Cần tạo cơ chế chính sách để thu hút đầu tư vào ngành điện

Bài và ảnh: Mai Phương 20/08/2024 13:30

Sáng 20.8, tại Hà Nội, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức Tọa đàm “Đột phá nào để thu hút đầu tư vào ngành điện”. Dự Tọa đàm có: Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu; nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Tiến Thỏa; chuyên gia năng lượng, PGS.TS Bùi Xuân Hồi và đại diện doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh điện TKV.

Khẳng định tầm quan trọng của điện năng

Tại Tọa đàm, các chuyên gia trao đổi, hệ thống hóa, phân tích, kiến giải về vấn đề thu hút đầu tư vào ngành điện, nhất là cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, cơ cấu giá và cách tính giá thành điện khi bán ra hiện nay; việc thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ giá điện trong nền kinh tế thị trường...

Cần tạo cơ chế chính sách để thu hút đầu tư vào ngành điện -0
Toàn cảnh buổi Tọa đàm 

Là sản phẩn hàng hóa đặc thù, được coi như đầu vào của mọi đầu vào, điện năng có vai trò và ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội và phục vụ đời sống dân sinh, bảo đảm an ninh - quốc phòng của đất nước.

Nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của điện năng đối với phát triển kinh tế và xã hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn nhất quán quan điểm và yêu cầu "phải đảm bảo điện năng trong mọi tình huống" và đã có những chỉ đạo hết sức quyết liệt, đồng bộ, ban hành nhiều văn bản, chỉ đạo rất sát sao cả cấp bách và lâu dài cho vấn đề bảo đảm điện năng, trong đó có nhiệm vụ đặc biệt quan trọng là thúc đẩy đầu tư, đa dạng hóa nguồn lực đầu tư vào sản xuất, cấp phát, phân phối điện. Các nhà đầu tư cũng yên tâm đầu tư lâu dài cho ngành điện của nước ta.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi còn không ít khó khăn, trong đó “nút thắt” lớn nhất là trong cơ cấu giá thành, cách tính giá điện như hiện nay chưa hợp lý, còn dưới giá thị trường trong bối cảnh giá đầu vào của ngành điện như than, dầu, khí luôn biến động. Với hiện trạng ngành điện hiện nay, các nguồn điện giá rẻ đã cơ bản hết tiềm năng phát triển, trong quy hoạch điện VIII, Việt Nam tập trung phát triển mạnh điện khí và điện gió ngoài khơi. Đây là hai loại hình có giá thành khá cao, đòi hỏi huy động lượng vốn lớn.

Thực tế cho thấy, EVN đã có những nỗ lực để hạ chi phí giá thành sản suất kinh doanh, tuy nhiên, giá điện chưa hợp lý đã khiến ngành điện không có đủ nguồn lực để đầu tư, phát triển nhằm giảm giá thành sản xuất, truyền tải, phân phối; khó thu hút mạnh được được nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào ngành điện... Đây là một thách thức rất lớn khiến ngành điện phải tập trung ứng phó và xử lý. Vì vậy, bài toàn đặt ra trong vấn đề thu hút đầu tư vào ngành điện là gì, nhất là những nội dung về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, cơ cấu giá và cách tính giá thành điện khi bán ra hiện nay; việc thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ giá điện trong nền kinh tế thị trường.

Cốt lõi vẫn hoàn thiện đồng bộ thể chế và điều hành giá

Ở góc nhìn lập pháp, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu khẳng định ngành điện có vai trò, vị trí rất quan trọng trong phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, đời sống Nhân dân. Ngành này không chỉ quan trọng ở riêng nước ta mà quan trọng ở mọi quốc gia. Tuy nhiên, qua theo dõi cho thấy chính sách của chúng ta ổn định quá. Luật Điện lực có từ năm năm 2004, sửa đổi năm 2012; Quyết định số 28 về giá bán điện năm 2014… nhưng thực tế, ngành điện thay đổi rất nhanh chóng, nên sự ổn định là chậm thay đổi. Chúng ta cải cách rất mạnh về thu hút đầu tư thị trường phát điện, mua điện bán buôn nhưng chậm cải cách về bán lẻ thì rõ ràng không đồng bộ. Đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay cần phải hoàn thiện về cơ chế để có công cụ thúc đẩy bền vững, ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh.

Cần tạo cơ chế chính sách để thu hút đầu tư vào ngành điện -0
Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu

Ở góc nhìn khác, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Tiến Thỏa cho rằng phải cải cách căn bản về giá, giá điện chưa thực hiện theo cơ chế thị trường. Chúng ta muốn phải tính đúng, tính đủ, bảo đảm bù đắp chi phí nhưng phải khuyến khích thu hút đầu tư, phải đảm bảo an sinh xã hội, phải bảo đảm an ninh năng lượng, kiểm soát lạm phát. Rất nhiều mục tiêu, có những mục tiêu ngược chiều nhau. Xử lý các mục tiêu đó rất khó hài hòa, không bảo đảm được mong muốn mà chúng ta đặt ra. Do đó, phải có tính toán hợp lý vai trò của giá điện, cái nào là mũi nhọn.

Cần tạo cơ chế chính sách để thu hút đầu tư vào ngành điện -0
Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Tiến Thỏa

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế năng lượng, PGS.TS Bùi Xuân Hồi nhấn mạnh vấn đề quan trọng nhất nằm ở khâu điều hành giá cả. Giá điện của chúng ta đa mục tiêu quá, còn ở trên thế giới tách bạch tương đối rõ. Về cơ bản, cần cố gắng tách bạch giữa hoạt động mang tính chất công ích và những hoạt động mang tính chất thị trường. Khi đó, bản thân ngành điện sẽ hoạt động minh bạch.

Ngoài ra, còn bất cập trong cơ chế bù chéo giá điện hiện nay, để kéo quá dài và lộ trình xử lý không rõ ràng. Bù chéo giữa nhóm những người tiêu dùng điện sinh hoạt với nhau - bậc cao bù cho bậc thấp, bù chéo giữa giá điện sinh hoạt trong sản xuất ở mức độ nhất định. Tất nhiên là giá điện trong sản xuất phải thấp hơn bởi vì tiêu dùng điện hạ áp giá đắt hơn nhưng vẫn có bù chéo nhất định giữa điện cho sinh hoạt đối với điện sản xuất. Và một điểm nữa là bù chéo về giá điện giữa các vùng miền với nhau. Điện ở các xã, huyện hải đảo thường 7.000-9.000 đồng, nhưng chúng ta vẫn bán 1.000-2.000 đồng, tức là lấy vùng thấp bù cho vùng cao, PGS.TS Bùi Xuân Hồi cho biết thêm.  

    Nổi bật
        Mới nhất
        Cần tạo cơ chế chính sách để thu hút đầu tư vào ngành điện
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO