Đề xuất tăng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội

Cần thiết và phù hợp

- Thứ Năm, 25/03/2021, 07:08 - Chia sẻ
Theo Dự thảo Nghị định điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng, từ ngày 1.1.2022, sẽ điều chỉnh tăng thêm 15% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng của tháng 12.2021. Dự thảo đang được lấy ý kiến của nhiều bộ, ban, ngành. Không ít ý kiến cho rằng, mức tăng này vừa bảo đảm phù hợp với thành quả phát triển kinh tế của đất nước vừa giải quyết được các yếu tố lạm phát, trượt giá và chăm lo đầy đủ cho mọi đối tượng.

Duy trì giá trị của lương hưu, trợ cấp

Theo dự thảo Nghị định, dự kiến sẽ có 8 nhóm đối tượng được thụ hưởng từ chính sách này, đồng thời, người có mức lương hưu, trợ cấp mất sức lao động và trợ cấp hàng tháng sau khi điều chỉnh theo quy định nhưng vẫn thấp hơn 2.500.000 đồng/tháng thì có mức điều chỉnh bổ sung. Cụ thể, tăng thêm 200.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức lương hưu, trợ cấp hàng tháng từ 2.300.000 đồng/người/tháng trở xuống; tăng lên bằng 2.500.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức lương hưu, trợ cấp hàng tháng từ 2.300.000 đồng/người/tháng đến dưới 2.500.000 đồng/người/tháng.

	Lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hàng tháng dự kiến tăng thêm 15 % từ 1.1.2022.
Lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hàng tháng dự kiến tăng thêm 15 % từ 1.1.2022.

Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Huy Hưng lý giải, theo thống kê, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam năm 2020 là 3.521 USD/người/năm (tương đương 6,7 triệu đồng/tháng), năm 2021 dự kiến là 3.700 USD/người/năm (tương đương 7 triệu đồng/tháng). Mức lương tối thiểu vùng năm 2021 bình quân là 3,71 triệu đồng/tháng. Mức chuẩn nghèo của giai đoạn 2022 - 2025 là dưới 2 triệu đồng/tháng ở khu vực thành thị và dưới 1,5 triệu đồng/tháng ở khu vực nông thôn. Do đó, mức 2,5 triệu đồng/tháng bằng 36% mức thu nhập bình quân đầu người của năm 2021 và bằng 67,4 % mức lương tối thiểu vùng.

Như vậy, mức đề xuất tăng 15% nhằm bảo đảm bù đắp trượt giá để duy trì giá trị của khoản lương hưu, trợ cấp hiện hưởng của người thụ hưởng, do tác động từ yếu tố lạm phát và chia sẻ một phần thành quả từ phát triển kinh tế của 3 năm trước và do trong năm 2020, 2021 không thực hiện điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội. Ông Nguyễn Huy Hưng cũng nêu một bằng chứng khác để làm rõ tính hợp lý của dự thảo đó là mức điều chỉnh trong dự thảo vẫn thấp hơn mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH trong 3 năm 2019, 2020 và năm 2021 (khoảng gần 17%), phù hợp với tốc độ tăng trưởng đầu tư của quỹ BHXH.

Hơn 3,6 triệu người được thụ hưởng

Theo đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, nếu được thông qua, số đối tượng được điều chỉnh từ nguồn ngân sách nhà nước chi trả ước tính là 896.823 người, dự kiến kinh phí tăng thêm trong năm 2022 là 47.226 tỷ đồng (bao gồm cả khoản đóng bảo hiểm y tế). Số đối tượng được điều chỉnh từ nguồn Quỹ BHXH chi trả ước tính là 2.283.819 người, dự kiến kinh phí tăng thêm trong năm 2022 là 168.045 tỷ đồng.

Theo dự thảo Nghị định, nhóm cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động, quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hàng tháng; nhóm người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng theo quy định của pháp luật; nhóm người đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng... thuộc danh sách 8 nhóm đối tượng được tăng 15% lương hưu, trợ cấp BHXH. Tất cả các nhóm đối tượng này đều có Quyết định và văn bản hướng dẫn hưởng trợ cấp đi kèm.

Bên cạnh đó, quy định điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng đối với nhóm đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995 và có mức lương hưu đang hưởng thấp hơn 2,5 triệu đồng/tháng, sẽ áp dụng cho khoảng 426.000 người. Dự kiến, kinh phí tăng thêm nếu thực hiện điều chỉnh từ ngày 1.1.2022 là 700 tỷ đồng. Như vậy, dự thảo đã điều chỉnh tăng lương và trợ cấp cho 3.606.642 đối tượng thuộc 8 nhóm.

Đồng tình với đề xuất tăng lương tại dự thảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân chỉ ra rằng, trong lương hưu có 2 nhóm, 1 nhóm về hưu từ ngày 1.1.1995 trở lại đây là do Quỹ Bảo hiểm xã hội chi trả, nhóm thứ 2 về hưu trước đó do ngân sách chi trả. Nếu cân đối được để điều chỉnh thì rất đáng quý trong hoàn cảnh hiện nay.

Ngoài ra, ông Huân cũng cho rằng, tại thời điểm nền kinh tế đang phục hồi, việc tăng 15% cho 8 nhóm đối tượng là hợp lý, nhưng Chính phủ cần hết sức quan tâm tới chế độ và lương cho nhóm đang công tác, bởi đây chính là nguồn lực chính giúp thúc đẩy phát triển và phục hồi nền kinh tế sau dịch Covid-19. Cùng với đó, các ngành chức năng cần có lộ trình hành động cụ thể để bảo đảm tốc độ tăng trưởng đầu tư của quỹ Bảo hiểm xã hội, có như vậy việc tăng lương hưu và trợ cấp mới có thể diễn ra theo đúng dự thảo và không trở thành gánh nặng với ngân sách.

Chung quan điểm, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội Nguyễn Thị Lan Hương cho rằng, việc tăng lương cho bất cứ nhóm đối tượng nào cũng đều đáng quý. Việc tăng 15% cho 8 nhóm đối tượng tại thời điểm ngày 1.1.2022 có lẽ cũng phù hợp vì khi đó tình hình kinh tế đã bước đầu được phục hồi.

Tùng Dương