Càng cấp bách, càng phải kỹ lưỡng

- Thứ Hai, 29/11/2021, 05:40 - Chia sẻ
Tuần qua, lãnh đạo Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội và Thường trực một số Ủy ban đã làm việc với lãnh đạo một số bộ, ngành để xem xét 5 vấn đề dự kiến được thảo luận tại kỳ họp bất thường của Quốc hội.

Tại cuộc họp này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, việc tổ chức kỳ họp bất thường dựa vào công tác chuẩn bị nội dung. Nếu các nội dung bảo đảm yêu cầu về chất lượng thì sẽ trình Quốc hội; nếu không có nội dung nào đủ điều kiện thì sẽ không có kỳ họp bất thường.

Có thể nói, 5 nội dung dự kiến đưa ra thảo luận tại kỳ họp bất thường tới đây đều có ý nghĩa quan trọng và cấp bách đối với quốc kế dân sinh. Đó là dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 10 luật; Đề án xây dựng cơ chế, chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ kịp thời triển khai Chương trình tổng thể phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025; Đề án thí điểm về việc tách giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư; Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Cần Thơ.

Sau 2 năm chống chọi với dịch Covid, doanh nghiệp và người dân đã kiệt sức. Họ đang trông đợi Chương trình tổng thể phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sớm được phê duyệt để có thêm sức mạnh và động lực vượt qua cơn bĩ cực. Các chính sách hỗ trợ nếu chậm trễ có thể khiến doanh nghiệp chìm sâu hơn trong khó khăn, khó gượng dậy và Việt Nam sẽ bị lỡ nhịp với đà khôi phục của kinh tế thế giới.

Cũng nhằm đẩy mạnh giải ngân đầu tư công để góp phần kích thích tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo thêm việc làm, thu nhập và nâng cao đời sống người lao động, Chính phủ kiến nghị chuyển toàn bộ 12 dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam sang đầu tư công. Trong khi đó, đề xuất tách giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư được kỳ vọng sẽ tháo gỡ điểm nghẽn giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ toàn bộ dự án. Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong số khoảng 1.900 dự án đầu tư chậm tiến độ trong năm 2020 thì có gần 1.100 dự án gặp vướng mắc do giải phóng mặt bằng. Vấn đề giải phóng mặt bằng tiếp tục được cho là nguyên nhân gây "tắc" giải ngân đầu tư công trong năm nay.

Như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh, những nội dung này đều mang tính cấp bách, rất quan trọng cho quốc kế dân sinh và lại là vấn đề khó, phức tạp nên cần chuẩn bị kỹ lưỡng, đúng quy trình, quy định của pháp luật. 

Yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội chắc chắn tạo ra áp lực, đòi hỏi Chính phủ cũng như các bộ, ngành phải cố gắng và nỗ lực cao nhất trong công tác chuẩn bị. Đó là áp lực cần thiết giúp các chính sách khi được ban hành bảo đảm hiệu quả cao nhất và nhanh chóng đi vào cuộc sống để doanh nghiệp, người dân sớm được thụ hưởng. Chính sách hỗ trợ phải điểm trúng “huyệt” khó khăn của doanh nghiệp. Liều lượng của chính sách tiền tệ, tài khóa phải cân nhắc để vừa đáp ứng được mong mỏi của doanh nghiệp, vừa giảm tối đa tác dụng “phụ” như lạm phát và bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô. Việc triển khai thí điểm chủ trương tách giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư - trước tiên phải đánh giá kỹ “tiền lệ” dự án sân bay Long Thành và rút ra được những bài học kinh nghiệm. Chuyển 12 dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam sang đầu tư công tất yếu không thể không cân nhắc tới khả năng của ngân khố quốc gia…

Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội sẵn sàng làm việc đêm ngày, sẵn sàng họp bất thường để quyết định những vấn đề quan trọng, cùng Chính phủ đưa đất nước vượt qua giai đoạn khó khăn. Yêu cầu các nội dung đưa ra thảo luận tại kỳ họp bất thường phải được chuẩn bị thật kỹ lưỡng, có chất lượng cao của lãnh đạo Quốc hội chính là sự bảo đảm cao nhất cho hiệu quả của các quyết sách.

Hà Lan