Yêu cầu bằng chứng và tiêu chuẩn về sản phẩm xanh
Trong phần quy định về “Các hành vi tiếp thị lừa đảo” của luật sửa đổi, các doanh nghiệp bị cấm đưa ra những miêu tả công khai về lợi ích môi trường của sản phẩm hoặc dịch vụ nếu không dựa trên kết quả thử nghiệm đầy đủ và phù hợp. Cụ thể, các công ty không được phép tuyên bố sản phẩm của họ có khả năng bảo vệ hoặc phục hồi môi trường, giảm thiểu các nguyên nhân hay tác động của biến đổi khí hậu lên môi trường, xã hội, hoặc sinh thái nếu không có bằng chứng khoa học xác thực thông qua các thử nghiệm đầy đủ và phù hợp. Các tuyên bố cũng phải tuân thủ các tiêu chuẩn được quốc tế công nhận.
Sửa đổi mới được thiết kế để thực thi trách nhiệm giải trình và tính minh bạch trong những tuyên bố về môi trường của doanh nghiệp. Điều này có nghĩa là mọi khẳng định liên quan đến tác động môi trường của sản phẩm hoặc hoạt động phải chính xác, đáng tin cậy, không rõ ràng, cường điệu hoặc thiếu căn cứ.
Doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm chứng minh giá trị pháp lý của các tuyên bố về môi trường mà họ đưa ra để thúc đẩy sản phẩm hoặc lợi ích kinh doanh. Quy định này bảo đảm rằng các doanh nghiệp không thể đưa ra các tuyên bố không có cơ sở và phải đối mặt với sự giám sát kỹ lưỡng. Họ phải sẵn sàng cung cấp bằng chứng toàn diện hỗ trợ cho những khẳng định về môi trường của mình, chẳng hạn như bất kỳ tuyên bố nào về tính trung hòa carbon, lượng khí thải bằng 0, khả năng tái chế/phân hủy sinh học, thân thiện với môi trường hoặc các nỗ lực bền vững...
Chế tài nghiêm khắc
Luật cũng cho phép khởi kiện riêng đối với các hành vi tiếp thị lừa đảo bắt đầu từ tháng 6.2025. Theo đó, các bên tư nhân sẽ có thể khởi kiện tại Tòa án Cạnh tranh, khi tòa xác định rằng việc làm này là vì “lợi ích cộng đồng”.
Ngoài ra, văn bản pháp lý trên còn áp dụng các hình phạt tài chính đáng kể đối với các doanh nghiệp vi phạm quy định về chống tiếp thị lừa đảo. Tiền phạt có thể lên tới 10 triệu USD cho lần vi phạm đầu tiên và tăng lên 15 triệu USD cho các lần vi phạm sau. Hoặc doanh nghiệp có thể phải đối mặt với mức phạt lên tới gấp ba lần giá trị lợi ích thu được từ hành vi lừa đảo "tẩy xanh", hoặc 3% doanh thu hàng năm của họ, tùy theo mức nào lớn hơn.
Phạm vi khiếu nại cũng được đề cập trong luật, trong đó bao gồm những khiếu nại liên quan đến việc bảo vệ hoặc phục hồi môi trường và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Phạm vi rộng này bảo đảm rằng, tất cả các loại hoạt động tiếp thị môi trường gây hiểu lầm đều được giải quyết.
Ở Canada, hành vi “tẩy xanh” được quản lý chủ yếu như một hình thức tiếp thị lừa đảo, và được coi là hành vi phản cạnh tranh. Do đó, việc giám sát pháp lý đối với hoạt động tẩy xanh thuộc phạm vi quản lý của Cục Cạnh tranh.
Việc thực hiện các điều khoản mới trong Luật Cạnh tranh sửa đổi mang lại ý nghĩa quan trọng đối với các doanh nghiệp trên khắp đất nước lá phong. Giờ đây, họ phải bảo đảm rằng các tuyên bố về môi trường được chứng minh một cách triệt để, thúc đẩy văn hóa trách nhiệm giải trình. Thay đổi này khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các hoạt động bền vững thực sự, thay vì dựa vào những chiến thuật tiếp thị hời hợt, thậm chí sai lệch để thu hút người tiêu dùng có ý thức về môi trường. Bằng cách giảm thiểu rủi ro “tẩy xanh”, các doanh nghiệp cũng sẽ giảm thiểu rủi ro về danh tiếng, kiện tụng và pháp lý mà họ có thể gặp phải từ các cáo buộc “tẩy xanh”. Do đó, theo giới chức Canada, luật mới chính là bước tiến quan trọng trong việc xây dựng một thị trường bền vững và công bằng, nơi người tiêu dùng có thể tin tưởng vào những thông tin bền vững mà họ nhận được từ các doanh nghiệp.
Theo khảo sát của Deloitte năm 2023,57% người tiêu dùng Canada không còn tin tưởng vào quảng cáo thân thiện với môi trường của các thương hiệu. Hơn nữa, các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, có tới 50% tuyên bố về sản phẩm "xanh" không có bằng chứng hỗ trợ, được xác minh yếu hoặc không tồn tại. Trong 2 năm qua, Cục Cạnh tranh đã tiến hành tổng cộng có 8 cuộc điều tra liên quan đến “tẩy xanh”.
Năm 2015, Canada và 194 quốc gia khác đã ký Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu, theo đó thế giới hướng tới hạn chế mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu xuống dưới 2 độ C. Để làm được điều đó, Canada đang cố gắng giảm lượng khí thải carbon xuống 30% so với mức năm 2005 vào năm 2030. Vì vậy, Chính phủ liên bang muốn bảo đảm rằng các doanh nghiệp đang thực sự thực hiện các bước hướng tới mục tiêu đó, thay vì chỉ tham gia vào các hoạt động tiếp thị mang tính chất lừa dối người tiêu dùng.