Càng đổi mới, đất nước càng phát triển

Hoàng Ngọc thực hiện 24/12/2016 08:18

Sau cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945, đường lối Đổi mới năm 1986 của Đảng ta chính là cuộc cách mạng lần thứ hai. Đây là cuộc đổi mới thực sự vì lợi ích của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân. Việc tiếp tục thực thi đúng đường lối đổi mới, chúng ta sẽ khắc phục được nạn tham nhũng, quan liêu, xây dựng bộ máy nhà nước thật sự của nhân dân, vì nhân dân. Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng (Khóa VI), ĐBQH (Khóa VIII, IX, X) NGUYỄN QUỐC THƯỚC đã chia sẻ với Báo Đại biểu Nhân dân như vậy khi nhìn lại chặng đường tròn 30 năm Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo thực hiện công cuộc Đổi mới.

Đổi mới nhưng không “đổi màu”

- Là một trong những người trực tiếp tham gia thảo luận, quyết định thông qua đường lối Đổi mới tại Đại hội VI của Đảng, ông chia sẻ đôi điều về quyết định mang ý nghĩa lịch sử này?

Càng đổi mới, đất nước càng phát triển ảnh 1 
Mặc dù, hiện nay nước ta còn thua kém các nước trên thế giới về trình độ phát triển kinh tế - xã hội, nhưng, cần nhìn một cách toàn diện hơn về bối cảnh đất nước trước Đổi mới, khi ấy Việt Nam nằm ở đâu trên bản đồ thế giới? Nếu như các nước xuất phát điểm đổi mới ở mốc 100 - 200, thì có thể nói, ta bắt đầu Đổi mới từ con số 0, thậm chí còn là số âm. Cho nên không có công cuộc Đổi mới năm 1986 thì không thể có đất nước như ngày hôm nay. Sức bật và vị thế của Việt Nam hiện nay khẳng định giá trị vĩ đại của đường lối Đổi mới.

ĐBQH Khóa VIII, IX, X
Nguyễn Quốc Thước

- Trước thềm Đổi mới, đất nước vừa bước qua hơn 30 năm chiến tranh, thoát khỏi lệnh cấm vận. Thế nhưng, chúng ta lại phải đối mặt với những khó khăn nội tại, như tình trạng khủng hoảng về kinh tế - xã hội, nguy cơ khủng hoảng về chính trị. Thậm chí, có thể nói đất nước bị tê liệt trên mọi mặt, mọi lĩnh vực. Đất nước sẽ đi về đâu - là câu hỏi thường trực trong mỗi cán bộ, đảng viên và người dân lúc bấy giờ.

Ở thời điểm đó, chúng ta buộc phải “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”. Chúng ta phải đấu tranh giữa tư tưởng bảo thủ, yêu cầu giữ nguyên chế độ bao cấp, “phân cấp, phân phối”, với việc chuyển đổi để đi theo con đường mới, vận hành nền kinh tế theo cơ chế thị trường gắn với định hướng xã hội chủ nghĩa. Rất mừng là tư duy tiến bộ, đổi mới của Tổng Bí thư Trường Chinh khi ấy đã thắng. Và tại Đại hội VI, Đảng ta đã lựa chọn được một trong những “ngọn cờ” đầu đổi mới là Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh để thực thi Đổi mới, với quan điểm: Sáng tạo, kiên định, Đổi mới nhưng không “đổi màu”.

- Ông có thể chia sẻ rõ hơn về cuộc đấu tranh giữa tư tưởng tiến bộ và bảo thủ ngay trong nội bộ Đảng lúc bấy giờ?

- Đổi mới hay là chết - đó là khẩu hiệu mà Tổng Bí thư Trường Chinh khi ấy đã đưa ra. Khẩu hiệu này đã thuyết phục được số đông cán bộ, đảng viên. Bởi lẽ, nếu cứ giữ khư khư đường lối cũ, chúng ta sẽ không thể duy trì chế độ xã hội chủ nghĩa. Nhớ lại cảnh tem phiếu, xếp hàng mua muối, mua gạo… chúng tôi không khỏi rùng mình vì sự thiếu thốn đó. Có giai đoạn, chúng ta không còn gạo để phân phát, buộc phải thay bằng ngô, khoai, sắn... Trong khi đó, chưa cần đến 30 năm, mà 10 năm sau khi tiến hành công cuộc Đổi mới, chúng ta đã có dư gạo để xuất khẩu. Người dân có cơm ăn, áo mặc, có của dư, của để.

Vì thế, ý nghĩa vĩ đại của công cuộc Đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo thực hiện không ai có thể phủ định được. Và việc đấu tranh, tìm ra con đường đổi mới, thay đổi tư duy, nhận thức của mỗi cán bộ, đảng viên chính là cuộc cách mạng lần thứ hai, sau thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Sau 30 năm đổi mới, đất nước đã đạt những thành tựu to lớn, vượt bậc về mọi mặt Ảnh: Vũ Long
Sau 30 năm đổi mới, đất nước đã đạt những thành tựu to lớn, vượt bậc về mọi mặt    
Ảnh: Vũ Long

Đột phá vào công tác cán bộ

- Nhìn lại chặng đường tròn 30 năm thực hiện công cuộc Đổi mới và những thành tựu to lớn đã đạt được, có điều gì khiến ông còn trăn trở không? 

- Thành công của Đổi mới đã được khẳng định. Càng Đổi mới, chúng ta càng phát triển.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, có một số người thực thi Đổi mới lại chưa thực sự làm theo đường lối Đổi mới. Chúng ta đổi mới vì lợi ích của Tổ quốc, hạnh phúc của Nhân dân. Thế nhưng, trong đội ngũ cán bộ, đảng viên lại có tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Và những con sâu làm rầu nồi canh, lấy tư lợi làm đầu, thay vì nghĩ cho lợi ích chung của đất nước, dân tộc ấy vẫn sống dai dẳng, kìm hãm tiến độ Đổi mới, phát triển của đất nước.

Qua rất nhiều kỳ Đại hội Đảng, gần đây nhất là Đại hội XI, XII, Đảng ta đã liên tiếp ban hành 2 Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay, và Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) về Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đáng chú ý, trong Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII), Trung ương đã thẳng thắn chỉ đích danh một cách có hệ thống những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đồng thời khẳng định, từ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

- Mọi việc thành hay bại là do công tác cán bộ. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói như vậy khi tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ Nhất, QH Khóa XIV. Để phát huy thành quả, kinh nghiệm đạt được từ chặng đường 30 năm thực hiện Đổi mới vừa qua, thì những hạn chế, tồn tại trong công tác cán bộ hiện nay cần được khắc phục trước tiên, thưa ông?

- Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo việc thực hiện công cuộc Đổi mới là vì nước, vì dân. Vì vậy, bộ máy nhà nước thực hiện đường lối Đổi mới đó phải thực sự trong sạch, vững mạnh, phải là tập hợp của một đội ngũ những cán bộ liêm chính, sẵn sàng phê phán, đấu tranh với sự suy thoái về đạo đức, lối sống, những hiện tượng tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, góp phần củng cố niềm tin của người dân với Đảng, với bộ máy nhà nước và cả hệ thống chính trị.

Vì sao dân thuận theo ý Đảng? Vì rằng Đảng đề ra đường lối, chính sách thiết thực, có ý nghĩa sống còn với sự phát triển của đất nước, sự tồn vong của chế độ, xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Chủ trương, đường lối của Đảng đề ra là đúng đắn, nhưng trong đội ngũ cán bộ thực thi, lại có người đi chệch đường ray, quấy nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, thì lòng dân sao có thể yên? Vậy nên, đột phá vào công tác cán bộ, xốc lại đội ngũ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, chính là hành động thiết thực để tiếp tục thực hiện thành công công cuộc Đổi mới, đưa đất nước tiếp tục phát triển đi lên và hội nhập sâu rộng với bè bạn quốc tế.

- Xin cảm ơn sự chia sẻ của ông!

    Nổi bật
        Mới nhất
        Càng đổi mới, đất nước càng phát triển
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO