Cần ứng phó với biến đổi khí hậu ngay từ quá trình hoạch định chính sách, pháp luật

Trung Thành 06/04/2014 08:50

Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống biến đổi khí hậu tại các tỉnh Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và Cần Thơ, các thành viên Đoàn giám sát của UBTVQH đánh giá cao kết quả bước đầu mà địa phương này đã đạt được. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng, biến đổi khí hậu không chỉ là thách thức đối với đồng bằng sông Cửu Long mà còn tác động mạnh đến sự phát triển chung của cả nước. Vì thế, ứng phó với biến đổi khí hậu không chỉ là tập trung vào các công trình, dự án cụ thể, mà cần phải tính đến việc ứng phó với biến đổi khí hậu ngay từ quá trình hoạch định các chính sách, pháp luật.

Việt Nam đã có những bước đi sớm và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu hiện đang trở thành mối đe dọa và thách thức lớn đối với sự phát triển bền vững của thế giới, trong đó, Việt Nam là một trong những quốc gia được đánh giá là sẽ phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Kết quả nghiên cứu và đánh giá kịch bản biến đổi khí hậu của nhiều tổ chức uy tín trên thế giới đều có chung nhận định: Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Từ thực tế giám sát việc ứng phó với biến đổi khí hậu tại các tỉnh Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và Cần Thơ, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Bộ Lĩnh cho rằng, tác động của biến đổi khí hậu đối với khu vực này đã ngày càng rõ ràng và nghiêm trọng, nhất là hiện tượng xâm nhập mặn và mất hệ sinh thái ở ven biển các địa phương, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế và đời sống, xã hội của người dân. 

Long An – địa phương chịu ảnh hưởng mặn xâm nhập từ biển Đông theo hệ thống sông Vàm Cỏ. Những năm gần đây, tình trạng hạn hán, cháy rừng, bão lũ, ngập lụt, lốc xoáy, mưa đá, xâm nhập mặt, sạt lở đất ven sông... tại Long An diễn ra rất thất thường, đe dọa đời sống của người dân. Còn tại Tiền Giang – địa phương vốn có điều kiện thuận lợi ở đồng bằng sông Cửu Long với đặc điểm nền nhiệt cao, ổn định quanh năm, ít bão – nhưng 5 năm trở lại đây, điều kiện khí hậu thủy văn của tỉnh đã có những diễn biến hết sức phức tạp. Tình hình thiên tai lũ lụt, bão lốc xảy ra liên miên, tình trạng thiếu nước ngọt và xâm nhập mặn khá nghiêm trọng vào mùa nắng, nhất là tại vùng nhiễm mặn Gò Công và vùng nhiễm phèn Đồng Tháp Mười, huyện Tân Phước. Thống kê cho thấy, vùng bị ngập lụt của Tiền Giang đã trải rộng trên diện tích gần 140 nghìn hecta, chiếm gần 60% diện tích tự nhiên của tỉnh. Tình trạng nước mặn gây hại cây trồng tại khu vực sông Tiền, sông Vàm Cỏ, kênh Nguyễn Văn Tiếp, Kênh Chợ Gạo... đã xâm nhập sâu 30km; nước biển mặn đã xâm nhập sâu vào đất liền, cách cửa biển từ 60 - 70km. Đất bị nhiễm chua mặn đã làm thay đổi tính chất cơ – lý hóa thổ nhưỡng và các chất dinh dưỡng, ảnh hưởng đến cây trồng, nhất là lúa nước, ảnh hưởng xấu tới năng suất và chất lượng nông sản. Hay tại TP Cần Thơ – vùng chịu ảnh hưởng lớn của mực nước biển dâng, nhiệt độ trung bình tăng đều hàng năm đã ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe cộng đồng, nhiệt độ thấp nhất vào ban đêm tăng nhiều so với trước đây khiến cây trồng, vật nuôi có nguy cơ giảm cả năng suất, sản lượng và chất lượng. Cần Thơ cũng đang phải đối mặt với nguy cơ ngập lụt sâu và lâu hơn, sạt lở bờ sông, xâm nhập mặn ảnh hưởng đến sinh kế và tính ổn định cuộc sống của người dân do tác động của biến đổi khí hậu. 

Có thể nói rằng, những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng và trực diện, không chỉ đe dọa sự phát triển KT – XH mà còn đe dọa đến mạng sống của người dân các khu vực này. Ý thức sâu sắc những tác động này, Việt Nam đã sớm có những bước đi nhằm chuẩn bị cho việc phòng, chống và thích ứng với biến đổi khí hậu. Quốc hội, Chính phủ đã ban hành một loạt các văn bản quy phạm pháp luật, tạo hành lang pháp lý tương đối hoàn chỉnh cho công tác phòng chống giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu như: Luật Bảo vệ và phát triển rừng; Luật Đê điều; Luật Tài nguyên nước; Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu (NTP-RCC); Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (SP-RCC); Chiến lược quốc gia phòng chống tránh và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020... Gần đây nhất, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI đã ban hành Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 3.6.2013 về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. 

Những chính sách, kế hoạch, chương trình hành động trên đã và đang được triển khai trên phạm vi toàn quốc. Và theo ghi nhận của Đoàn giám sát của UBTVQH thì Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và Cần Thơ đã kịp thời triển khai và cụ thể hóa các chính sách, kế hoạch, chương trình hành động này vào tình hình cụ thể của địa phương; chủ động, thường xuyên rà soát, hiệu chỉnh các quy hoạch ngành có tích hợp với điều kiện biến đổi khí hậu; tích cực tuyên truyền, quán triệt các văn bản quy phạm pháp luật, các chính sách, kế hoạch, chương trình hành động ứng phó với biến đổi khí hậu đến người dân. Các địa phương này cũng đã triển khai nghiên cứu và thực hiện một loạt các đề tài, dự án nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu như: dự án Bảo vệ sự sống trong bối cảnh biến đổi khí hậu – sinh kế cộng đồng và thích nghi dựa vào hệ sinh thái ở Khu bảo tồn Đất ngập nước Láng Sen; dự án Chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu cho khu vực hạ lưu sông Vàm Cỏ, Việt Nam; Đề tài Chọn tạo giống lúa chịu mặn, năng suất cao, phẩm chất tốt, kháng rầy nâu phù hợp với vùng hạ huyện Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Trụ, Châu Thành; dự án Nâng cao khả năng chống chọi của TP Cần Thơ để ứng phó với xâm nhập mặn do biến đổi khí hậu gây ra; dự án Quản lý ngập lụt và sạt lở đô thị dựa vào cộng đồng cho TP Cần Thơ; dự án Tăng cường năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu cho cộng đồng làm nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long; dự án Nâng cao khả năng ứng phó thiên tai dựa vào cộng đồng thông qua hoạt động cải thiện an sinh xã hội

Cần tính toán việc ứng phó với biến đổi khí hậu ngay từ quá trình hoạch định chính sách, pháp luật

Tuy nhiên, một số thành viên Đoàn giám sát của UBTVQH cũng không khỏi băn khoăn khi nhận thấy, việc thực hiện chính sách, pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu tại các địa phương này còn hạn chế và chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Một số ý kiến cho rằng, điều này có thể là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ở mỗi địa bàn, mỗi khu vực không giống nhau. Nhưng điều quan trọng hơn, theo các thành viên Đoàn giám sát là do nguồn nhân lực, vật lực cho công tác ứng phó và thích nghi với biến đổi khí hậu tại các địa phương này còn thiếu. Điều này khiến các địa phương có phần lúng túng trong việc triển khai các biện pháp cụ thể ứng phó với biến đổi khí hậu. Các thành viên Đoàn giám sát đề nghị, cùng với việc hệ thống lại các văn bản quy phạm pháp luật, các kế hoạch, chương trình hành động về biến đổi khí hậu của Trung ương để bảo đảm tính đồng bộ trong công tác triển khai thì mỗi địa phương cần nghiên cứu và cụ thể hóa cho phù hợp với đặc điểm của mình. Như vậy mới có thể bảo đảm được tính khả thi cao của các chính sách, pháp luật, các chương trình, kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu. Các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, kịch bản biến đổi khí hậu... cũng phải liên tục được cập nhật. Và đặc biệt là, cần xác định những vấn đề phải tập trung, ưu tiên theo từng giai đoạn cụ thể. 

Một nguyên nhân quan trọng cũng được các thành viên Đoàn giám sát chỉ ra là, hiện nay, cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực tài chính cho công tác ứng phó với biến đổi khí hậu chưa thật sự đầy đủ và hiệu quả. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Trưởng đoàn giám sát Phan Xuân Dũng, các địa phương này đều chưa có cơ chế khuyến khích, huy động các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư cho ứng phó với biến đổi khí hậu trên cơ sở cùng mang lại lợi ích cho các bên. Đây chính là trở ngại lớn đối với việc nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu tại đồng bằng sông Cửu Long. Khảo sát tại huyện Cần Giuộc, Long An cho thấy, nhiều ngôi nhà của người dân dọc tuyến sông Cần Giuộc bị nước làm xói mòn, gây sụt lở rất nguy hiểm nhưng địa phương chưa thực hiện kè bờ hoặc chưa thể di dời dân cũng vì nguồn lực tài chính có hạn. Nếu hộ nào bị mất nhà, mất đất thì Long An cũng chỉ có thể hỗ trợ được 6 triệu đồng/hộ trích từ nguồn Quỹ bảo đảm xã hội. Hay việc xây dựng tuyến đê bao dọc sông Cần Giuộc cần khoảng 10 tỷ đồng nhưng huyện cũng chưa thể triển khai được vì... chưa có tiền. 

Chia sẻ với khó khăn của các địa phương, song các thành viên Đoàn giám sát cũng đặt câu hỏi: ngoài việc chờ đợi từ ngân sách nhà nước, các địa phương đã tính đến phương án khác để thực hiện các dự án, công trình hay chưa? 

Theo Phó chủ nhiệm Lê Bộ Lĩnh, đúng là hiện nay đã có Chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu và một số dự án quốc tế cho lĩnh vục này. Hàng năm Nhà nước cũng đã dành một khoản ngân sách để đầu tư cho ứng phó với biến đổi khí hậu, nhưng với cách phân bổ ngân sách như hiện nay, khó có thể đáp ứng được nhu cầu tài chính của các địa phương. Mặt khác, dù có tăng đầu tư nguồn lực tài chính từ ngân sách Nhà nước thì với khả năng hiện nay, cũng không thể đáp ứng được hết nhu cầu của các địa phương. Vì thế, cần phải có cơ chế huy động các nguồn lực khác cũng như nguồn lực từ các tổ chức quốc tế, từ doanh nghiệp, người dân trong và ngoài nước cho ứng phó với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần xây dựng kế hoạch hành động cụ thể, xác định rõ các nhiệm vụ cần ưu tiên, những hạng mục cần giải quyết trước để tập trung nguồn lực, tránh tình trạng dàn trải, lãng phí và kém hiệu quả. 

Một thực tế cũng được các thành viên Đoàn giám sát ghi nhận tại Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và Cần Thơ là, các địa phương này mới chỉ chú trọng đến những giải pháp, công trình, dự án mang tính chất đối phó với biến đổi khí hậu. Ví dụ, để khắc phục tình trạng lún sụt thì làm đê kè, chống ngập mặn thì xây cống, ngăn dòng... Tất cả những công trình này đều cần thiết nhưng cách làm này mới chỉ là ngắn hạn, không bảo đảm được hiệu quả về lâu dài. Theo Trưởng đoàn giám sát Phan Xuân Dũng, thích nghi với biến đổi khí hậu có thể thực hiện bằng nhiều cách, như chuyển đổi mô hình sản xuất sạch, thân thiện với môi trường; kêu gọi sự tham gia đóng góp của cộng đồng hay dựa trên những kinh nghiệm lâu năm của người dân sống với xâm ngập mặn, bão lũ... Cần phải nghiên cứu để đưa ra các kế hoạch, chiến lược mang tính bền vững hơn. Biến đổi khí hậu không chỉ là thách thức với riêng đồng bằng sông Cửu Long mà còn đối với sự phát triển bền vững của đất nước. 

Vì vậy, ở góc độ vĩ mô, Trưởng đoàn giám sát Phan Xuân Dũng đề nghị, cần phải xác định ứng phó với biến đổi khí hậu là nhiệm vụ lâu dài, phải tính toán việc ứng phó và thích nghi với biến đổi khí hậu ngay từ quá trình hoạch định các chính sách, pháp luật để từ đó đưa ra được những kế hoạch, chiến lược dài hạn và hiệu quả.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Cần ứng phó với biến đổi khí hậu ngay từ quá trình hoạch định chính sách, pháp luật
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO