Cần xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sữa giả, thuốc giả
Chiều 6/5, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, Hà Nội, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4. Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn chủ trì họp báo.
Tại buổi họp báo, trả lời của phóng viên về công tác quản lý lĩnh vực y tế, thực phẩm chức năng, nhất là tình trạng sản xuất, buôn bán, kinh doanh sữa giả và thuốc giả trong thời gian qua đã gây ra bức xúc dư luận xã hội, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh: Đây là vấn đề vi phạm đạo đức kinh doanh rất nghiêm trọng của các tổ chức, cá nhân đã vì lợi nhuận mà bất chấp, bắt tay nhau thiết lập đường dây có tổ chức để trục lợi; bất chấp quy định của pháp luật, coi thường sức khỏe của người dân để thu lợi. Đây là những hành vi rất đáng lên án và cần xử lý nghiêm để làm bài học cho các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng.
.jpg)
Ngay sau khi phát hiện vụ việc, Bộ Y tế đã ban hành Công văn 832 ngày 23/4/2025 chỉ đạo các tỉnh, thành phố rà soát, kiểm tra và phối hợp với cơ quan có thẩm quyền, địa phương tiến hành thu hồi 12 sản phẩm thực phẩm dinh dưỡng dạng sữa bột là hàng giả, phối hợp với Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xử lý theo quy định. Đồng thời khuyến cáo người dân không nên sử dụng 72 sản phẩm sữa đang được tiếp tục điều tra cho đến khi có kết luận cuối cùng của Bộ Công an.
“Trong năm 2024, toàn ngành y tế đã kiểm tra 354.820 cơ sở, phát hiện 22.073 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm, chiếm 6,22% so với số cơ sở được kiểm tra. Đã xử lý 9.043 cơ sở, chiếm 41% số cơ sở vi phạm, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó phạt tiền 6.658 cơ sở với số tiền 33 tỷ đồng”, ông Thuấn cho biết thêm.
.jpg)
Cung cấp thêm thông tin về vấn đề này, Phó Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên cho biết tiến độ và kết quả điều tra các vụ sản xuất, buôn bán sữa giả và thuốc giả bị phát hiện thời gian qua:
Vụ thứ nhất, sản xuất, buôn bán, kinh doanh sữa giả và thuốc giả. Đến ngày 29/4/2025, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam 15 đối tượng để điều tra về các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, thực phẩm; vi phạm các quy định kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; lừa đảo, chiếm đoạt tài sản; đưa hối lộ và môi giới hối lộ.
Vụ thứ hai, sản xuất, mua bán hàng giả, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa và nhiều tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Đến ngày 29/4/2025, Cơ quan Cảnh sát điều tra công an tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 14 đối tượng về tội danh sản xuất, buôn bán hàng giả thuốc phòng bệnh, chữa bệnh.
Vụ thứ ba, sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe, sử dụng kết quả thử nghiệm giả mạo để đưa sản phẩm ra thị trường do Công ty TNHH Herbitech sản xuất. Ngày 28/4/2025, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét chỗ ở đối với 4 bị can gồm: Phạm Vũ Khiêm, Giám đốc Công ty TNHH Herbitech, Vương Thị Hoa, Lê Thị Hồng Vân, Bùi Thị Thu Hà là Kế toán trưởng, hoặc phụ trách Kế toán của Công ty Herbitech trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay, cùng tội danh vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.
.jpg)
Theo kết quả điều tra, Phạm Văn Khiêm đã chỉ đạo Vương Thị Hoa, Lê Thị Hồng Vân, Bùi Thị Thu Hà lập 2 hệ thống sổ sách kế toán, một hệ thống để khai thuế, thể hiện số lượng sản xuất hàng hóa, kinh doanh ít hơn nhiều so với thực tế. Hệ thống thứ hai để theo dõi chi tiêu nội bộ với đầy đủ số hàng hóa sản xuất, kinh doanh, số tiền thu được và không kê khai thuế.
Theo đó đã để ngoài sổ sách kế toán số tiền hơn 121 tỷ đồng. Bước đầu xác định gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước số tiền thuế lẽ ra phải nộp hơn 10 tỷ đồng. Bên cạnh đó, quá trình điều tra vụ án này, cơ quan điều tra đã xác định 2 sản phẩm bảo vệ sức khỏe do Công ty TNHH Herbitech sản xuất là hàng giả. Đồng thời đã thu giữ 115 mẫu sản phẩm bảo vệ sức khỏe do Công ty Herbitech sản xuất có dấu hiệu là hàng giả đang chờ kết quả giám định.
Trước đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết: Sáng nay, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 4/2025 để đánh giá tình hình KT-XH tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2025; tình hình phân bổ vốn đầu tư công, thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và những trọng tâm trong thời gian tới.
.jpg)
Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ đều cho rằng, mặc dù thế giới tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, nguy cơ rủi ro, bất ổn tăng cao do chính sách thuế quan đột ngột của Hoa Kỳ, gây ra phản ứng mạnh mẽ của các nước, đe dọa nghiêm trọng các chuỗi cung ứng, sản xuất, thương mại, đầu tư và tăng trưởng toàn cầu. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành địa phương, tình hình KTXH cả nước trong tháng 4 tiếp tục chuyển biến tích cực.
Trong tháng 4, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 74,32 tỷ USD, tăng 21,3% so với cùng kỳ. Bình quân 4 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,2%; lạm phát cơ bản tăng 3,05%. Tổng thu ngân sách nhà nước tháng 4 ước đạt 199,9 nghìn tỷ đồng; lũy kế tổng thu 4 tháng đầu năm ước đạt 944,1 nghìn tỷ đồng, bằng 48% dự toán năm và tăng 26,3% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 4 ước tính tăng 1,4% so với tháng trước và tính chung 4 tháng tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước.
Về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), có 1.204 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt trên 13,8 tỷ USD, tăng 40%; vốn FDI thực hiện đạt trên 6,7 tỷ USD, cao nhất cùng kỳ giai đoạn 2020 - 2025.
An sinh xã hội, cả nước đã hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát được trên 201.000 căn, trong đó khánh thành 106.000 căn và khởi công trên 95.000 căn. Theo đánh giá của Liên Hợp Quốc, chỉ số hạnh phúc của Việt Nam năm 2025 xếp hạng 46/143, tăng 8 bậc so với năm 2024. Thu nhập bình quân tháng của lao động quý I/2025 tăng 10,7% so với cùng kỳ 2024. Chính phủ trình Quốc hội 13 dự án luật để triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị.
“Kết luận Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, dù tình hình có khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi, nhưng đây cũng là cơ hội rất lớn để cơ cấu lại nền kinh tế và tăng cường tính tự lực, tự cường, tự vươn lên. Thủ tướng chỉ rõ 15 nhóm nhiệm vụ, giải pháp quan trọng, với tinh thần kiên trì, kiên định và chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành để thực hiện bằng được các mục tiêu lớn, có tính chiến lược đã đề ra”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết thêm.