Canada - đại gia dầu mỏ thế kỷ XXI

Phương Minh 10/05/2014 08:17

Hồi giữa tháng trước, Mỹ đã quyết định trì hoãn việc thực hiện dự án xây dựng đường ống dẫn dầu Keystone XL từ nước này sang Canada. Đây là một trong những dự án đường ống dẫn đầu quan trọng bậc nhất ở Bắc Mỹ. Nếu được hiện thực hóa, cùng với 6 đường ống dẫn dầu khác đang được lên kế hoạch xây dựng, chắc chắn đất nước lá phong sẽ chiếm được thị phần quan trọng trên thị trường năng lượng quốc tế.

Giống như Keystone XL, các dự án trên đề xuất của Canada hướng tới việc vận chuyển tới thị trường lượng dầu được sản xuất từ mỏ dầu cát Alberta. Nếu cả sáu dự án này được xây dựng xong, các đường ống sẽ vận chuyển được khoảng  3,2 triệu thùng dầu mỗi ngày, gấp bốn lần so với công suất của Keystone XL. Đường ống Keystone XL, được đề xuất lần đầu tiên hồi năm 2008, dự kiến đi qua các vùng biên giới của Mỹ để vận chuyển dầu thô từ tỉnh Alberta của Canada tới các nhà máy lọc dầu ở bang Nebraska và bang Texas của Mỹ.

Có thể, khả năng tất cả các dự án trên đều được thông qua là không dễ dàng, nhưng vài dự án đang có tính khả thi cao trong những năm tới đây. Thậm chí là chỉ cần 2 hay 3 dự án này thôi, Canada sẽ có thể chuyển từ vị thế một nhà cung cấp vùng đơn thuần,  cung cấp dầu thô gần như độc quyền cho Mỹ, thành một đối thủ đáng gờm trong bản đồ địa chính trị dầu mỏ. Thực tế, Canada hiện đứng thứ năm thế giới về sản xuất khí đốt và sản xuất dầu mỏ. Đồng thời, Canada có trữ lượng dầu lớn thứ ba thế giới, riêng trữ lượng dầu cát ước khoảng 68 tỷ thùng.


Chính vì vậy, tại cuộc họp các Bộ trưởng Năng lượng G7 mới diễn ra hồi đầu tuần, Bộ trưởng Tài Nguyên Canada Greg Rickford đã nhấn mạnh đến danh tiếng là nhà cung cấp năng lượng có trách nhiệm, an toàn và đáng tin cậy trên thế giới của Canada. Ông Rickford cho biết, nhu cầu năng lượng toàn cầu dự báo sẽ tăng 33% trong giai đoạn từ năm 2011-2035 và Canada đã chuẩn bị sẵn sàng để đáp ứng nhu cầu đó cũng như đóng góp vào an ninh năng lượng toàn cầu. Canada hiện đang phát triển và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng. Ngoài ra, 11 giấy phép xuất khẩu khí đốt hóa lỏng LNG, với tổng lượng xuất khẩu 165 triệu tấn LNG/năm, đang được xem xét thông qua ở các giai đoạn khác nhau. Đây sẽ là những dự án giúp đáp ứng đáng kể nhu cầu năng lượng toàn cầu ngày càng cao, đồng thời tăng cường khả năng hỗ trợ các khách hàng của Canada ở châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ.

Thực tế là Canada đang có chiến lược tìm kiếm thêm những khách hàng dầu mỏ mới ở châu Âu và châu Á. Hiện nay, gần 97% lượng dầu xuất khẩu của Canada là tới Mỹ, nơi giá dầu thô vẫn đang bị sụt giảm do việc bùng nổ khai thác dầu đá phiến ở đây. Hệ quả là, Canada cần phải bán dầu trên thị trường toàn cầu.

Ông Carl Kirst, nhà nghiên cứu ngành năng lượng tại hãng tư vấn BMO Captital Markets ở Houston cho rằng, Canada sẽ phải trả giá đắt cho việc liên kết với Mỹ mà không liên kết với các thị trường năng lượng toàn cầu. Chính vì vậy, đất nước lá phong cần phải có chiến lược nhằm đa dạng hóa khách hàng để bớt lệ thuộc vào Mỹ. Không có một quốc gia phát triển nào lại xuất khẩu sản phẩm đắt giá nhất của mình cho duy nhất một khách hàng.

Do đó, những đường ống mới sẽ là công cụ giúp Canada tiến gần tới thị trường thế giới. Liệu Cadana đã sẵn sàng đối mặt với các thách thức hay chưa vẫn còn chưa rõ nhưng có một sự thay đổi căn bản đang diễn ra.

Các dự án đường ống dẫn trên nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ phía Tổng thống Stephen Harper, thành viên Đảng Bảo Thủ. Nhưng  Đảng Tân Dân chủ trung tả đối lập (NDP) lại quay lưng với những dự án đường ống dẫn dầu lớn nhất. NDP phản đối cả đường ống Keystone XL cũng như Nothern Gateway, hai đường ống bắt đầu từ các mỏ dầu cát dẫn đến vùng ven biển British Columbia, không chỉ đơn giản bởi mối quan tâm về môi trường mà còn bởi thực tế là cả hai đường ống dẫn trên đều xuất khẩu dầu thô thay vì các sản phẩm tinh chế giá trị gia tăng. Thế nhưng Đảng này lại ủng hộ đường ống dẫn dầu Energy East, đường ống dài 2730 dặm vận chuyển dầu thô từ những mỏ cát dầu đến các nhà máy lọc dầu ở Quebec và New Brunswick. Nguồn cung mới sẽ thay thế cho dầu thô nhập khẩu từ Trung Đông. Bên cạnh đó, dầu tinh chế và dầu thô cũng sẽ được đưa tới cả thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.

Các cuộc tranh luận vẫn đang tiếp diễn, nhưng điều đó cũng khó ngăn được Canada vươn mình để trở thành siêu cường về dầu mỏ của thế giới trong một tương lai không xa. Minh chứng gần nhất là theo dữ liệu mới đây của Cơ quan Năng lượng quốc tế, sản lượng dầu mỏ trong tháng 2.2014 của Canada đã tăng lên mức cao kỷ lục mới là 4,3 triệu thùng/ngày, trong bối cảnh nhu cầu về dầu mỏ trên thế giới gia tăng.

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Canada - đại gia dầu mỏ thế kỷ XXI
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO