Ngày 10.12, Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, Trung tâm Nhi khoa vừa điều trị thành công và cho xuất viện trường hợp trẻ nhũ nhi bị sốt xuất huyết Dengue nặng.
Đó là trường hợp bé gái T.P.L.Đ. (6 tháng tuổi, xã Phong An, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế) nhập viện tại Trung tâm Nhi khoa (cơ sở 2) với biểu hiện sốt cao liên tục, nôn và tiêu chảy.
Qua thăm khám ghi nhận bệnh nhi có biểu hiện sốc với mạch nhanh nhẹ, huyết áp tụt, đại tiện ra máu, được chẩn đoán sốt xuất huyết Dengue nặng.
Dù được điều trị tích cực với truyền dịch chống sốc và ổn định huyết động nhưng tiên lượng có thể diễn biến rất phức tạp nên bệnh nhi được chuyển vào khoa Hồi sức tích cực - Cấp cứu Nhi, Trung tâm Nhi khoa.
Tại đây, kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhi có tình trạng cô đặc máu, tiểu cầu giảm, rối loạn đông máu nặng. Các bác sĩ tiến hành điều trị tích cực với truyền dịch, hỗ trợ hô hấp với thở áp lực dương liên tục, truyền máu, tiêm vitamin K1.
Sau hơn 1 tuần điều trị, tình trạng bệnh nhi cải thiện dần và được xuất viện.
Trao đổi nhanh với Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, ThS. BSCKII Hoàng Thị Lan Hương cho biết, sốt xuất huyết là bệnh thường gặp ở trẻ em, phổ biến nhất là nhóm từ 4 - 9 tuổi. Ở miền Nam và miền Trung, sốt xuất huyết có thể xuất hiện quanh năm.
Sốt xuất huyết ở trẻ dưới 1 tuổi chiếm khoảng 5% trong tổng số bệnh nhi mắc bệnh sốt xuất huyết nhập viện, với tỷ lệ tử vong cao gấp 4 lần nhóm tuổi ngoài nhũ nhi. Hằng năm, Bệnh viện Trung ương Huế ghi nhận gần 500 trẻ bị sốt xuất huyết nhập viện, trong đó có khoảng 2-3 trẻ nhũ nhi dưới 1 tuổi.
Theo ThS. BSCKII Hoàng Thị Lan Hương, sốt xuất huyết ở trẻ nhũ nhi thường diễn tiến rất nhanh và rất khó xác định ngay từ đầu. Sốt xuất huyết có thể tấn công trẻ nhũ nhi nhưng trẻ có thể biểu hiện ban đầu không điển hình (như sốt nhẹ vừa, không liên tục lại kèm ho, sổ mũi, hắt hơi, hay tiêu chảy, nôn ói) khiến dễ lầm tưởng với các bệnh lý hô hấp, tiêu hóa hay nhiễm trùng, tay chân miệng…
Ngoài ra, trẻ ở lứa tuổi này do chưa biết nói nên một khi mắc bệnh không thể nói ra các triệu chứng thường thấy của sốt xuất huyết. Vì vậy rất khó chẩn đoán dựa trên triệu chứng bệnh cho đến khi trẻ xuất hiện các nốt xuất huyết dưới da hoặc nôn, tiểu ra máu mới được phát hiện và đưa đi khám.
Theo ThS. BSCKII Hoàng Thị Lan Hương, cần tránh tâm lý chủ quan, dễ nhầm bệnh khác như tay chân miệng, sốt siêu vi, sốt phát ban dẫn đến các ca sốt xuất huyết có biến chứng thường đưa vào viện ở giai đoạn muộn.
Các biến chứng thường gặp là lừ đừ, mệt mỏi, đau bụng nhiều, tay chân lạnh. Ngoài ra bệnh nhân có thể xuất hiện tình trạng xuất huyết như chảy máu cam, chảy máu chân răng, đi cầu ra máu…
Khi xuất hiện những dấu hiệu trên, bệnh nhi nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, có thể dẫn đến suy đa tạng như gan, cơ tim, hệ thần kinh thậm chí tử vong. Phụ huynh nên đưa trẻ đến cơ sở y tế có chuyên khoa nhi để thăm khám xét nghiệm định bệnh chính xác, chẩn đoán sớm, điều trị thích hợp cho trẻ.
"Phụ huynh cần theo dõi phát hiện các dấu hiệu sớm để đưa con em mình đến cơ sở y tế nếu thấy trẻ sốt cao trên 2 ngày không đỡ, có một trong các dấu hiệu như quấy khóc, bứt rứt, lăn trở khó chịu hoặc li bì, đau bụng, chảy máu cam, máu răng hoặc ói ra máu, tiêu phân đen, tay chân lạnh, nằm một chỗ không chơi, bỏ bú, bỏ ăn uống...", ThS. BSCKII Hoàng Thị Lan Hương cho hay.
Theo lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Huế, khi mắc sốt xuất huyết, cần theo dõi kỹ người bệnh trong ngày thứ 3 tới ngày thứ 7 của bệnh. Giai đoạn này, người bệnh dù giảm sốt nhưng rất dễ rơi vào tình trạng sốc, dẫn đến biến chứng nếu không được điều trị kịp thời.
Để giảm gánh nặng bệnh tật và tỷ lệ tử vong do bệnh sốt xuất huyết, nên tiêm vaccine phòng sốt xuất huyết ( cho trẻ từ 4 tuổi trở lên) kèm diệt bọ gậy, phòng chống muỗi đốt.