Liệt kê quá chi tiết có dẫn đến thiếu hoặc không đáp ứng thực tiễn?
Tại phiên họp chiều 28.9, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Năm quy định theo hướng vừa có tính khái quát, vừa cụ thể về các trường hợp thu hồi đất để xây dựng các dự án, công trình phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, không phân biệt về nguồn vốn, mà khi xem xét tổng thể dự án thì lợi ích quốc gia, công cộng là lợi ích chi phối cần cho sự phát triển của đất nước, của địa phương, đồng thời, phục vụ lợi ích chung của cộng đồng. Việc quy định về các trường hợp thu hồi đất tại luật là cụ thể hóa quy định tại Điều 54, Hiến pháp năm 2013 về “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định”.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, quy định theo hướng liệt kê các trường hợp thu hồi đất có ưu điểm là rõ ràng cho việc áp dụng thực hiện; đồng thời, khống chế các trường hợp thu hồi đất, bảo đảm chỉ thu hồi đất trong các trường hợp luật định, không thu hồi đất tràn lan. Tuy nhiên, quy định theo hướng liệt kê cũng có hạn chế là không dự liệu được những trường hợp thu hồi đất khác để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
Vừa liệt kê cụ thể, lại vừa có điều khoản quét bao quát hết các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, thì việc liệt kê cụ thể có cần thiết hay không? Đặt câu hỏi này, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết, liệt kê quá chi tiết các trường hợp thu hồi đất có thể dẫn đến thiếu hoặc không đáp ứng được sự vận động thay đổi hàng ngày của đời sống kinh tế - xã hội. Cách quy định này cũng sẽ khiến luật dễ bị lạc hậu so với thực tiễn, phải thường xuyên sửa đổi.
Tán thành với việc quy định các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, tuy nhiên, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị, cần tiếp tục rà soát, làm rõ từng trường hợp mới được bổ sung so với quy định trước đây, để bảo đảm chặt chẽ.
Tổng Thư ký Quốc hội nêu ví dụ, trường hợp thu hồi đất để xây dựng công trình kho, bãi, nhà để xe ô tô, các kết cấu khác phục vụ công trình giao thông - vận tải tại Khoản 1, Điều 79 hoặc các công trình sự nghiệp khác tại Khoản 20, Điều 79. Trong khi, kết cấu khác phục vụ công trình giao thông - vận tải hay công trình sự nghiệp khác lại không rõ ràng, cũng không giao Chính phủ quy định chi tiết, hay dẫn chiếu với các luật khác, thì làm thế nào để các tuyến giao thông có tiềm năng phát triển trong trường hợp thu hồi đất để thực hiện dự án kết cấu hạ tầng vùng phụ cận, điểm tiếp nối giao thông các tuyến giao thông có tiềm năng phát triển? - Tổng Thư ký Quốc hội đặt câu hỏi.
Cho rằng rất khó để liệt kê đầy đủ, dự liệu được các trường hợp thu hồi đất phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, nên cần thiết có một điều quét như trong dự thảo Luật, tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh yêu cầu "vẫn phải có khóa, có van, rất chặt chẽ".
Giải trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh nêu rõ, phương án tối ưu nhất là phương án liệt kê, tuy nhiên, vẫn cần có một điều quét, để lỡ có những trường hợp phát sinh trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hơn nữa, các đại biểu Quốc hội cũng mong muốn liệt kê cụ thể các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng nhằm gắn với tình hình thực tiễn tại địa phương. Tiếp thu ý kiến tại Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đề nghị, nên có thêm một điều quét nữa là: “nằm trong quy hoạch được phê duyệt, kế hoạch được phê duyệt”.
Kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Ủy ban Kinh tế tiếp tục chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Pháp luật cũng như các cơ quan hữu quan tiếp tục rà soát kỹ lưỡng dự thảo Luật, bảo đảm thể chế hóa đầy đủ chủ trương lớn của Đảng về quản lý, sử dụng đất đai, đặc biệt là các quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp được nêu tại Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng đất; tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Trong đó, tập trung vào 8 nhiệm vụ và giải pháp nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý và sử dụng đất đồng bộ, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm hoàn thành mục tiêu đến năm 2023 hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và một số luật liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh nguyên tắc thể chế hóa những vấn đề đã chín, đã rõ và có quyết sách của Trung ương. Trường hợp đặc biệt với những nội dung chưa được tổng kết, chưa được đề cập trong Nghị quyết 18, nhưng đến nay thực tiễn phát sinh đòi hỏi cần có cơ chế xử lý và quá trình nghiên cứu, đánh giá tác động cho thấy có cơ sở, Chính phủ nhận định cần thiết bổ sung quy định thì đề nghị Ban Cán sự đảng Chính phủ có ý kiến chính thức để báo cáo cấp có thẩm quyền.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng đề nghị, tiếp tục nghiên cứu giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ Năm, ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, ý kiến của Ủy ban Thường vụ tại Phiên họp thứ 25, 26 để hoàn thiện các quy định cụ thể của dự thảo Luật, nhất là những nội dung quan trọng liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các trường hợp thu hồi để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất; đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất; phát triển, quản lý và khai thác quỹ đất, tài chính đất đai và giá đất.