi, Phó Giáo sư Sevea lưu ý.

Quốc tế kêu gọi kiềm chế

Trước những diễn biến căng thẳng nêu trên, nhiều nước và tổ chức quốc tế đã lên tiếng về tình hình biên giới Ấn Độ - Pakistan. Tổng Thư ký LHQ António Guterres bày tỏ quan ngại về căng thẳng “mức cao nhất trong nhiều năm” giữa Ấn Độ-Pakistan, đồng thời cảnh báo hai nước “tránh đối đầu quân sự, vốn có thể dễ dàng vượt khỏi tầm kiểm soát”.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump bày tỏ sự đáng tiếc về việc Ấn Độ-Pakistan giao tranh xuyên biên giới. “Họ đã chiến đấu trong một thời gian dài. Họ đã chiến đấu trong nhiều, nhiều thập kỷ. Tôi hy vọng nó sẽ kết thúc thật nhanh”, ông Trump nhấn mạnh.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng bày tỏ quan ngại về căng thẳng Ấn Độ-Pakistan. "Chúng tôi kêu gọi cả hai bên hành động vì lợi ích lớn hơn của hòa bình và ổn định, giữ bình tĩnh, kiềm chế và không thực hiện các hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình", Bộ Ngoại giao Trung Quốc nêu. Chính phủ Nhật Bản lo ngại “sự việc có thể kích động các hành động trả đũa và leo thang thành xung đột toàn diện”, đồng thời đề nghị hai nước “ổn định tình hình thông qua đối thoại”.

Con đường nào để giảm leo thang?

Nhà nghiên cứu Iftekharul Basha từ Viện Nghiên cứu Quốc tế S.Rajaratnam đã viết trong một bài bình luận sau vụ tấn công vào tháng 4 tại Pahalgam rằng, Ấn Độ cần phải có những bước đi để bảo đảm sự gắn kết xã hội và cùng tồn tại, tôn trọng sự đa dạng. Về phía Pakistan cũng cần phải có trách nhiệm thực hiện các biện pháp đáng tin cậy để bảo đả hòa bình và an ninh khu vực bằng cách điều tra kỹ lưỡng và trấn áp các nhóm khủng bố hoạt động trong biên giới của mình.

Cựu cố vấn an ninh quốc gia Pakistan Moeed W Yusuf cho rằng, sự can thiệp của cộng đồng quốc tế chỉ mang tính quản lý khủng hoảng trong ngắn hạn và đối thoại giữa hai quốc gia vẫn “cách hợp lý duy nhất để tiến về phía trước”. Ông cho biết: “Cộng đồng quốc tế nên tìm cách tạo điều kiện để Ấn Độ và Pakistan quay trở lại bàn đàm phán - với mục đích giải quyết tất cả các vấn đề tồn đọng của họ theo cách có thể chấp nhận được và bền vững cho cả hai bên”.

Theo CNA
Copy Link

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Căng thẳng Ấn Độ - Pakistan: Liệu có nổ ra chiến tranh toàn diện?
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO