Cần tính toán kỹ lưỡng

- Thứ Sáu, 19/02/2021, 08:36 - Chia sẻ
Một trong những đề xuất đáng chú ý tại Dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) là Bộ Công an kiến nghị bổ sung tội danh sử dụng trái phép chất ma túy; đồng thời đề xuất các cơ quan chức năng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý và đưa người đi cai nghiện.

Năm 2020, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã trực tiếp, chủ trì, phối hợp các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ 24.548 vụ, 36.404 đối tượng phạm tội về ma túy; thu giữ hơn 738kg heroin; 3,4 tấn cùng hơn 2 triệu viên ma túy tổng hợp; 255kg cần sa… So với cùng kỳ 2019, tăng 12,85% số vụ (vượt hơn 9% so với chỉ tiêu Chương trình công tác năm 2020 đề ra), tăng 9,15% số đối tượng.

Thực tiễn công tác đấu tranh phòng chống tội phạm về ma tuý cũng cho thấy, do dịch bệnh Covid-19 nên đường đi các nước bị gián đoạn, kiểm soát chặt chẽ, nên các đối tượng chuyển sang vận chuyển ma túy trên tuyến đường biển. Các đối tượng này thường xuyên thay đổi quy luật hoạt động, cầm đầu là các đối tượng người Đài Loan (Trung Quốc), các đối tượng gốc Phi dưới sự điều hành của các tổ chức tội phạm ma túy quốc tế, cấu kết với các đối tượng ở các trung tâm ma túy “Tam giác vàng”, “Lưỡi liềm vàng” hình thành các đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy về Việt Nam và các nước Đông Nam Á. Các đối tượng chủ mưu cầm đầu không trực tiếp vận chuyển ma túy mà điều hành, phân chia các công đoạn khác nhau để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng; thành lập các Công ty xuất nhập khẩu bình phong, thuê các kho hàng tại các tỉnh miền Trung, Nam để tập kết ma túy, thủ đoạn cất giấu tinh vi lẫn trong các loại hàng hóa thông thường như hạt nhựa, thiết bị điện tử, hàng thủ công mỹ nghệ, sau đó ủy thác “lòng vòng” cho các Công ty logistics làm thủ tục xuất nhập khẩu để vận chuyển ma túy đi các nước.

Trong khi đó, tình trạng sử dụng trái phép chất ma túy, đặc biệt là ma túy tổng hợp tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự và dịch vụ nhạy cảm như vũ trường, quán bar, khách sạn, nhà nghỉ... khó kiểm soát. Trong thời gian qua, lực lượng chức năng phát hiện nhiều quán bar, karaoke có khách sử dụng ma túy trái phép. Phần lớn những người tham gia sử dụng ma túy chỉ bị xử phạt hành chính. Theo Nghị định số 167/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình thì hành vi sử dụng trái phép chất ma túy bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng.

Trước thực tế này, Bộ Công an đề xuất Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), trong đó kiến nghị bổ sung tội danh sử dụng trái phép chất ma túy; đồng thời đề nghị các cơ quan chức năng phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý và đưa người đi cai nghiện. Đây là đề xuất cần được tính toán kỹ lưỡng, trong đó cần phải tính đến các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết như: Công ước thống nhất về các chất ma túy năm 1961; Công ước về các chất hướng thần năm 1971 và Công ước của Liên Hợp Quốc về chống buôn bán bất hợp pháp các chất ma túy và các chất hư­ớng thần năm 1988... Hơn nữa, liên quan đến vấn đề này, rất nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng xu hướng phi hình sự hóa - không áp dụng hình phạt; y tế hoá - coi việc sử dụng và lệ thuộc ma túy là vấn đề y tế chứ không chỉ là vấn đề tội phạm.

Nguyễn Minh