Canada rút lại "đòn thuế" để khơi thông đàm phán với Mỹ
Hai ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố dừng đàm phán thương mại, Bộ Tài chính Canada thông báo hủy bỏ thuế dịch vụ kỹ thuật số, điều kiện tiên quyết mà phía Mỹ đưa ra để nối lại các cuộc thảo luận.
Bước lùi của Canada
"Thông báo hôm nay sẽ hỗ trợ việc nối lại đàm phán để đạt thỏa thuận trước ngày 21/7, như đã thống nhất tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 ở Kananaskis", Thủ tướng Canada Mark Carney cho biết trong tuyên bố hôm 29/6.

bên lề Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Kananaskis, Alberta, vào ngày 16/6. Nguồn: NBC News
Bộ trưởng Tài chính và Doanh thu quốc gia Canada Francois-Philippe Champagne cho biết thêm: “Việc hủy bỏ thuế dịch vụ kỹ thuật số sẽ cho phép các cuộc đàm phán về mối quan hệ kinh tế và an ninh mới với Mỹ đạt được tiến triển quan trọng và củng cố nỗ lực tạo việc làm và xây dựng sự thịnh vượng cho tất cả người dân Canada”.
Sự thay đổi này là bước ngoặt lớn trong lập trường của Chính phủ Canada. Trước đó, quan chức nước này vẫn khẳng định Canada sẽ không trì hoãn việc thực hiện đạo luật Thuế dịch vụ kỹ thuật số, bất chấp áp lực ngày càng gia tăng. "Điều này đã được Quốc hội Canada bỏ phiếu thông qua nên chúng tôi sẽ tiến hành áp dụng loại thuế này", Bộ trưởng Tài chính và Doanh thu quốc gia Canada Francois-Philippe Champagne tuyên bố hôm 27/6.
Luật Thuế dịch vụ kỹ thuật số được đưa ra lần đầu tiên vào năm 2020 để giải quyết tình trạng chênh lệch thuế trong đó nhiều công ty công nghệ lớn kiếm được doanh thu đáng kể từ người dân Canada nhưng lại không phải chịu thuế.
Theo kế hoạch của chính phủ Canada, bắt đầu từ ngày 30/6 (giờ địa phương), loại thuế này sẽ chính thức có hiệu lực. Luật này yêu cầu tất cả các công ty công công nghệ cung cấp dịch vụ kỹ thuật kiếm được doanh thu từ người dùng Canada trên 20 triệu CAD (khoảng 15 triệu USD) mỗi năm, sẽ phải đóng thuế 3%. Đặc biệt là thuế này có hiệu lực hồi tố đến năm 2022, nên sẽ buộc các hãng công nghệ lớn của Mỹ như Amazon, Meta, Alphabet hay Apple phải trả những khoản kếch xù.
Đàm phán đổ vỡ
Các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Canada đã đổ vỡ sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố ông sẽ "chấm dứt" mọi cuộc thảo luận thương mại với quốc gia láng giềng phía bắc, chỉ vài ngày sau khi có nhiều tín hiệu tưởng chừng như hai quốc gia đã tiến gần tới một thỏa thuận thuế quan. “Tôi sẽ chấm dứt TẤT CẢ các cuộc thảo luận về thương mại với Canada, có hiệu lực ngay lập tức", ông tuyên bố trên trang cá nhân; đồng thời tuyên bố: "Chúng tôi sẽ thông báo cho Canada mức thuế mà họ sẽ phải trả để có thể giao thương với Mỹ trong thời hạn 7 ngày tới".
Ông Trump gọi mức thuế dịch vụ kỹ thuật số 3% là "một cuộc tấn công trực tiếp và trắng trợn" vào Mỹ; đồng thời thúc giục Canada tạm dừng hoặc xóa bỏ thuế, áp dụng cho bất kỳ công ty công nghệ nào kiếm được hơn 15 triệu USD từ người dùng internet Canada.
Canada hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Mỹ, sau Mexico. Họ cũng là nước mua nhiều hàng Mỹ nhất. Năm ngoái, số liệu của giới chức Mỹ cho thấy Canada mua 349 tỷ USD hàng Mỹ và xuất khẩu 412 tỷ USD sang đây.
Quyết định của Tổng thống Mỹ rút lui khỏi các cuộc đàm phán với Canada diễn ra sau một thời gian dài căng thẳng giữa hai nước về thương mại, bắt đầu khi ông Donald Trump áp dụng mức thuế bổ sung 25% đối với hàng nhập khẩu từ Canada vào tháng 2. (Các sản phẩm năng lượng của Canada được áp dụng mức thuế thấp hơn là 10%).
Trước đó, ngày 11/6, các thành viên đảng Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ đã gửi thúc giục Tổng thống gây sức ép để Canada tạm dừng thuế. 21 thành viên Quốc hội cho biết: "Nếu Canada quyết định áp dụng loại thuế có hiệu lực hồi tố chưa từng có này, điều đó sẽ tạo ra tiền lệ khủng khiếp có tác động lâu dài đến hoạt động thương mại và thuế toàn cầu", đồng thời lập luận thêm rằng 90% số tiền Canada thu được theo Đạo luật Thuế dịch vụ kỹ thuật số sẽ đến từ các công ty Mỹ.
Tối hậu thư của Mỹ
Trong cuộc họp báo tại Phòng Bầu dục vào 27/6, ông Trump nói với các phóng viên rằng, Mỹ có "tất cả các lá bài" trong mối quan hệ với Canada. "Về mặt kinh tế, chúng ta có quyền lực lớn đối với Canada. Tôi không muốn sử dụng nó".
Trong khi đó, trả lời phỏng vấn Fox News được phát sóng vào sáng 29/6, ông Trump tuyên bố rằng, các cuộc đàm phán sẽ bị tạm dừng "cho đến khi Canada bãi bỏ một số loại thuế nhất định", dường như đang ám chỉ đến thuế dịch vụ kỹ thuật số.
Cũng trong ngày 27/6, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent bày tỏ hy vọng rằng Chính quyền mới của Thủ tướng Canada Mark Carney sẽ tạm dừng loại thuế này "như một dấu hiệu thiện chí".
Ông Bessent cho biết: “Chúng tôi cho rằng việc áp dụng thuế này với quy định về hồi tố là rất bất công", đồng thời nêu rõ Đại sứ Thương mại Mỹ Jamieson Greer có khả năng sẽ mở cuộc điều tra về loại thuế này, cho phép Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) điều tra bất kỳ tác hại tiềm ẩn nào đối với các doanh nghiệp Mỹ. Ông khẳng định, một số quốc gia cũng áp dụng thuế dịch vụ kỹ thuật số chẳng hạn như Liên minh châu Âu, nhưng họ không có điều khoản hồi tố.
Liệu đàm phán có được nối lại?
Colin Robertson, cựu nhà ngoại giao Canada và hiện là thành viên của Viện Các vấn đề Toàn cầu Canada, cho biết ông Trump đã "ném lựu đạn vào các cuộc đàm phán", nhưng hy vọng đạt được thỏa thuận vẫn còn nguyên.
“Tôi coi đây là một phần của quá trình đàm phán. Ông Trump là người khó đoán, nhưng tôi đoán rằng người Mỹ muốn chứng kiến một thỏa thuận với Canada”, ông nói. “Tôi nghĩ rằng lợi ích của cả hai bên sẽ giúp thúc đẩy một thỏa thuận khả thi và đáng mong muốn - chắc chắn là từ phía Canada, nhưng cũng là đối với phía Mỹ. Tôi nghĩ họ muốn có thể cho phần còn lại của thế giới thấy rằng chúng ta có thể đạt được thỏa thuận với người hàng xóm và đồng minh gần nhất của mình. Và nếu Mỹ không thể làm điều đó với Canada, thì có thể làm điều đó với ai nữa?”.
Ông Robertson lập luận rằng điều này không khác mấy so với cách Tổng thống Trump làm kinh doanh, khi ông ưu tiên giành "nhiều đòn bẩy nhất có thể" trước khi thực hiện một thỏa thuận.
Các chuyên gia cũng đồng ý rằng tất cả những lời dọa nạt chỉ là “một công cụ đàm phán, không hơn, không kém”. Họ cho rằng, căng thẳng đang gia tăng ở cả hai bên, nhưng "khi nói đến kinh doanh, một cuộc chiến thương mại sẽ không có lợi cho cả Canada và Mỹ".