Sức khỏe

Cẩn trọng nhiễm giun sán với trào lưu ăn đồ tái, sống

Xuân Quý 12/07/2025 18:26

Chuyên gia y tế cảnh báo, ăn sống – ăn tái không phải là trào lưu an toàn, có nguy cơ tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ cho sức khỏe mà người trẻ thường chủ quan bỏ qua.

Nguy hiểm khi ăn phải thực phẩm nhiễm giun sán, ký sinh trùng

BS.CKI Nguyễn Trần Như Thủy - Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh (Cơ sở 3) cho biết, những năm gần đây, việc tiêu thụ các món ăn từ thịt sống, nội tạng động vật hoặc thực phẩm chưa nấu chín kỹ ngày càng trở nên phổ biến, nhất là trong giới trẻ. Đây không chỉ trở thành xu hướng thưởng thức ẩm thực mới lạ, mà còn là hệ quả của những trào lưu lan rộng trên mạng xã hội.

Việc ăn phải nội tạng, thịt sống hoặc thực phẩm không được chế biến kỹ, đặc biệt với các loại động vật, có thể dẫn đến nhiễm các loại giun sán và ký sinh trùng nguy hiểm. Trong đó, biểu hiện ban đầu bao gồm: Buồn nôn, nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy; Sốt nhẹ hoặc sốt cao (nếu nhiễm nhiều); ngứa, nổi mề đay, phát ban do phản ứng miễn dịch; mệt mỏi, chán ăn kéo dài; trường hợp nặng, giun sán có thể gây tắc ruột.

gs.jpg
Việc ăn phải nội tạng, thịt sống hoặc thực phẩm không được chế biến kỹ có nguy cơ cao nhiễm giun sán. Ảnh minh họa

Đặc biệt, một số loại sán như sán dải heo (Taenia solium) nếu xâm nhập lên não có thể gây viêm não, động kinh, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Chính vì vậy, khi phát hiện hoặc nghi ngờ ăn phải thực phẩm sống, tái, hoặc nghi nhiễm sán cần :

– Giữ bình tĩnh, không tự ý dùng thuốc khi chưa xác định rõ loại giun sán.

– Theo dõi kỹ biểu hiện cơ thể trong 24–72 giờ (đau bụng, sốt, dị ứng, rối loạn tiêu hóa…).

– Đến cơ sở y tế để làm xét nghiệm phân, máu tìm ký sinh trùng và được bác sĩ chỉ định thuốc phù hợp.

– Mỗi loại giun sán cần phác đồ điều trị khác nhau, việc tự ý dùng thuốc có thể gây biến chứng hoặc không hiệu quả.

Những loại giun sán nguy hiểm dễ lây qua thực phẩm sống, tái

Sán dải heo (Taenia solium): Thường gặp trong thịt heo tái, có thể di chuyển lên não, gây u nang, viêm não rất nguy hiểm.

Sán lá gan nhỏ (Clonorchis sinensis): Lây qua cá nước ngọt sống (gỏi cá), dễ gây viêm gan, xơ gan, ung thư đường mật.

Sán lá phổi (Paragonimus spp.): Có trong cua, tôm nước ngọt chưa nấu chín, gây ho kéo dài, dễ nhầm với lao phổi.

Giun xoắn (Trichinella spiralis): Thường xuất hiện trong thịt heo rừng, thú hoang dã, gây viêm cơ, tổn thương tim, thần kinh.

Sán dải bò (Taenia saginata): Có trong thịt bò sống/tái, làm rối loạn tiêu hóa, giảm hấp thu dinh dưỡng….

Nhóm thực phẩm, món ăn có nguy cơ cao nhất

Chuyên gia cảnh báo những thực phẩm sau tiềm ẩn nguy cơ cao nhiễm giun sán, ký sinh trùng bao gồm:

- Gan, mật động vật (có thể chứa sán lá gan).

- Ruột non, dạ dày động vật (lòng, phá lấu…) – là nơi ký sinh nhiều loại giun sán.

- Tiết canh, máu sống – dễ nhiễm vi khuẩn, virus, trứng sán.

- Cá nước ngọt sống (gỏi cá, nem chua) – nguy cơ sán lá gan nhỏ rất cao.

- Thịt heo, bò tái – dễ chứa ấu trùng sán dải heo, bò.

- Cua, tôm sống hoặc chưa nấu kỹ (gỏi tôm, mắm cua) – nguy cơ sán lá phổi.

Để bảo vệ sức khỏe, bác sĩ khuyến cáo, mọi người tuyệt đối không ăn thịt, cá, hải sản, các món ăn sống, tái, chưa nấu chín kỹ, đặc biệt tại các hàng quán vỉa hè, không đảm bảo nguồn gốc; chỉ uống nước đã đun sôi, không sử dụng nước chưa qua xử lý. Mua thực phẩm tại địa chỉ uy tín, được kiểm duyệt rõ ràng về chất lượng.

Bên cạnh đó, rửa tay sạch sẽ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; tẩy giun định kỳ mỗi 6 tháng, nhất là người hay ăn ngoài. Đồng thời, khi có biểu hiện bất thường sau khi ăn uống, hãy đến cơ sở y tế để được kiểm tra và điều trị kịp thời.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Cẩn trọng nhiễm giun sán với trào lưu ăn đồ tái, sống
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO