Cần vai trò kiến tạo của Nhà nước

- Thứ Tư, 30/12/2020, 06:20 - Chia sẻ

Đẩy nhanh việc cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực theo hướng ứng dụng mạnh mẽ hơn khoa học công nghệ, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia, phát triển các mô hình kinh tế mới, kinh tế chia sẻ, kinh tế số... là những giải pháp trọng tâm được các thành viên Chính phủ đặt ra tại Hội nghị toàn quốc Chính phủ với các địa phương vừa qua. Đây cũng là xu hướng tất yếu để thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước trong giai đoạn tới và đã được xác định trong dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.   

Nhìn tổng thể, thời gian qua, nước ta đã đạt được những tiến bộ nhất định trong việc phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, đóng góp hiệu quả vào tiến trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Ở cấp độ vĩ mô, những chủ trương, định hướng lớn về phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, đặc biệt là tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã được xác định rất rõ. Gần đây nhất, Bộ Chính trị đã ban hành riêng một Nghị quyết (Nghị quyết số 52/NQTW ngày 27.9.2019) xác định rõ các chủ trương, chính sách để chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó có phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Chính phủ ngay sau đó cũng đã ban hành nghị quyết và chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị. Nhờ đó, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu liên tục tăng cao. Năm 2019, nước ta đứng thứ 42/129 quốc gia/nền kinh tế, tăng 3 bậc so với năm 2018 và vươn lên đứng thứ nhất trong nhóm 26 nước thu nhập trung bình thấp được xếp hạng. Tại kỳ họp cuối năm nay, lần đầu tiên, trong nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 của Quốc hội đã bổ sung một số chỉ tiêu phản ánh sự đóng góp của khoa học, công nghệ đối với tăng trưởng kinh tế nhằm thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ hơn của các lĩnh vực này.

Dù vậy, những thách thức đặt ra cũng vô cùng lớn. Là người trực tiếp phụ trách lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo tại thành phố phát triển năng động nhất cả nước, đại biểu Quốc hội, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Hồ Chí Minh Nguyễn Việt Dũng cho biết, nhiều vấn đề cốt lõi chưa được quan tâm đúng mức, thậm chí có những việc “dù đã nói rất nhiều nhưng cho tới nay vẫn không hề thay đổi” đang trở thành lực cản đối với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Nêu ví dụ về việc chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp, ông Dũng đặt câu hỏi: Tại sao các loại hình kinh tế mới dựa trên ứng dụng công nghệ như ví điện tử, xe công nghệ của nước ngoài vào Việt Nam thì phát triển rất mạnh còn các ứng dụng tương tự của nước ta lại không phát triển được hoặc rất manh mún”? Lý do là bởi, với khoảng 98% doanh nghiệp có quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ, doanh nghiệp nước ta gặp rất nhiều thách thức trong vấn đề nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo. Ngay chuyển giao công nghệ thì đa phần các doanh nghiệp hiện nay không có nguồn lực tài chính và cả con người để có thể tiếp cận, hấp thụ được công nghệ mới chứ chưa nói đến việc tự mình đầu tư nghiên cứu và ứng dụng công nghệ mới.

Hay trong việc phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia, dù kinh nghiệm thành công của các nước đã cho thấy, đây là giải pháp đột phá, động lực then chốt cho sự phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững nhưng đến nay, chiến lược, lộ trình, kế hoạch trung hạn và dài hạn thế nào để phát triển được các hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, ưu tiên nguồn lực, cơ chế chính sách và cơ sở hạ tầng cho các hệ sinh thái đổi mới sáng tạo phát triển ra sao cũng vẫn còn mờ nhạt.

Nhìn căn cơ vào thực tế phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhiều đại biểu Quốc hội đã chỉ ra rằng, “nguyên nhân của nguyên nhân” chính là vai trò kiến tạo của Nhà nước trong lĩnh vực này còn hạn chế. Nguồn lực đầu tư cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo còn rất khiêm tốn, dù vẫn tăng đều hàng năm nhưng chưa tương xứng với tốc độ phát triển kinh tế của đất nước. Gộp chung cả khu vực nhà nước và tư nhân thì chi cho nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ hiện nay mới chỉ đạt chưa đầy 0,5% GDP, rất thấp so với mức bình quân của thế giới và ngay cả với một số quốc gia trong khu vực.

Trong khi nguồn lực đầu tư đã hạn hẹp như vậy thì tư duy, quan điểm, cơ chế chính sách đầu tư lại cũng là một “điểm nghẽn” khác khiến cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo khó mà phát triển được. Chẳng hạn như quy định về nghiên cứu khoa học cũng phải dựa trên dự toán từ đầu. Giai đoạn “nghiên cứu” thì đã biết làm những gì, rủi ro ra sao, có thành công được hay không mà dự toán được? Nghị quyết số 52 của Bộ Chính trị yêu cầu, phải có đột phá mạnh mẽ trong cơ chế đầu tư cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, theo thông lệ quốc tế nhưng thực chất, quy định của Chính phủ, các bộ, ngành hiện nay lại đang siết rất chặt vấn đề này, chưa theo thông lệ quốc tế.

Để có thể chuyển đổi nhanh và thành công mô hình tăng trưởng kinh tế sang mô hình dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, với điều kiện và tiềm lực hiện có, chắc chắn phải có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa Chính phủ, các cơ sở nghiên cứu, các trường đại học và các doanh nghiệp. Trong đó, Nhà nước phải giữ vai trò hạt nhân, đổi mới cơ bản tư duy và quan điểm về đầu tư cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo theo thông lệ quốc tế, thực hiện tốt vai trò “bà đỡ”, kiến tạo thể chế chính sách thông thoáng, minh bạch, hiệu quả để dẫn dắt, khơi thông và kết nối các nguồn lực đầu tư cho phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Quỳnh Chi