ĐBQH Nguyễn Minh Đức (TP Hồ Chí Minh): Nhận diện rõ các văn bản trái pháp luật
Quốc hội có hai quyền năng rất lớn, đó là quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và xây dựng pháp luật; thực hiện chức năng giám sát tối cao. Chúng ta phải tìm được câu trả lời hoạt động giám sát hiện nay thực sự đã thể hiện đúng "quyền lực tối cao" hay chưa?
Thời gian gần đây, Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư và Quốc hội nói rất nhiều về vấn đề thể chế và điểm nghẽn, các quy định của pháp luật. Hệ quả là nhiều dự án đang tồn đọng, vướng bởi thể chế và các quy định của pháp luật liên quan đến quá nhiều các tầng nấc, dẫn đến việc bị nghẽn và lãng phí. Các địa phương đang đẩy rất mạnh để khắc phục vấn đề này.
Tại sao lại như vậy? Rõ ràng chúng ta phải xem lại chức năng giám sát của Quốc hội đối với các quy định pháp luật về giám sát các văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có các đạo luật do Quốc hội ban hành và các nghị định, thông tư do các bộ, ngành ban hành để hướng dẫn thi hành luật. Điểm quan trọng nhất hiện nay là chúng ta đã có quy định Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội và các thiết chế khác có quyền giám sát các văn bản trái pháp luật.
Trong Nghị định số 154/2020/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14.5.2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật), tại điểm b khoản 17 Điều 1 xác định 5 trường hợp văn bản trái pháp luật. Trong đó có văn bản ban hành không đúng thẩm quyền; văn bản có nội dung trái với Hiến pháp, trái với văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao hơn...
Với quy định này thì những văn bản tạo vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật đối với luật đó, với một dự án hoặc đối với một công trình nào đó thì có được coi là trái pháp luật hay không? Luật chỉ quy định 5 gạch đầu dòng, nhưng trong Nghị định hướng dẫn ra có khi lại thêm một vài chi tiết, dẫn đến việc không thực hiện được. Những trường hợp đấy có được coi đó là trái pháp luật hay không?
Do đó, hồn cốt của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND phải xác định được khái niệm, chỉ ra các đặc điểm nhận dạng của các văn bản trái pháp luật. Nếu với 5 nội dung quy định trong Nghị định 154/2020/NĐ-CP, tôi cho rằng chưa đủ để nhận diện được văn bản trái pháp luật. Chúng ta phải khơi thông để nhận diện được vấn đề này.
Trong dự thảo Luật lần này, cần sửa đổi theo hướng giao Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan chức năng của Quốc hội phải chủ động thực hiện giám sát chất lượng văn bản, cụ thể là các văn bản dưới luật, các nghị định có thống nhất với Luật đã ban hành hay không và có dẫn đến việc mâu thuẫn với các Luật, nghị định khác hay không? Như thế chúng ta mới chủ động cùng các cơ quan chức năng của Chính phủ tháo gỡ các nội dung dẫn đến ách tắc trong quá trình phát triển kinh tế; nếu cứ đợi trái pháp luật lúc đó mới giám sát hoặc hàng năm chọn một, hai chuyên đề để giám sát, thì rõ ràng chúng ta vẫn đang bị thụ động.
ĐBQH Lương Văn Hùng (Quảng Ngãi): Không nên quy định cứng số lượng đại biểu tham gia Đoàn giám sát chuyên đề tại địa phương
Tại khoản 1 Điều 52, dự thảo Luật quy định Đoàn giám sát phải có sự tham gia của lãnh đạo Đoàn (Trưởng đoàn hoặc Phó trưởng đoàn) và ít nhất 3 đại biểu. Quy định như vậy tôi cho là rất cứng nhắc và đề nghị xem xét lại để tạo điều kiện cho các Đoàn ĐBQH thực hiện giám sát chuyên đề ở địa phương khi cần thiết.
Thực tế, như Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi có 4 đại biểu ở địa phương nhưng đồng chí Trưởng đoàn thường hay đi công tác hoặc họp, chỉ Phó trưởng đoàn và 2 đại biểu kiêm nhiệm trong khi khối lượng công việc thực tế cũng rất nhiều. Do đó, mỗi khi thành lập Đoàn giám sát hoặc tổ chức các phiên họp mà có các thành viên trong Đoàn cũng rất khó khăn; chẳng lẽ lại mời các đại biểu chuyên trách ở Trung ương về để đủ số lượng thành viên tham gia các đoàn giám sát.
Hơn nữa, hiện nay có một số đại biểu của một số Đoàn ĐBQH đã nghỉ tham gia hoạt động ĐBQH, mà muốn thành lập Đoàn giám sát chuyên đề là rất khó. Do đó, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo xem lại nội dung này, không nên quy định “cứng” để tạo điều kiện cho các Đoàn ĐBQH thành lập được các đoàn giám sát chuyên đề tại địa phương khi cần thiết.
Liên quan đến nội dung xem xét báo cáo quy định tại Điều 59, dự thảo Luật, đề nghị sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1 của dự thảo Luật để thống nhất với quy định của điểm a khoản 1 Điều này và viết lại theo hướng: HĐND xem xét báo cáo công tác 6 tháng, hàng năm của Thường trực HĐND, các Ban HĐND, UBND, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, báo cáo giám sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam và cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp.
Về giám sát chuyên đề của HĐND quy định tại Điều 62, đề nghị xem xét sửa đổi, bổ sung khoản 1, điểm a khoản 2 vào dự thảo Luật và viết lại khoản 1, đó là căn cứ chương trình giám sát do HĐND ban hành Nghị quyết thành lập đoàn giám sát chuyên đề theo đề nghị của Thường trực HĐND. Nghị quyết của HĐND về việc thành lập đoàn giám sát phải xác định rõ đối tượng, phạm vi, nội dung, thời gian xem xét báo cáo giám sát của Đoàn giám sát. Thành phần Đoàn giám sát và cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát và Đoàn giám sát do Chủ tịch HĐND hoặc Phó Chủ tịch HĐND làm Trưởng đoàn, các thành viên khác gồm các Ủy viên của Thường trực HĐND, đại diện Ban của HĐND và một số đại biểu HĐND, đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp, tổ chức thành viên của Mặt trận và các cơ quan chuyên môn, chuyên gia được mời tham gia Đoàn giám sát. Với nội dung này, đề nghị bổ sung quy định về thời gian xem xét báo cáo giám sát của Đoàn giám sát và cơ quan chuyên môn tham gia Đoàn giám sát. Như vậy, sẽ bảo đảm các nội dung, yêu cầu đặt ra đối với các đoàn giám sát và hiệu quả cao hơn.
ĐBQH Lã Thanh Tân (Hải Phòng): Bổ sung nguyên tắc giám sát
Tại khoản 1 Điều 1 dự thảo Luật, tôi đề nghị lựa chọn phương án 1, theo đó bổ sung khoản 2a vào khoản 2 của Điều 3 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, bố cục nguyên tắc hoạt động giám sát bảo đảm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng và thực thi pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương thành một khoản riêng.
Với thiết kế này sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng cũng như quan điểm xây dựng luật theo tinh thần của Nghị quyết số 27-NQ/TW của Trung ương về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam trong giai đoạn mới. Đó là tiếp tục xây dựng Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, phát huy tính dân chủ, pháp quyền, hiện đại, chuyên nghiệp, khoa học, công khai, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả trong tổ chức, hoạt động và bảo đảm Quốc hội thực hiện tốt chức năng lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, giám sát tối cao về hoạt động của nhà nước.
Liên quan đến Khoản 6, Điều 1 của dự thảo Luật, đề nghị lựa chọn phương án 1. Theo đó, sửa đổi, bổ sung Khoản 2, Điều 13 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND về thời điểm xem xét báo cáo. Thực tế, dự thảo Luật cũng đã quy định cụ thể hơn so với Luật hiện hành. Về thời điểm xem xét đối với từng loại báo cáo và có quy định giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định thời điểm tổng hợp số liệu của các báo cáo sẽ thuận lợi hơn cho công tác thẩm tra cũng như bảo đảm tiến độ, chất lượng các báo cáo, nhất là các báo cáo về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước.
ĐBQH Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa - Vũng Tàu): Quy định thời điểm xem xét cụ thể cho từng loại báo cáo
Tại Điểm 2, Khoản 9, Điều 1 của dự thảo Luật có nêu, những vấn đề đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn hoặc giám sát chuyên đề khi chưa hết thời hạn thực hiện khắc phục hạn chế, bất cập trong Nghị quyết thì không tổ chức chất vấn. Tôi đề nghị bổ sung những vấn đề liên quan đến bí mật nhà nước. Bởi đây cũng là một trong những nội dung mà ĐBQH, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn ĐBQH và HĐND đã thấy rất rõ thời gian qua. Thực tế, có những nội dung chúng ta vừa tiến hành giám sát, những cũng vừa phải bảo vệ bí mật. Cho nên, đề nghị cần quy định nội dung này vào khoản 9, Điều 1 về những vấn đề liên quan đến bí mật nhà nước, làm căn cứ để nếu có bị lộ, lọt, mất hoặc có thể gây nguy hại đến an ninh quốc gia hoặc các vấn đề về kinh tế - xã hội của quốc gia thì có cơ sở để truy cứu trách nhiệm của những người có liên quan.
Về nguyên tắc bổ sung trong hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, tại Điều 3, dự thảo Luật đưa ra hai phương án, tôi chọn phương án 1, bổ sung khoản 2a riêng biệt vào khoản 2, Điều 3 để nhấn mạnh tầm quan trọng của nguyên tắc bổ sung này và giúp các cơ quan thực thi dễ dàng tham chiếu. Đồng thời, cũng khẳng định rõ tính định hướng quán xuyến của nguyên tắc này trong toàn bộ hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND; tránh gây hiểu nhầm, bảo đảm tính minh bạch trong quá trình thực thi pháp luật.
Liên quan đến Điều 13 về thời điểm Quốc hội xem xét, thảo luận các báo cáo, dự thảo Luật cũng đưa ra 2 phương án. Tôi chọn phương án 1, sửa đổi khoản 2 Điều 13 theo hướng quy định thời điểm xem xét cụ thể cho từng loại báo cáo. Phương án sẽ giúp Quốc hội linh hoạt hơn trong thảo luận và quyết định, đồng thời bảo đảm tận dụng tốt các báo cáo tổng kết năm của Chính phủ, bộ, ngành, tránh lãng phí nguồn lực và thời gian trong việc xây dựng các báo cáo. Việc quy định cụ thể thời điểm sẽ giúp nâng cao chất lượng và tính hiệu quả trong quá trình giám sát.
Về thẩm quyền của Quốc hội trong xem xét kết quả giám sát được dự thảo tại Điều 21, đối với việc bổ sung thẩm quyền của Quốc hội trong yêu cầu giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh, dự thảo Luật đưa ra 2 phương án. Tôi chọn phương án 1, theo đó sẽ sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 21, trong đó giao cho Quốc hội thẩm quyền yêu cầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành văn bản giải thích Hiến pháp, luật và pháp lệnh. Hiện nay, các văn bản pháp luật thường chỉ quy định những nội dung mang tính khái quát và khó bao quát hết các tình huống sẽ xảy ra trong thực tiễn. Do đó, việc quy định thêm nội dung yêu cầu về giải thích từ phía Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ giúp việc thực thi pháp luật trở nên thống nhất và rõ ràng hơn.