Cần xây dựng bộ chỉ tiêu về khoa học, công nghệ

- Chủ Nhật, 06/12/2020, 06:24 - Chia sẻ

Dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 đánh giá rất rõ những đóng góp của khoa học, công nghệ vào phát triển kinh tế - xã hội. Những đóng góp đó là không thể phủ nhận được. Mục tiêu tổng quát của giai đoạn tới được nêu trong Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh quan điểm bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, phấn đấu đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình. Để đạt được mục tiêu này, cần thiết phải xây dựng một hệ thống chỉ tiêu mang tính pháp lệnh đối với khoa học, công nghệ. 

Giai đoạn vừa qua, nguồn lực Nhà nước và xã hội đầu tư cho khoa học, công nghệ hàng năm cũng rất lớn. Ví dụ, năm 2019 nếu chi đủ 2% thì nguồn lực chi cho khoa học, công nghệ là 32.666 tỷ đồng, trong đó, chi sự nghiệp khoảng 12.825 tỷ đồng, còn lại chi cho đầu tư phát triển khoa học công nghệ khoảng 19.841 tỷ đồng. Việc chi số tiền như vậy trong bối cảnh đất nước hiện nay, tất nhiên cũng có người nói là đủ, có người nói là thiếu, có người nói là thừa. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị phải đánh giá lại thực trạng tác động của khoa học, công nghệ đối với tăng trưởng kinh tế. Nhiều cử tri cũng đặt vấn đề, con số 2% ngân sách chi cho khoa học, công nghệ hàng năm hiệu quả thế nào? Đại biểu Quốc hội hoặc cơ quan quản lý nhà nước giám sát hiệu quả hoạt động này bằng cách nào? Tức là lượng hóa thế nào để giám sát được? Đây là yêu cầu rất đúng, rất chính xác. Vì thế, ngay trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030 cần giao cho các cơ quan chức năng, ví dụ như Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoặc Bộ Khoa học và Công nghệ, nghiên cứu xây dựng một bộ chỉ tiêu giúp đo lường được về mặt hiệu quả đầu tư cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, từ đó, tạo sự nhất quán trong việc chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương. 

Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Mười đã bổ sung chỉ tiêu về tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng. Đây là một trong những chỉ tiêu phản ánh sự đóng góp của khoa học, công nghệ đối với tăng trưởng kinh tế. Tất nhiên, chỉ tiêu cụ thể đạt khoảng 45 - 47% cũng còn thấp so với đòi hỏi của thực tế phát triển nhưng việc đưa chỉ tiêu này thành chỉ tiêu pháp lệnh là rất cần thiết. Nếu xác định tăng trưởng dài hạn dựa vào khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo thì trong giai đoạn 2021 - 2025 phải nâng chỉ tiêu này lên cao hơn nữa. Bên cạnh đó, phải xác định hệ thống chỉ tiêu cụ thể như thế nào để phản ánh được đóng góp của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo vào đổi mới mô hình tăng trưởng và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Có mấy chỉ tiêu mới cần quan tâm: Một là, chỉ tiêu đóng góp vào phát triển một số ngành chủ lực dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Hai là, chỉ tiêu đóng góp vào phát triển một số sản phẩm chiến lược dựa vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo và cần thiết thì phải tiếp tục thu hút hơn nữa đầu tư của xã hội cho khoa học, công nghệ. Chỉ tiêu thứ ba là, thu hút nguồn lực xã hội đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhất là đầu tư từ doanh nghiệp hay chỉ tiêu về đầu tư cho khoa học, công nghệ của xã hội như Văn kiện Đại hội Đảng Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ này đã xác định.

Hiến pháp và Nghị quyết của Đảng nhiều nhiệm kỳ luôn khẳng định khoa học, công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt trong phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, việc xây dựng một bộ chỉ tiêu mang tính hệ thống về khoa học, công nghệ sẽ giúp chúng ta đánh giá đúng mức độ đóng góp của khoa học, công nghệ đối với phát triển kinh tế - xã hội. Đây cũng chính là cơ sở để hoạch định các chính sách đầu tư, phân bổ nguồn lực đầu tư, xây dựng các kế hoạch phát triển khoa học, công nghệ để lĩnh vực này phát huy đầy đủ, tối đa vai trò của nó trong thúc đẩy phát triển đất nước. Nói cách khác, việc đo lường được, xác định được hệ thống các chỉ tiêu mang tính pháp lệnh về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo sẽ là căn cứ giúp chúng ta đạt được mục tiêu trở thành nước đang phát triển, có nền công nghiệp hiện đại vào năm 2025 một cách vững chắc hơn.

ĐBQH Nguyễn Tuấn Anh (Long An)