Nhiều hàng hóa kém chất lượng bày bán trên thị trường
Từ những phản ánh trên, phóng viên đã tìm hiểu trên các nền tảng thương mại điện tử, nhiều siêu thị mini, cửa hàng tiện ích ở Hà Nội cho thấy, ý kiến của người tiêu dùng là có cơ sở; thực tế đã có nhiều sản phẩm hàng hóa không được dán tem, nhãn phụ bằng tiếng Việt theo quy định của pháp luật Việt Nam. Khi khách hàng thắc mắc rằng đây là hàng nhập lậu?, thì người bán giải thích rằng đó là hàng xách tay, nên không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, không có tem hay nhãn phụ bằng tiếng Việt.
Khoản 3, Điều 7, Nghị định 43/2017/NĐ-CP quy định: " hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đầy đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc". Tiếp đó, khoản 1, Điều 10. Nghị định này quy định rõ: "nhãn hàng hóa bắt buộc phải thể hiện các nội dung sau: tên hàng hóa; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; xuất xứ hàng hóa".
Tại một siêu thị mini chuyên bán các sản phẩm sữa cho mẹ bầu và em bé trên đường Ngọc Lâm (quận Long Biên, Hà Nội), dễ nhận thấy các mặt hàng đang được bày bán trên kệ không có tem, nhãn phụ thể hiện những nội dung cần thiết về sản phẩm. Cầm trên tay hộp sữa Meiji thắc mắc, phóng viên được nhân viên bán hàng giới thiệu sản xuất từ Nhật Bản, nhưng tìm kỹ trên vỏ hộp, người mua không thể tìm kiếm bất cứ thông tin từ thành phần, công dụng, nguồn gốc xuất xứ,… vì tất cả đều được thể hiện bằng tiếng Nhật. Khi phóng viên lo lắng về việc sản phẩm không có tem, nhãn phụ dán trên bao bì, nhân viên trấn an bằng cách ngắn gọn, các mặt hàng này đều được người quen mua và xách tay từ nước ngoài về nên có thể hoàn toàn yên tâm về chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, theo quan sát mỗi dòng sản phẩm đều có từ 5 - 10 hộp bày bán trên kệ như vậy, thì không biết chủ cửa hàng này có trung thực trong lời quảng cáo nguồn gốc là hàng hóa từ Nhật Bản đang tiêu thụ tại cửa hàng?
Tương tự, tại một cửa hàng ở phố Quán Thánh (quận Ba Đình, Hà Nội) được bày bán đa dạng các mặt hàng mỹ phẩm, đồ dùng tiện ích gia đình, thực phẩm cho mẹ và bé,… được nhân viên giới thiệu là có xuất xứ từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc,…Các sản phẩm bày bán ở đây trên bao bì sản phẩm đều không có tem, nhãn phụ để người tiêu dùng có thể kiểm tra về thành phần, tính năng, cách sử dụng, cảnh báo, xuất xứ hàng hóa, nhà nhập khẩu để người mua hàng có thể kiểm tra về nguồn gốc, thành phần của sản phẩm.
Chỉ cần gõ từ khóa “hàng xách tay”, “sữa nhập khẩu chính hãng”, "mỹ phẩm xách tay" trên mạng xã hội... người mua sẽ nhận được vô số tài khoản bán hàng với nhiều mẫu mã, mức giá khác nhau, khiến người mua như rơi vào "ma trận". Người bán thường giới thiệu đây là hàng hóa trực tiếp sang các siêu thị ở nước ngoài mua về hoặc có người thân ở đó gửi hàng về Việt Nam nên không mất thuế, nên giá thấp hơn so với hàng nhập ngoại do doanh nghiệp phân phối chính hãng, chất lượng tốt..., nhằm đánh vào tâm lý người mua hàng.
Thông thường, người tiêu dùng nhận biết nguồn gốc, xuất xứ và loại sản phẩm bán và lưu hành trên thị trường thông qua nhãn hiệu hàng hóa. Thế nhưng, những hàng hóa mua theo cách này không có tem, nhãn phụ thì người tiêu dùng chẳng khác nào "mò kim đáy biển", nguy cơ mua phải hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng trà trộn khá nhiều vào thị trường như hiện nay, chấp nhận chịu thiệt mà không dám kêu ca.
Chị Ngô Lan Anh (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ kinh nghiệm của mình: “khi muốn tìm hiểu bất kỳ sản phẩm nào về nguồn gốc, thành phần đều phải gọi hỏi nhân viên giới thiệu, rất mất thời gian, để có sự so sánh giữa các sản phẩm với nhau trước khi mua. Nếu có nhãn phụ tiếng Việt dán trên bao bì sản phẩm - dù cũng không dám chắc là tem hay nhãn phụ đó là thật hay giả, thì sẽ thuận lợi và yên tâm hơn nhiều”.
Chị Nguyễn Thị Trang (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay: "nhiều mặt hàng liên quan đến sức khỏe, mỹ phẩm mặc dù được quảng cáo là hàng nhập khẩu, nhưng sản phẩm toàn chữ nước ngoài, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tôi thấy không có tem, nhãn phụ để nhận biết có những công dụng thành phần gì nên không mua những sản phẩm như thế này, tôi cũng khuyên người thân và bạn bè không nên mua khi không rõ thông tin, nên lựa chọn mua hàng ở những địa điểm uy tín, có đầy đủ tem, nhãn phụ để bảo đảm an toàn trong quá trình sử dụng".
Trường hợp khác, chị Nguyễn Thị Huyền (Long Biên, Hà Nội) thường lên mạng tìm hiểu về một số loại sữa ngoại được đánh giá là tốt nhất dành cho trẻ. Tuy nhiên, tại một cửa hàng sữa gần nhà khi chị hỏi về xuất xứ, tem nhãn phụ của hộp sữa Morinaga cho trẻ từ 1 - 3 tuổi, nhân viên bán hàng giải thích rằng vì là sữa “xách tay” nên không có tem, nhãn phụ hay hóa đơn chứng từ. Vậy thì dựa vào đâu để tôi có thể phân biệt giữa các sản phẩm này có phải hàng chính hãng không, nên tôi đã chuyển sang dùng các sản phẩm có tem, nhãn phụ đầy đủ, đặc biệt là dòng sữa sản xuất trong nước cho con".
Người tiêu dùng cần lựa chọn mua hàng ở các điểm kinh doanh, sàn thương mại uy tín
Luật sư Đỗ Văn Khán, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết, tại khoản 4, Điều 3, Nghị định 43/2017/NĐ-CP ngày 14.4.2017 thì nhãn phụ là nhãn thể hiện những nội dung bắt buộc được dịch từ nhãn gốc của hàng hóa bằng tiếng nước ngoài ra tiếng Việt và bổ sung những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt theo quy định của pháp luật Việt Nam mà nhãn gốc của hàng hóa còn thiếu. Theo quy định này, các sản phẩm đang bày bán tại siêu thị, cửa hàng tiện ích,... kể trên dù là hàng xách tay thì vẫn vi phạm quy định về việc không dán tem, nhãn phụ bằng tiếng Việt.
Theo Luật sư Khán, cùng với sự nỗ lực của cơ quan chức năng, để mua được những sản phẩm đúng chất lượng, người tiêu dùng cần chủ động lựa chọn mua hàng ở các điểm kinh doanh, sàn thương mại uy tín; khi mua cần có sự tham khảo, khuyến cáo của người thực sự có chuyên môn; mua hàng có hóa đơn, chứng từ, nhãn mác rõ nguồn gốc nơi nhập khẩu, sản xuất. Khách hàng kiên quyết tẩy chay với các hàng hóa thiếu các thông tin, xuất xứ theo quy định; chủ động tìm hiểu về sản phẩm trên các trang thông tin của ngành chuyên môn để bảo đảm sản phẩm đã được cấp phép hoặc sản phẩm không thuộc diện bị thu hồi do phát hiện các lỗi sau khi đưa ra thị trường.
Thực tế thời gian qua, lực lượng chức năng, đặc biệt là Quản lý thị trường đã kiểm tra, phát hiện nhiều vụ vận chuyển, bán hàng hóa không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có tem và nhãn phụ theo quy định. Các hàng hóa vi phạm này, ngoài bị xử phạt vi phạm hành chính, còn bị tịch thu tang vật và xử lý theo quy định.