Kho bạc Nhà nước các tỉnh miền Trung:

"Càng mưa bão, càng phải chi trả kịp thời!"

- Thứ Sáu, 23/10/2020, 07:00 - Chia sẻ
Điện mất, không thể dùng dịch vụ công trực tuyến thì dùng giấy tờ; cán bộ kho bạc ai ở xa, bị lụt không tới được cơ quan sẽ có người ở gần làm thay; tại các kho bạc huyện có nguy cơ ngập lụt, hồ sơ, chứng từ được đưa lên cao để bảo quản an toàn… Nhờ cách làm này, Kho bạc Nhà nước (KBNN) các tỉnh miền Trung vẫn bảo đảm giao dịch thông suốt trong đợt mưa lũ lịch sử.

Chi ngân sách không bị ngắt quãng

Những ngày qua, mưa lũ kéo dài gây ngập lụt lịch sử tại miền Trung, đặc biệt gây thiệt hại nghiêm trọng đối với các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế…  Lũ lụt đã làm trên 135 người chết, mất tích; hàng trăm nghìn ngôi nhà bị sập, tốc mái, hư hại, trong đó có hàng nghìn ngôi nhà bị sập, bị ngập; hàng trăm hecta lúa, hoa màu bị ngập; nhiều tuyến đường, trường học, trạm xá và công trình công cộng, công trình kinh tế, quốc phòng bị hư hại nặng nề… Tổng giá trị thiệt hại về tài sản của nhân dân và Nhà nước ước tính hàng chục nghìn tỷ đồng.

Tổng Giám đốc KBNN Nguyễn Đức Chi cùng Ban lãnh đạo và cán bộ KBNN ủng hộ đồng bào miền Trung
Ảnh: H.Lan

Cũng chịu ảnh hưởng trực tiếp của mưa lũ nhưng KBNN các tỉnh miền Trung đã chủ động trong công tác ứng phó; nỗ lực khắc phục khó khăn để bảo đảm an toàn kho quỹ; quản lý thu và chi ngân sách thông suốt, kịp thời, nhanh chóng, đặc biệt là thanh toán các khoản chi an sinh xã hội, phòng chống bão lụt.

Tại Thừa Thiên Huế, trụ sở KBNN tỉnh và KBNN một số huyện bị mưa lũ tràn vào sân. Đặc biệt, KBNN huyện Phong Điền nước ngập vào tận phòng giao dịch. Điện lưới bị cắt nên kho bạc không thể thực hiện dịch vụ công trực tuyến. “Do mất điện, dịch vụ công trực tuyến không “đi” được, chúng tôi chỉ đạo anh em xử lý chứng từ thanh toán của đơn vị sử dụng ngân sách theo cách truyền thống (bằng giấy tờ - PV) để bảo đảm nguồn chi ngân sách không bị ngắt quãng”, ông Nguyễn Hoàng Đệ, Giám đốc KBNN Thừa Thiên Huế cho biết. Cùng với đó, cán bộ kho bạc nếu ở xa, nước ngập sâu không thể đến cơ quan sẽ có một số cán bộ ở gần thay thế, không để xảy ra ách tắc công việc, giao dịch. Riêng Ban lãnh đạo KBNN tỉnh đã ở lại trụ sở để “trực chiến”, xử lý những việc phát sinh trong mưa lũ. Trước đó, KBNN huyện nào có nguy cơ ngập lụt sâu, cán bộ đã đưa toàn bộ hồ sơ, chứng từ lên bục cao để bảo quản.

KBNN Quảng Trị cũng quyết tâm không để mưa lũ ảnh hưởng đến hoạt động. Quan điểm của lãnh đạo KBNN tỉnh là trong lúc mưa bão, việc chi trả qua kho bạc càng phải được thực hiện kịp thời hơn nữa. Ông Phan Đình Tý, Giám đốc KBNN Quảng Trị chia sẻ: “Anh em chúng tôi túc trực ở trụ sở kho bạc, một mặt phòng chống bão lụt, mặt khác bảo đảm yêu cầu thanh toán, chi trả, nhất là thanh toán các khoản về an sinh xã hội, phòng, chống bão lụt. Có những khoản hỗ trợ qua các tổ chức Hội đoàn thể cho đồng bào bão lụt phải thanh toán kịp thời, kể cả tiền mặt cũng như chuyển khoản”.

Nước rút đến đâu, dọn dẹp đến đó

Ngày 21.10 mực nước lũ ở các địa phương trong tỉnh Quảng Bình rút khá nhanh. Ông Trần Đại Sơn, Phó Giám đốc KBNN Quảng Bình cho biết, đơn vị đã huy động cán bộ, công chức dọn dẹp, tổng vệ sinh môi trường trụ sở làm việc với phương “nước rút đến đâu, khắc phục nhanh, hiệu quả đến đó” để bảo đảm các hoạt động sớm trở lại bình thường.

Trước đó, để bảo đảm việc chi trả ngân sách được đáp ứng đầy đủ và giảm thiểu mức thiệt hại do bão, lũ gây ra, KBNN Quảng Bình đã có văn bản hướng dẫn các KBNN huyện thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ) trong phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Đồng thời, toàn bộ hồ sơ, chứng từ của KBNN cấp huyện đều được bảo quản ở nơi khô ráo. Trong thời điểm mưa lũ diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nặng đến Quảng Bình, KBNN tỉnh đã tăng cường cho cán bộ, công chức làm việc, kể cả ngoài giờ, để kịp thời chi trả những khoản các cấp chính quyền yêu cầu cần thiết, ông Trần Đại Sơn cho biết.

Tương tự, KBNN Thừa Thiên Huế đã huy động lực lượng tổng vệ sinh môi trường sau mưa lũ và hoạt động bình thường trở lại. Lãnh đạo Kho bạc tỉnh quyết tâm không để mưa lũ ảnh hưởng đến việc quản lý ngân sách trên địa bàn. Tính đến ngày 15.10, KBNN Thừa Thiên Huế đã thực hiện chi trả cho các đơn vị sử dụng ngân sách 11.413 tỷ đồng, đạt 95% dự toán năm 2020. Tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư công năm 2020 qua KBNN Thừa Thiên Huế đến 15.9 đạt 59% kế hoạch vốn giao đầu năm (2.231/3.812 tỷ đồng).

Có thể nói, nhờ thực hiện tốt công tác phòng chống lụt bão và nỗ lực vượt qua, các giao dịch thu - chi với KBNN các tỉnh miền Trung đến nay đều được bảo đảm thông suốt. Bằng việc chi trả ngân sách kịp thời, kho bạc các tỉnh miền Trung đã và đang cùng với địa phương chung tay khắc phục thiệt hại do bão, lũ gây ra, giúp người dân nhanh chóng ổn định lại cuộc sống, khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Kho bạc Nhà nước quyên góp ủng hộ miền Trung

Nhằm chia sẻ, ủng hộ đồng bào miền Trung bị bão lụt, sáng 22.10, Kho bạc Nhà nước (KBNN) tổ chức Lễ phát động và và tổ chức ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi thiên tai ở các tỉnh miền Trung. Tại buổi lễ, mỗi công chức, viên chức, người lao động tại KBNN Trung ương đã ủng hộ tối thiểu 1 ngày lương cơ bản.

Phó KBNN Giám đốc Trần Thị Huệ cho biết, Công đoàn cơ quan KBNN sẽ tổng hợp số tiền ủng hộ và chuyển ngay đến Công đoàn Bộ Tài chính để kịp thời chuyển đến bà con các tỉnh đang chịu thiệt hại nặng nề bởi mưa lũ để có thêm nguồn lực vượt qua khó khăn, khôi phục lại cuộc sống khi cơn lũ đi qua.

Hà Lan