Phát biểu thảo luận tổ, đa số ĐBQH thành phố Hà Nội đánh giá, trên các cơ sở lịch sử, chính trị và thực tiễn, thành phố Huế đã bảo đảm các điều kiện trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đồng thời, thể hiện sự đồng tình tuyệt đối với chủ trương này, mong muốn Quốc hội sớm thông qua chủ trương để thành phố triển khai thực hiện.
Theo ĐBQH Nguyễn Anh Trí, nếu được Quốc hội thông qua, thành phố Huế trực thuộc Trung ương cần được phát triển trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.
Còn ĐBQH Nguyễn Thị Lan đề nghị, cần lượng hóa được sự đầu tư phát triển thiết chế văn hóa, hạ tầng giáo dục, y tế theo kịp tốc độ đô thị hóa, bảo đảm cân bằng giữa thành thị và nông thôn. Bên cạnh đó, công tác quy hoạch, bảo tồn lịch sử, văn hóa tại Huế cần hài hòa với phát triển đô thị; phát triển bền vững tự nhiên, đa dạng sinh học, khai thác, giữ gìn đầm phá, dòng sông...
Theo phân tích của ĐBQH Khuất Việt Dũng, Hải Phòng là trung tâm giáo dục, y tế và khoa học công nghệ của vùng duyên hải Bắc Bộ, là đầu mối giao thông quan trọng, kết nối các tuyến giao thông hàng hải quốc tế; nằm trong tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.
"Thành phố đã đạt được những thành tựu và kết quả quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao. Thực tiễn đó đã đặt ra yêu cầu cần tổ chức bộ máy chính quyền đô thị tinh gọn, hợp lý, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, công khai, minh bạch trong quản lý và phục vụ nhân dân tốt hơn", ĐBQH Khuất Việt Dũng nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ĐBQH Nguyễn Phương Thủy kiến nghị, Chính phủ cần nghiên cứu, đánh giá một cách toàn diện, tổng thể kết quả thực hiện tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại các địa phương trong thời gian qua. Qua đó, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương cho phù hợp với thực tế hiện nay. Đồng thời, triển khai các chính sách mang tính phổ biến, hiệu quả để thực hiện thống nhất mô hình chính quyền đô thị trong phạm vi cả nước.
Các ĐBQH thành phố Hà Nội cho rằng, việc ban hành quy định về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng để thực hiện chính thức, mà không qua thí điểm đã bảo đảm đầy đủ các cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn; hồ sơ dự thảo Nghị quyết cũng đáp ứng yêu cầu theo quy định, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét. Một số đại biểu đánh giá, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 45-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thành phố Hải Phòng đã đạt được những thành tựu quan trọng về kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, đời sống Nhân dân ngày càng được nâng cao.
Tuy nhiên, mô hình tổ chức chính quyền đô thị hiện nay chưa phù hợp với đặc điểm, tính chất của việc quản lý đô thị lớn, đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố trong giai đoạn mới. Điều này, đòi hỏi tổ chức một bộ máy chính quyền tinh gọn, hợp lý, hoạt động hiệu lực, hiệu quả phù hợp với yêu cầu thực tiễn đặt ra. Các nội dung của dự thảo nghị quyết phù hợp với chủ trương, định hướng của Đảng tại Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị, tuân thủ quy định của Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Bên cạnh đó, cho ý kiến vào Đề án về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương, các đại biểu thống nhất với Tờ trình của Chính phủ và cho rằng thành lập thành phố Huế trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế trong bối cảnh hiện nay có ý nghĩa hết sức quan trọng, thể hiện sự đổi mới đột phá trong tư duy về phát triển đô thị, góp phần thực hiện chủ trương phát triển đô thị bền vững theo hướng đô thị xanh, văn minh, giàu bản sắc, phù hợp cho từng vùng, miền và đầu tư phát triển các đô thị có giá trị về di sản, du lịch.