Cân nhắc giữ quy định về công chứng bản dịch
Thảo luận về dự án Luật Công chứng (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội cho rằng, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã và đang đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động tư pháp, trong đó có lĩnh vực công chứng theo hướng tiếp tục hoàn thiện cơ chế huy động nguồn lực để xã hội hóa và phát triển các lĩnh vực công chứng...
Qua hơn 8 năm thi hành Luật Công chứng năm 2014 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thực tiễn triển khai thực hiện Luật Công chứng hiện hành cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần được khắc phục như: Chất lượng đội ngũ công chứng viên còn chưa đồng đều, một bộ phận công chứng viên còn hạn chế về trình độ chuyên môn, tính chuyên nghiệp chưa cao; còn tình trạng vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức hành nghề, cạnh tranh không lành mạnh... Do vậy, ĐBQH Sùng A Lềnh (Lào Cai) cho rằng, việc xây dựng dự án Luật Công chứng (sửa đổi) là cần thiết.
Đồng thời, đại biểu Sùng A Lềnh cũng đưa ra một số quy định của Luật Công chứng, Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai,... còn chưa đồng bộ, thống nhất hoặc chưa có hướng dẫn thực hiện nên quá trình triển khai thực hiện còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Ví dụ như, Bộ luật Dân sự quy định thời hiệu yêu cầu chia thừa kế, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có hướng dẫn thực hiện nên các tổ chức hành nghề công chứng lúng túng trong thực hiện công chứng các việc liên quan đến thừa kế.
Hay như, Bộ luật Dân sự quy định về các trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng, giao dịch, tuy nhiên Luật Công chứng hiện chỉ quy định việc công chứng hủy bỏ hợp đồng, giao dịch trong trường hợp các bên có văn bản thỏa thuận về việc hủy bỏ hợp đồng, giao dịch. Ngoài ra, quy định về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng còn chưa thống nhất giữa Luật Công chứng, Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai… Do vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục xem xét hoàn thiện và thống nhất các nội dung trên cho đồng bộ.
Tại Khoản 1, Điều 2, dự thảo Luật quy định “công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của giao dịch dân sự bằng văn bản (sau đây gọi là giao dịch) mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng”. Với quy định này, các đại biểu Quốc hội nhận thấy, việc chứng nhận bản dịch không còn thuộc phạm vi hoạt động công chứng, tuy nhiên công chứng viên sẽ vẫn được giao chứng nhận bản dịch bằng hình thức chứng thực chữ ký người dịch theo quy định của pháp luật về chứng thực (điểm c Khoản 1 Điều 16).
Băn khoăn với quy định này, ĐBQH Lê Tất Hiếu (Vĩnh Phúc) cho rằng, về nguyên tắc, văn bản dịch hay nội dung dịch trong một văn bản cần có sự bảo đảm của Nhà nước hay của tổ chức công chứng khi được đưa ra xin công chứng. Nếu chỉ được chứng thực chữ ký thì sau này ai bảo đảm cho nội dung dịch, cũng như bảo đảm quyền của người có văn bản được công chứng?
Do vậy, đại biểu đề nghị, cần giữ quy định về công chứng bản dịch như Luật Công chứng hiện hành; triển khai các biện pháp hữu hiệu để nâng cao trình độ của công chứng viên, đáp ứng nhu cầu công chứng nội dung bản dịch, cũng như bảo đảm cho tổ chức công chứng có đội ngũ cộng tác viên đủ năng lực để dịch các bản dịch này.
“Tổ chức công chứng từ chối công chứng bản dịch cần được cơ quan chức năng, tổ chức hiệp hội nghề nghiệp xem xét về năng lực hành nghề công chứng. Nếu thấy khó mà bỏ quy định này đi sẽ tạo một khoảng trống pháp lý với công chứng bản dịch”, đại biểu Lê Tất Hiếu nói.
Hoàn thiện quy định về quyền rút vốn của công chứng viên hợp danh
Khoản 2, Điều 26, dự thảo Luật quy định “công chứng viên hợp danh có quyền rút vốn khỏi Văn phòng công chứng hoặc chuyển nhượng vốn góp của mình cho công chứng viên hợp danh khác của Văn phòng công chứng khi được ít nhất ba phần tư tổng số công chứng viên hợp danh của Văn phòng công chứng chấp thuận bằng văn bản và Văn phòng công chứng phải còn ít nhất là 2 công chứng viên hợp danh tại thời điểm công chứng viên hợp danh được rút vốn hoặc chuyển nhượng vốn góp”.
Băn khoăn với quy định này, ĐBQH Nguyễn Việt Thắng (Kiên Giang) cho rằng, nếu Văn phòng công chứng có 3 thành viên hợp danh thì chỉ cần 1 thành viên không đồng ý thì công chứng viên hợp danh không thể rút vốn hay chuyển nhượng vốn được. Thậm chí, ngay cả khi 2/3 thành viên hợp danh đồng ý rút vốn thì công chứng viên hợp danh cũng không thể thực hiện được, vì chưa bảo đảm tỷ lệ ¾ tổng số công chứng viên hợp danh của Văn phòng công chứng chấp thuận.
Dẫn quy định tại Khoản 1, Điều 20, dự thảo Luật “Văn phòng công chứng phải có từ hai thành viên hợp danh trở lên và không có thành viên góp vốn. Các thành viên hợp danh có quyền ngang nhau khi quyết định các vấn đề của Văn phòng công chứng”, đại biểu Nguyễn Việt Thắng đề nghị, Ban soạn thảo cần nghiên cứu quy định chỉ cần 1/3 thành viên hợp danh chấp thuận rút vốn thì công chứng viên hợp danh có thể thực hiện rút vốn hoặc chuyển nhượng vốn góp của mình cho công chứng viên hợp danh khác của Văn phòng công chứng.
Các đại biểu Quốc hội cũng quan tâm cho ý kiến với Khoản 2, Điều 65, dự thảo Luật về: “Bản chính văn bản công chứng và các giấy tờ khác trong hồ sơ công chứng phải được lưu giữ tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng trong thời hạn ít nhất là 20 năm đối với các giao dịch có đối tượng là bất động sản, ít nhất 10 năm đối với các loại giao dịch khác; kể từ thời điểm văn bản công chứng có hiệu lực; trường hợp lưu giữ ngoài trụ sở thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của Sở Tư pháp nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở”.
Một số đại biểu đề nghị cần tăng thời gian lưu trữ bản chính văn bản công chứng và các giấy tờ khác. Bởi, theo đại biểu Nguyễn Việt Thắng, trong thực tế đã có những tranh chấp liên quan đến giao dịch bất động sản phát sinh sau rất nhiều năm, có thể lâu hơn 20 năm; một số bản di chúc phải rất nhiều năm sau công chứng mới được mở ra xem xét...