Thúc đẩy kết nối chuỗi cung ứng
Tại “Hội thảo kết nối doanh nghiệp dệt may và da giày”, do Trung tâm Hỗ trợ kỹ thuật phát triển công nghiệp khu vực phía Nam (IDCS) - Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức vừa qua, ông Lê Xuân Thọ - quyền Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp khu vực phía Nam cho biết, ngành dệt may và da giày là hai ngành kinh tế quan trọng, không chỉ góp phần lớn vào kim ngạch xuất khẩu quốc gia mà còn tạo ra hàng triệu việc làm cho người lao động, góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và các yêu cầu ngày càng cao từ thị trường, các doanh nghiệp trong ngành cần tìm kiếm giải pháp để nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị chuỗi cung ứng và mở rộng cơ hội hợp tác.
Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), 70% trong số hơn 3.800 nhà máy dệt sản xuất các sản phẩm may mặc, chỉ có 6% sản xuất sợi, 17% sản xuất vải và 4% là các cơ sở nhuộm. Mỗi năm, Việt Nam sử dụng khoảng 400.000 tấn bông nhưng chỉ có 3.000 tấn được cung cấp bởi các chuỗi cung ứng trong nước, tức là tỉ lệ nội địa chưa đáp ứng được 1% nhu cầu.
Đại diện Hội Dệt may, Thêu đan TP. Hồ Chí Minh cho biết, đa số các nguyên phụ liệu cho ngành dệt may chủ yếu được nhập từ nước ngoài, ngành dệt may cả nước đều vướng phải tình trạng xuất sợi và nhập lại do khâu dệt, nhuộm còn yếu, buộc phải nhập lượng lớn nguyên liệu vải để sản xuất.
Hiện nay, sản xuất nguyên liệu hỗ trợ cho ngành dệt may mới chỉ tập trung cho các công đoạn giá trị gia tăng thấp như cúc, nhựa cài, chỉ dây, khóa kéo… còn các khâu có giá trị gia tăng cao như sợi, hóa chất, chất trợ nhuộm, nhuộm in hoa và hoàn tất vải vẫn phải nhập khẩu. Ngay cả các máy móc công nghệ hỗ trợ, các loại nút áo cũng phải nhập khẩu vì sản phẩm trong nước chưa đáp ứng được các yêu cầu. Các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm may mặc của Việt Nam vẫn sản xuất theo phương thức gia công đơn giản, thiếu khả năng cung cấp trọn gói.
Do vậy, việc phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may cần được ưu tiên, sớm thu hút được các tập đoàn đa quốc gia đầu tư công nghệ, vốn, thúc đẩy hình thành hệ thống doanh nghiệp hỗ trợ phục vụ cho ngành dệt may.
Tăng cường tính tự chủ về nguyên phụ liệu đầu vào, giảm phụ thuộc nhập khẩu
Các chuyên gia ngành dệt may nhận định, để tăng cường tính tự chủ về nguyên phụ liệu đầu vào, giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu, về lâu dài, các cơ quan chức năng cần hoàn thiện chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ, cần tập trung ngay từ khâu vật tư cung ứng nguyên phụ liệu “xanh” cho đến khâu sản xuất phân phối. Trong đó, phải có định hướng quy hoạch cụm công nghiệp hỗ trợ với cơ sở hạ tầng hoàn thiện, tập trung vào các công đoạn có lợi thế cạnh tranh rõ rệt để thu hút đầu tư FDI.
Cùng với đó, là sự hỗ trợ về tài chính, chuyên gia, phát huy hiệu quả vai trò của các tham tán thương mại, nhằm giúp ngành dệt may tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, kể cả chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu, từ đó tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam. Bản thân các doanh nghiệp dệt may, cũng cần thay đổi tư duy dài hạn về tái cấu trúc chuỗi cung ứng, định vị lại vị thế của mình, không chỉ đơn thuần là gia công công đoạn.
Trong khuôn khổ hội thảo, các chuyên gia đến từ Viện Công nghệ công nghiệp Hàn Quốc cũng đã chia sẻ, cung cấp thông tin về các công nghệ mới trong ngành dệt may. Đồng thời, chia sẻ các thông tin, xu hướng mới nhất và giới thiệu quảng bá sản phẩm của các doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may, da giày.