Mua bán điện trực tiếp

Cần thị trường riêng cho truyền tải điện ?

- Thứ Bảy, 17/04/2021, 10:57 - Chia sẻ
Điện từ năng lượng tái tạo đã đi đầu trong thực hiện thí điểm mua bán trực tiếp giữa tổ chức cá nhân sở hữu nguồn điện và tổ chức, doanh nghiệp sử dụng điện. Cách làm này sẽ góp phần thúc đẩy hình thành và vận hành thị trường điện cạnh tranh. Đồng thời, tăng cường và mở rộng năng lực sử dụng các nguồn điện tái tạo.
Nếu giá điện qua mua bán trực tiếp cộng cả phí truyền tải mà bằng hoặc cao hơn giá cũ thì việc thí điểm sẽ chẳng có ý nghĩa gì.
(Ảnh minh họa nguồn: nld.com.vn)

Việc Bộ Công thương lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo Thông tư quy định thực hiện thí điểm mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện tiến rất gần với việc ban hành quy định hướng dẫn thực thi. Công khai lấy ý kiến là theo quy định quy trình xây dựng văn bản pháp luật. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực đặc thù, chuyên môn hóa cao, phạm vi đối tượng áp dụng hẹp và chủ yếu tác động đến các tổ chức, cá nhân sở hữu nguồn điện và doanh nghiệp sử dụng năng lượng điện tái tạo. Vì vậy, việc lấy ý cần tập trung vào đối tượng chịu sự tác động quy định của thông tư. Lấy ý kiến kỹ lưỡng, thực chất và chuyên sâu. Đây là nhóm đối tượng sẽ có nhiều ý kiến, kiến nghị bảo vệ quyền lợi của họ.

Theo các chuyên gia, để việc thí điểm khả thi, cần có sự tính toán cụ thể và minh bạch cơ chế bù trừ giữa các bên, các khoản phí như phí sản xuất điện, phí truyền tải, phí phân phối và dịch vụ…; đồng thời cần có hành lang pháp lý hoàn chỉnh với các quy chế, các điều khoản khi xảy ra tranh chấp. Những vấn đề chuyên môn như vậy cần được trao đổi dự liệu kỹ lưỡng. Không chỉ “người mua, kẻ bán” mà còn qua khâu “trung gian” truyền tải, vận hành lưới điện cũng phải bàn thảo. Phải chăng cần thị trường riêng cho truyền tải mới minh bạch được giá? Nếu ký hợp đồng bán điện trực tiếp từ bên bán với bên mua mà vẫn kinh doanh trên hạ tầng của ngành điện thì vẫn bị phụ thuộc, có thể bị "nhà đèn" ép nâng chi phí và như vậy bản chất mua bán điện không thay đổi nhiều.

Rõ ràng minh bạch giá truyền tải vận hành nguồn điện như thế nào rất quan trọng trong quá trình thí điểm. Điều này phải được quy định ngay trong văn bản phục vụ thí điểm với các bước dần hình thành cạnh tranh cả lĩnh vực truyền tải điện. Tránh việc minh bạch, bình đẳng, trực tiếp chỗ này nhưng lại thắt nút, độc quyền chỗ khác. Từ nguồn điện đến người sử dụng phải là hệ thống minh bạch, thông suốt. Và nếu giá điện qua mua bán trực tiếp cộng cả phí truyền tải mà bằng hoặc cao hơn giá cũ thì việc thí điểm sẽ chẳng có ý nghĩa gì.

Như vậy, song song với quá trình thí điểm cần nghiên cứu đầu tư hệ thống truyền tải điện đồng bộ, hiện đại, cạnh tranh. Bộ Công thương cần nghiên cứu xử lý minh bạch vấn đề truyền tải điện phục vụ cho mua bán điện trực tiếp. Điều này sẽ góp phần quyết định vào thành công của việc thực hiện thí điểm mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng gió, năng lượng điện mặt trời với khách hàng sử dụng điện. 

Theo dự thảo Thông tư quy định thực hiện thí điểm mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện: Đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo là các tổ chức, cá nhân sở hữu dự án nhà máy điện nối lưới sử dụng công nghệ phát điện từ sức gió hoặc bức xạ mặt trời, có công suất lắp đặt lớn hơn 30 MW, đã có trong quy hoạch phát triển điện lực được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, có thỏa thuận nguyên tắc ràng buộc với khách hàng sử dụng điện để bán điện và được lựa chọn theo quy định được tham gia thí điểm mua bán điện trực tiếp. Việc thí điểm mua bán điện trực tiếp được thực hiện trên phạm vi toàn quốc với tổng công suất các dự án phát điện năng lượng tái tạo được lựa chọn tham gia không quá 1.000 MW.

 

Thanh Hà