Mối nguy hiểm từ ngộ độc thực phẩm trong mùa hè
PGS.TS. Nguyễn Xuân Ninh - Trưởng phòng khám chuyên khoa dinh dưỡng Viện Y học ứng dụng Việt Nam- Tổng hội Y học Việt Nam cho biết: Bên cạnh nguyên nhân ngộ độc thực phẩm do nhiễm hóa chất, chất bảo quản, ngộ độc thực phẩm do nhiễm khuẩn thức ăn rất hay gặp phải trong mùa hè.
Nắng nóng và độ ẩm cao là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus sinh sôi, phát triển, làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm nếu không cẩn thận trong việc bảo quản và chế biến thực phẩm. Các vi khuẩn như Salmonella, E.coli, Listeria, Staphylococcus... có thể xâm nhập vào thực phẩm từ quá trình sản xuất, chế biến đến bảo quản.
Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Ninh, một số loại thực phẩm đặc biệt dễ bị nhiễm khuẩn như:
Thịt, hải sản: do hàm lượng protein cao, nếu không được sơ chế đúng cách, chế biến đảm bảo vệ sinh, bảo quản ở nhiệt độ thích hợp, vi khuẩn sẽ dễ dàng xâm nhập và gây bệnh.
Rau sống: Rau sống có thể nhiễm khuẩn từ đất, nước tưới, hoặc trong quá trình vận chuyển và chế biến.
Trứng: Trứng sống hoặc trứng lòng đào có thể chứa vi khuẩn Salmonella gây ngộ độc. Bên cạnh đó, vi khuẩn từ vỏ trứng cũng có thể xâm nhập ra bên ngoài, làm ô nhiễm các thực phẩm, dụng cụ chế biến khác và gây ngộ độc cho người sử dụng.
Thực phẩm chế biến sẵn: Các món ăn như giò chả, nem chua, salad, thịt nguội, thịt quay, bánh mỳ kẹp... nếu không được chế biến và bảo quản đúng cách cũng dễ bị nhiễm khuẩn.
Triệu chứng của ngộ độc thực phẩm
PGS. TS Xuân Ninh cho biết: Sau khi ăn thực phẩm bị nhiễm khuẩn từ 1 giờ đến 24 giờ, ngộ độc xảy ra khi có đủ lượng vi khuẩn phát triển trong cơ thể người bị ngộ độc. Sau khi ăn thực phẩm nhiễm khuẩn 1 vài giờ đến 24 giờ, có thể xuất hiện các triệu chứng như:
Buồn nôn và nôn: Cảm giác khó chịu ở dạ dày và nôn mửa.
Đau bụng: Đau quặn bụng, có thể kèm theo cảm giác đầy hơi.
Tiêu chảy: Đi ngoài phân lỏng hoặc nước nhiều lần trong ngày.
Sốt: Cơ thể tăng nhiệt độ để chống lại nhiễm trùng.
Đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi: do mất nước và mất cân bằng điện giải vì nôn, tiêu chảy.
Trong trường hợp nặng, ngộ độc thực phẩm có thể dẫn đến mất nước nghiêm trọng, rối loạn thần kinh, hội chứng tăng ure huyết tán…
Phòng ngừa ngộ độc thực phẩm trong mùa hè
Để bảo vệ sức khỏe của bạn và gia đình, PGS.TS Nguyễn Xuân Ninh khuyến cáo nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa sau:
Vệ sinh sạch sẽ: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch, đặc biệt là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, trước và sau khi chế biến thực phẩm. Vệ sinh kỹ các dụng cụ nhà bếp và bề mặt chế biến thực phẩm.
Chọn thực phẩm an toàn, sơ chế đúng cách: Mua thực phẩm từ nguồn uy tín, đảm bảo nguồn gốc rõ ràng; chọn thịt, cá tươi, không có mùi lạ; sơ chế sạch trước khi bảo quản. Rửa sạch rau sống dưới vòi nước chảy.
Nấu chín thực phẩm: Đảm bảo thịt, cá được nấu chín kỹ. Không ăn các món tái, sống như gỏi, tiết canh, nem chua...
Bảo quản thực phẩm đúng cách: Bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh ở nhiệt độ thích hợp (dưới 5 độ). Không để thức ăn chín ở nhiệt độ phòng quá 2 giờ. Thức ăn của bữa trước cần được đun/ làm nóng lại trước khi ăn.
Ăn chín, uống sôi: Không uống nước lã, nước đá không rõ nguồn gốc. Uống nước đun sôi để nguội hoặc nước đóng chai.
Không để chung thực phẩm sống và chín: Dùng dao, thớt riêng cho thực phẩm sống và chín.
Nếu bạn hoặc người thân có các triệu chứng ngộ độc thực phẩm nên uống nhiều nước, oresol, nước dừa để bù lại lượng nước và điện giải đã mất; nghỉ ngơi, thư giãn, ngủ đủ giấc giúp cơ thể phục hồi nhanh hơn; ăn các món ăn dễ tiêu như cháo, súp, bánh mì…, tránh ăn đồ ăn cay, nóng, nhiều dầu mỡ. Nếu triệu chứng nặng hoặc kéo dài, cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ kiểm tra ngay lập tức.