Cần thảo luận chuyên sâu về hoàn thiện thể chế

- Thứ Bảy, 14/11/2020, 06:41 - Chia sẻ
Hoàn thiện thể chế là một trong 3 khâu đột phá để phát triển kinh tế - xã hội đã được xác định trong các nghị quyết của Đảng. Tuy nhiên, còn có khoảng cách giữa yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội với công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật.

Tôi hoan nghênh và đánh giá rất cao việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu kiến nghị của các đại biểu Quốc hội, yêu cầu Chính phủ, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Tòa án Nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước rà soát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý và có báo cáo chi tiết gửi đến các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ Mười. Các Ủy ban của Quốc hội cũng đã tiến hành thẩm tra các báo cáo này, đánh giá sâu sắc và khá toàn diện bức tranh xây dựng pháp luật của nước ta.

Phải nói rằng, hệ thống pháp luật của nước ta đến nay tương đối đầy đủ, điều chỉnh toàn diện các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Phần lớn các văn bản quy phạm pháp luật có chất lượng tốt, bảo đảm tính đồng bộ, tính thống nhất, tính khả thi, công khai, minh bạch và đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực tiễn. Quy trình ban hành xây dựng văn bản pháp luật ngày càng được cải tiến. Công tác thi hành pháp luật được chính quyền quan tâm.

Nhưng đúng như nhận định được nêu trong các báo cáo của Chính phủ, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Tòa án Nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước và các cơ quan của Quốc hội, hệ thống pháp luật của chúng ta còn cồng kềnh, phức tạp với số lượng lớn văn bản dưới luật, nhất là văn bản của các bộ, cơ quan ngang bộ. Một số quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn, tính khả thi không cao. Một số quy định và việc tổ chức thực hiện, thi hành pháp luật còn rất nhiều tồn tại và bất cập.

Chúng ta đã có Nghị quyết 48 của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật từ rất sớm nhưng việc thực hiện Nghị quyết, triển khai tầm nhìn và chiến lược xây dựng pháp luật vẫn còn nhiều khoảng cách giữa yêu cầu của thực tiễn và công tác xây dựng pháp luật. Chúng ta còn lúng túng, bị động trong hoạch định chính sách, đề xuất Quốc hội xem xét, ban hành các luật, nghị quyết. Ví dụ, tại kỳ họp này, Quốc hội vừa bàn về dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh, trong đó có vấn đề thành phố trong thành phố. Thực ra, vấn đề này đã được đặt ra trong quá trình Quốc hội sửa đổi Hiến pháp năm 2013 chứ không phải đến nhiệm kỳ này, kỳ họp này mới đặt ra. Nếu chúng ta chủ động, có tầm nhìn, xác định trình Quốc hội xây dựng một luật về chính quyền đô thị thì chắc chắn những vấn đề xây dựng chính quyền đô thị của thành phố Hà Nội, chính quyền đô thị của TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng hoặc sắp tới có thể còn có các địa phương khác sẽ chủ động hơn, bảo đảm nguyên tắc nhà nước pháp quyền tốt hơn.

Việc nghiên cứu chiến lược và nghiên cứu lý luận về nhà nước pháp quyền, về kiểm soát quyền lực, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tôi cho rằng cũng chưa được thỏa đáng. Những vấn đề về luật công, luật tư, luật chung, luật chuyên ngành chưa rạch ròi. Hệ thống mô hình pháp luật của chúng ta chưa khoa học, chưa rành mạch. Ví dụ, trong kỳ họp này, Quốc hội bàn về việc sửa đổi Luật Giao thông đường bộ, Chính phủ đề nghị tách phạm vi điều chỉnh của Luật Giao thông đường bộ hiện hành để điều chỉnh trong 2 dự án Luật là dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ và dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi). Nhiều ý kiến cho rằng như vậy sẽ không bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật. Đây là những vấn đề chúng ta phải có giải pháp khắc phục.

Cùng với đó là khâu tổ chức thực thi pháp luật còn nhiều tồn tại, bất cập. Hệ thống pháp luật của chúng ta như nhận định, đánh giá của Chính phủ cũng như báo cáo của các cơ quan thẩm tra của Quốc hội là đã tương đối hoàn chỉnh. Tuy nhiên, việc tổ chức thực thi pháp luật chưa nghiêm, chưa rõ trách nhiệm, các hình thức xử lý thiếu tính ổn định. Chúng ta cứ cho rằng những tồn tại, thiếu sót là do các quy định về xử lý vi phạm chưa nghiêm, chế tài chưa cao. Tôi cho rằng không phải hoàn toàn như vậy.

Từ những vấn đề trên đây, tôi đề nghị, gắn với việc thảo luận, góp ý các Dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng và chuẩn bị cho việc tổng kết nhiệm kỳ Khóa XIV, Quốc hội nên tổ chức thảo luận chuyên sâu về vấn đề này để chúng ta có đánh giá toàn diện, đầy đủ về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong giai đoạn tới.

ĐBQH Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương)