Cẩn trọng với thị trường chứng khoán

- Thứ Ba, 12/01/2021, 05:15 - Chia sẻ
Tuần giao dịch thứ 2 của năm 2021 tiếp tục chứng kiến dòng tiền lớn đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Ngay trong phiên giao dịch đầu tiên của năm 2021 (ngày 4.1), đỉnh thanh khoản lịch sử đã được xác lập với hơn 16.200 tỷ đồng. Nhưng kỷ lục này đã ngay lập tức bị phá vỡ vào phiên liền kề và dự báo rằng có thể các mốc kỷ lục tiếp theo sẽ còn được xác lập.

Chưa bao giờ lượng vốn đầu tư dồi dào và lượng thanh khoản cao như vậy - đó là nhận định chung của các công ty chứng khoán. Nhưng xu thế tăng đột biến của các sàn giao dịch, khi chưa đi kèm với những chỉ số vĩ mô có sự khởi sắc tương tự, cho thấy rủi ro cũng có thể tăng lên và người đầu tư cần thận trọng.

Nhìn nhận một cách khách quan, xu hướng tăng trưởng của thị trường được nhìn nhận là tiếp nối đà tăng từ năm ngoái. Đánh giá của nhiều công ty chứng khoán cho thấy, có 2 dòng tiền chính chảy vào thị trường. Đầu tiên là nguồn vốn bổ sung của nhóm công ty chứng khoán ngoại, các công ty chứng khoán nội trong tốp những công ty lớn nhất. Thứ hai là dòng tiền từ các nhà đầu tư mới, lần đầu tham gia thị trường, còn gọi là F0. Số liệu từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) cho thấy tháng 12.2020 xác lập kỷ lục mới về số lượng mở mới của nhà đầu tư cá nhân với 63 nghìn tài khoản, gấp rưỡi tháng 11. Tính cả năm 2020, nhà đầu tư cá nhân mở 392,5 nghìn tài khoản, tăng 109% so với năm 2019. 

Lãi suất giảm mạnh, dòng tiền giá rẻ có thể là một kênh hỗ trợ thị trường. Mặt bằng lãi suất huy động kỳ hạn ngắn quanh quẩn mức 4%/năm, nếu trừ đi lạm phát gần 3% năm 2020 thì lãi suất thực dương gần như không đáng kể. Do đó, một lượng tiền lớn dịch chuyển từ kênh tiết kiệm sang đầu tư chứng khoán để tìm kiếm lợi nhuận cao hơn là có thể hiểu được.

Tuy vậy, sự tăng trưởng mạnh của số lượng nhà đầu tư cá nhân chưa hẳn là xu hướng tích cực. Các nhà đầu tư F0 này thường xuất hiện sau khi thị trường trải qua đợt tăng giá mạnh, và trong số đó có không ít người "chơi" chứng khoán theo kiểu phong trào, quyết định mua - bán theo đám đông, theo khuyến nghị của người khác mà chưa có kiến thức thực để tự mình lập một kế hoạch đầu tư nghiêm túc. Trước lợi nhuận hấp dẫn của thị trường, không ít người trong số họ đi vay mượn để chơi chứng khoán, một việc được xếp vào hàng cấm kỵ vì cực kỳ rủi ro.

Đây là vấn đề không mới, từng xảy ra trước đây. Nguy hiểm ở chỗ, có thể rủi ro sẽ còn tiếp tục gia tăng cho các nhà đầu tư cá nhân, khi hầu hết công ty chứng khoán dự báo đây sẽ là một năm thuận lợi và giá cổ phiếu có thể còn đi lên. Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cho rằng, với mức định giá hiện tại, VN-Index có thể hướng tới mục tiêu tăng khoảng 22% so với năm 2020. Công ty Chứng khoán VNDirect dự báo VN-Index sẽ cán mốc 1.180 điểm trong năm 2021. Một mặt, các yếu tố vĩ mô vẫn được xem là tích cực để hỗ trợ thị trường như: Đà tăng trưởng của tổng cầu nội địa và niềm tin người tiêu dùng hồi phục sẽ hỗ trợ bán lẻ, thực phẩm và đồ uống phục hồi nhanh hơn các ngành khác; đầu tư công tiếp tục được đẩy mạnh, tập trung vào cơ sở hạ tầng là điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vật liệu xây dựng và hạ tầng hàng không. Mặt khác, mức độ rủi ro với nhà đầu tư không chuyên vẫn luôn là đáng kể khi thị trường có dấu hiệu tăng "nóng" như hiện nay. Họ dễ chạy theo cơ hội, thiếu kỹ năng cần thiết và rất dễ chịu rủi ro thua lỗ khi thị trường đảo chiều.

Điều đáng nói, thiệt hại không chỉ rơi vào nhà đầu tư mà còn ảnh hưởng đến tính ổn định và bền vững của thị trường. Vì vậy, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần có sự giám sát chặt chẽ hơn với các rủi ro và có những động thái cảnh báo phù hợp. Ổn định vĩ mô trong bối cảnh nền kinh tế chưa ra khỏi khó khăn là điều cần đặc biệt quan tâm. 

Cẩm Phô