Cần thiết phải sửa luật?

- Thứ Ba, 20/04/2021, 06:30 - Chia sẻ
Theo số liệu của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, hiện số người tham gia bảo hiểm xã hội đạt 16,03 triệu người, bằng 90,9% chỉ tiêu giao. Số người còn phải phát triển đến cuối năm để đạt chỉ tiêu là 1,6 triệu người. Tuy nhiên tính đến hết tháng 12.2020, cả nước vẫn còn gần 32 triệu người trong độ tuổi lao động, chiếm tỷ lệ 66,5% chưa tham gia bảo hiểm xã hội. Chính vì lý do này mà mới đây, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã kiến nghị sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội 2014.

Bởi theo phân tích thì ngoài 66,5% người trong độ tuổi lao động chưa tham gia bảo hiểm xã hội còn có 9,2 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu, chiếm 65% chưa tham gia bảo hiểm xã hội hoặc chế độ an sinh khác. Trong khi đó, độ bao phủ tăng chậm, số lượng hưởng một lần tăng nhanh do điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần khá dễ dàng. Đó là sau một năm không làm việc, không tham gia bảo hiểm xã hội, người lao động có thể hưởng bảo hiểm xã hội một lần với mức hưởng bằng 1,5 tháng lương cho mỗi năm tham gia bảo hiểm xã hội trước năm 2014 và 2 tháng lương cho mỗi năm tham gia sau đó.

Theo tính toán, với mức đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất 8% tiền lương từ phía người lao động, một năm đóng 0,96 tháng lương thì việc hưởng 2 tháng lương khi nhận bảo hiểm xã hội một lần được xem như là có lãi. Ngoài ra, việc phải chờ quá lâu để hưởng hưu trí cũng khiến người lao động mong muốn được nhận bảo hiểm xã hội một lần để đáp ứng các nhu cầu trước mắt. Bên cạnh đó, quy định điều kiện về thời gian tối thiểu được hưởng lương hưu quá chặt chẽ dẫn đến số người đang tham gia rời bỏ hệ thống bảo hiểm xã hội trước tuổi nghỉ hưu còn lớn. Do vậy, việc đề xuất sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội là cần thiết trong bối cảnh hiện nay...

Đây có thể là những lý do căn bản. Thực tế, những khó khăn trong mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội còn thể hiện ở nhiều khía cạnh khác. Đó là hệ thống chính sách, pháp luật chưa theo kịp tình hình phát triển kinh tế - xã hội, chưa thích ứng với quá trình già hóa dân số và sự xuất hiện các quan hệ lao động mới. Việc mở rộng và phát triển đối tượng tham gia còn dưới mức tiềm năng; quỹ hưu trí và tử tuất có nguy cơ mất cân đối trong dài hạn. Đặc biệt, chính sách bảo hiểm thất nghiệp chưa thực sự gắn với thị trường lao động, mới tập trung nhiều cho khu vực chính thức, chưa có chính sách phù hợp cho khu vực phi chính thức.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế này, tuy vậy, nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Đó là sự chỉ đạo, lãnh đạo của một số cấp ủy, chính quyền còn thiếu quyết liệt. Năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước còn thấp; tính tuân thủ pháp luật chưa cao. Nhận thức của một bộ phận người lao động, người sử dụng lao động về vai trò, mục đích, ý nghĩa của bảo hiểm xã hội chưa đầy đủ. Hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm còn bất cập; việc thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật chưa thật sự tạo được sự tin cậy để thu hút người lao động tham gia...

Do vậy, để mục tiêu Nghị quyết số 28-NQ/TW đã đề ra là giai đoạn đến năm 2025 đạt khoảng 45%, giai đoạn đến năm 2030 đạt khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội, ngoài giải quyết những "nút thắt" nói trên, những việc có thể làm ngay là giải quyết dứt điểm tình trạng chủ doanh nghiệp cố tình không đóng bảo hiểm xã hội dù vẫn trích 8% tiền lương của người lao động. Các tổ chức đại diện cho người lao động phải đấu tranh, đòi hỏi quyền lợi hợp pháp và chính đáng cho người lao động. Đặc biệt, việc thanh tra, kiểm tra phải thường xuyên liên tục hơn và phải xử lý đến nơi, đến chốn những trường hợp vi phạm.

Linh Trang