Cần triển khai hiệu quả tái cơ cấu ngành chăn nuôi

Nguyễn Giang 04/09/2014 08:32

Ngành chăn nuôi đang dần hồi phục, 6 tháng đầu năm đạt mức tăng trưởng cao hơn 3% so với cùng kỳ năm 2013. Song, nhiều chuyên gia cho rằng, sự phát triển của ngành vẫn chậm, thiếu bền vững, việc triển khai Đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi chưa thực sự được chú trọng và còn lúng túng...

Những tháng đầu năm 2014, ngành chăn nuôi đối mặt với không ít khó khăn về thị trường cùng với dịch bệnh bùng phát đã làm chậm lại quá trình tái đàn. Đáng mừng là đến nay, chăn nuôi đang hồi phục và phát triển nhanh, tăng trưởng ước đạt cao hơn 3% so với cùng kỳ năm 2013. Bộ NN và PTNT cho biết, nếu duy trì được tốc độ này, ngành chăn nuôi sẽ có khả năng đạt tốc độ tăng trưởng dự kiến trên 5% so với năm 2013.

Tuy nhiên nhiều chuyên gia cho rằng, mục tiêu giá trị sản xuất toàn ngành năm 2015 tăng từ 5 - 5,6% so với năm 2014 không dễ đạt được. Bởi, ngành chăn nuôi hiện phát triển thiếu bền vững, giá trị gia tăng thấp. Công tác quản lý trong nội bộ ngành còn nhiều hạn chế, thiếu hiệu quả. Việc áp dụng khoa học, công nghệ trong chăn nuôi vẫn chưa thực sự được chú trọng và diễn ra chậm. Nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực này còn thấp, chưa thu hút được sự quan tâm của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước. Năng lực chuyên môn của cán bộ làm công tác chăn nuôi còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, một số yếu tố luôn tiềm ẩn và có khả năng gây tác động lớn như phát sinh dịch bệnh, ô nhiễm môi trường... đã và đang làm giảm lợi thế cạnh tranh của ngành .

Điều dễ nhận thấy, ngành chăn nuôi kém tự chủ, chủ yếu dựa vào nhập khẩu. Thời gian qua, tuy sản lượng chăn nuôi tăng nhưng nước ta vẫn đang nhập khẩu ngày càng nhiều, từ giống gia súc, gia cầm đến các loại thịt thành phẩm. Thậm chí, lượng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu cũng đang tăng mạnh. Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 7 tháng năm 2014, nước ta đã nhập khẩu 1.656 con lợn giống, tăng 1,7 lần về giá trị và 1,9 lần về khối lượng so với cùng kỳ năm 2013. Giá trị nhập khẩu các loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong 6 tháng năm 2014 ước đạt 2,42 tỷ USD, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2013. Với tốc độ nhập khẩu ngày càng tăng như hiện nay, ngành chăn nuôi trong nước sẽ gặp nhiều khó khăn, và có thể thua ngay trên sân nhà, nhất là khi nước ta chính thức tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Hiệp định Hợp tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Thêm vào đó, Đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi triển khai chậm; nhiều địa phương còn lúng túng, chưa xây dựng được đề án cho từng lĩnh vực cụ thể, kể cả lĩnh vực chăn nuôi. Đến nay, mới có 17/63 tỉnh, thành phố ban hành Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của địa phương, trong đó có lĩnh vực chăn nuôi; 16/63 tỉnh đang xây dựng dự thảo Đề án tái cơ cấu nông nghiệp và chăn nuôi. Nguyên nhân được cho là do mục tiêu Đề án tổng thể đề ra còn chung chung, chưa xác định đối tượng vật nuôi chính và chưa hoạch định cụ thể vùng chăn nuôi chủ lực. Ngoài ra, còn các nguyên nhân khác như thị trường tiêu thụ, hoạt động giết mổ, chế biến chưa được quan tâm đúng mức trong nội dung tái cơ cấu.

Các chuyên gia cho rằng, để từng bước tự gỡ khó, trước hết ngành chăn nuôi cần thay đổi cách thức tiếp cận, theo hướng chuyển từ chạy theo tăng năng suất sang nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, từ đó tăng thu nhập cho người nuôi. Giai đoạn tới, thị trường trong nước mở cửa, lượng sản phẩm chăn nuôi giá rẻ từ nhiều nước sẽ tăng mạnh, các hàng rào bảo hộ được gỡ bỏ, giá sản phẩm trong nước sẽ dao động theo giá thế giới. Do vậy, ngành chăn nuôi cần bắt đầu từ thị trường quốc tế, nghiên cứu kỹ xu hướng, tình hình biến động và giá cả thị trường thế giới để đưa ra giải pháp phù hợp nhằm ổn định chăn nuôi trong nước và hướng tới đẩy mạnh xuất khẩu. Và, để đẩy mạnh tốc độ tái cơ cấu ngành chăn nuôi, năm 2015 Chính phủ cần sớm chỉ đạo bộ, ngành liên quan ban hành chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015-2020; đồng thời ban hành chính sách thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân đầu tư phát triển chăn nuôi; tăng cường chỉ đạo các tỉnh, thành phố tiếp tục xây dựng, triển khai hiệu quả Đề án tái cơ cấu; cân đối, bố trí đủ nguồn để triển khai các nội dung trong kế hoạch tái cơ cấu ngành chăn nuôi; tăng ngân sách cho hoạt động thông tin, tuyên truyền, xúc tiến thương mại…

    Nổi bật
        Mới nhất
        Cần triển khai hiệu quả tái cơ cấu ngành chăn nuôi
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO