Cần tư duy đột phá trong Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia

- Thứ Sáu, 15/01/2021, 04:32 - Chia sẻ
Đây là đề xuất vừa được Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) gửi Bộ Công thương, góp ý cho dự thảo Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.

Theo VSEA, trong bối cảnh Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức về bảo đảm nguồn cung năng lượng đáp ứng đủ cho nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội và an ninh quốc phòng, việc Bộ Công thương xây dựng dự thảo Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 rất cần thiết. Đây là bản quy hoạch năng lượng đầu tiên mang tính chất tổng thể và có tính định hướng cho các quy hoạch năng lượng thành phần.

Bản dự thảo quy hoạch đã khắc phục được nhiều tồn tại của các quy hoạch phân ngành trước đây. Theo đó, không chỉ chú ý đến yếu tố phát triển năng lượng (đủ và tin cậy) mà còn chú ý các mặt về môi trường, biến đổi khí hậu, giá cả, thị trường, tiết kiệm và hiệu quả, kết hợp trong và ngoài nước… Đặc biệt, dự thảo quy hoạch tổng thể đã bám sát các định hướng, chính sách về năng lượng với các chỉ tiêu định hướng trung và dài hạn của Đảng và Nhà nước như Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045; Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tuy vậy, dự thảo quy hoạch vẫn còn một số điểm cần xem xét. Theo đó, tư duy lập quy hoạch vẫn còn mang tính chất của ngành năng lượng truyền thống, chủ yếu vẫn là nhập khẩu than. Cụ thể, năm 2020 nhập 12 triệu tấn, năm 2030 tăng lên 70 triệu tấn, từ năm 2050 phải nhập thêm 100 triệu tấn, trong khi Nghị quyết 55 đã nhấn mạnh phải tận dụng tối đa nguồn nhiên liệu sẵn có trong nước. Bên cạnh đó, nếu phải nhập khẩu than hay khí đều cần đến ngoại tệ, đồng nghĩa cân đối ngoại tệ của đất nước để đáp ứng cho nhu cầu đó sẽ trở nên vô cùng khó khăn…

Từ đó, các chuyên gia của VSEA đề xuất, cần tư duy đột phá trong lập quy hoạch theo hệ thống năng lượng hiện đại với 4 trụ cột (giảm phát thải, phi tập trung, chuyển đổi số và điện khí hóa); cập nhật lại dự báo nhu cầu tính tới tác động của Covid-19; giảm tối đa nhập khẩu năng lượng sơ cấp, đặc biệt là than, thay vào đó khai thác tối đa tiềm năng nguồn năng lượng trong nước gồm bổ sung 2 mỏ khí mới là Kèn Bầu và Khánh Hòa, tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo; định vị lại vị trí ngành than trong tương lai…

Đan Thanh