Cẩn trọng và trách nhiệm

- Thứ Hai, 11/01/2021, 07:13 - Chia sẻ

Sáng nay, ngay trong phiên họp đầu tiên của năm 2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét nhiều nội dung liên quan đến công tác bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Cụ thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết liên tịch hướng dẫn quy trình hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Xem xét, thông qua 2 dự thảo Nghị quyết gồm: Dự thảo Nghị quyết quy định chi tiết, hướng dẫn việc tổ chức hội nghị cử tri; việc giới thiệu người ứng cử đại biểu HĐND cấp xã ở thôn, tổ dân phố; việc hiệp thương, giới thiệu người ứng cử, lập danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu HĐND trong bầu cử bổ sung; dự thảo Nghị quyết về Hướng dẫn việc xác định dự kiến cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND các cấp. Xem xét việc ban hành Nghị quyết dự kiến số lượng, cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội Khóa XV.

Từ tháng 6.2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Chỉ thị của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử. Trong đó, về nhân sự giới thiệu ứng cử, Chỉ thị nêu rõ: “Giới thiệu những người tiêu biểu về phẩm chất, đạo đức và năng lực, có quan điểm, lập trường chính trị vững vàng, đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật, có điều kiện thực hiện nhiệm vụ tham gia làm đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND”; “bảo đảm đủ tiêu chuẩn, đủ số lượng, có cơ cấu hợp lý, trong đó lấy tiêu chuẩn, chất lượng đại biểu làm trọng tâm, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn. Phấn đấu bầu đủ 500 đại biểu Quốc hội và đạt tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách”.

Chỉ thị cũng yêu cầu “kiên quyết không giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người sa sút về phẩm chất đạo đức, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, xu nịnh, kiêu ngạo, quan liêu, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước”. Đây là những yêu cầu đặc biệt quan trọng, là “kim chỉ nam” trong công tác chuẩn bị nhân sự giới thiệu người ứng cử, bảo đảm chất lượng “đầu vào” của các đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Vì thế, yêu cầu này phải được quán triệt nghiêm túc, tuân thủ chặt chẽ ngay từ khâu xác định dự kiến số lượng, cơ cấu, thành phần người ứng cử và trong toàn bộ quá trình chuẩn bị cho cuộc bầu cử.

Một yêu cầu mới của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV là phải bảo đảm tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách đạt tối thiểu 40%. Yêu cầu tưởng đơn giản bởi tăng số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách là vấn đề cần thiết để nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội. Tuy nhiên, thực tế lại không đơn giản như vậy, bởi nhiều nhiệm kỳ vừa qua, dù Luật đã quy định tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách phải đạt tối thiểu 35% nhưng chưa bao giờ đạt được. Ngay như nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, dù đã có rất nhiều cố gắng trong việc quy hoạch, chuẩn bị nguồn nhân sự từ sớm nhưng cũng không đạt tỷ lệ tối thiểu 35% như luật định.

Đó cũng là lý do khiến nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn khi quyết định có nâng tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách lên tối thiểu 40% hay không. Quyết định luật hóa tỷ lệ này, như chia sẻ của chính các đại biểu Quốc hội sau khi bấm nút thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội năm 2020, còn thể hiện quyết tâm rất lớn của Quốc hội trong việc nâng tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách lên cao hơn nữa ngay từ nhiệm kỳ Khóa XV. Và như vậy, ngay trong Đề án nhân sự đã phải tính toán hết sức chi tiết, các cấp ủy phải tăng cường sự lãnh đạo công tác chuẩn bị nhân sự ứng cử đại biểu Quốc hội thì mới có thể bảo đảm đạt được tỷ lệ này.

Tại Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội đã quyết định tổ chức cuộc bầu cử vào Chủ nhật, 23.5.2021. Như vậy, từ nay cho đến cuộc bầu cử chỉ còn hơn 4 tháng. Thành công của cuộc bầu cử trước hết phụ thuộc vào sự chuẩn bị kỹ lưỡng về quy trình, thủ tục, các công việc mang tính chất kỹ thuật sẽ được cụ thể hóa trong các dự thảo Nghị quyết trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm nay. Nhưng quan trọng hơn nữa là việc thực hiện các quy định, quy trình, thủ tục này trong thực tế như thế nào. Kinh nghiệm tổ chức các cuộc bầu cử cho thấy, trong từng giai đoạn, ở từng nhiệm vụ cụ thể chuẩn bị cho cuộc bầu cử cả về tổ chức và nhân sự giới thiệu ứng cử đều phải tỉ mỉ, cẩn trọng, dân chủ, khách quan với tinh thần trách nhiệm cao nhất.

Nguyễn Bình