Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, TS. Nguyễn Văn Hiển chủ trì hội thảo.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển cho biết, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đã qua 4 lần sửa đổi, bổ sung để xử lý các bất cập phát sinh trong thực tiễn và phù hợp với yêu cầu quản lý thuế từng giai đoạn. Qua 16 năm thực hiện, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đã đạt được các kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, quá trình tổng kết đánh giá tình hình thực hiện luật đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc; đặc biệt nhiều chính sách, luật liên quan được ban hành mới, do đó, đặt ra yêu cầu phải sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) gồm 4 chương, 12 Điều. Dự thảo luật đã bám sát theo 7 nhóm chính sách tại hồ sơ lập đề nghị xây dựng dự án luật đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội đồng ý thông qua, gồm hoàn thiện các quy định về: đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt; đối tượng không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt; căn cứ tính thuế tiêu thụ đặc biệt; giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt; thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt; hoàn thuế, khấu trừ thuế tiêu thụ đặc biệt; điều khoản thi hành.
Tại hội thảo, các đại biểu tán thành việc sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm hoàn thiện quy định về chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt để mở rộng cơ sở thu; bảo đảm tính minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện luật nhằm góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả của hoạt động quản lý thuế trong phòng, chống trốn thuế, ổn định nguồn thu ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, cần tính toán mức tăng thuế phù hợp, không gây cú “sốc”, “khó chồng khó” vì một số bộ phận doanh nghiệp và người lao động vẫn đang rất khó khăn sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; tránh tăng thuế quá nhanh, gây tác dụng phụ là trốn thuế.
Về trường hợp quá hạn tái xuất, tái nhập phải nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, điểm c khoản 3 Điều 3 dự thảo Luật quy định “Hàng tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu và tạm xuất khẩu, tái nhập khẩu không phải nộp thuế nhập khẩu, thuế xuất khẩu trong thời hạn theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Trường hợp quá thời hạn tái xuất, tái nhập thì tổ chức, cá nhân kinh doanh phải nộp thuế tiêu thụ đặc biệt”.
Một số ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể hơn thời hạn quá hạn tái xuất khẩu, nhập khẩu là trong thời gian bao lâu so với quy định thì phải nộp thuế tiêu thụ đặc biệt. Trong trường hợp bất khả kháng như tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh... xảy ra hoặc do cá nhân chủ hàng hóa bị mắc bệnh hiểm nghèo mà quá thời hạn tái xuất, tái nhập thì tổ chức, cá nhân kinh doanh có phải nộp thuế tiêu thụ đặc biệt hay không?
Kết luận hội thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển ghi nhận các ý kiến thảo luận đã góp ý thẳng thắn, toàn diện vào các điều khoản cụ thể, chính sách cơ bản nhằm tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật; cho biết, nội dung góp ý sẽ được nghiên cứu, tổng hợp đầy đủ trong quá trình thẩm tra dự án luật.
Theo chương trình, dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Tám tới.