Cần tăng nguồn lực cho mục tiêu loại bỏ bệnh sốt rét
Việt Nam đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ về phòng, chống bệnh sốt rét . Tuy nhiên, hiện công tác phòng, chống bệnh sốt rét đang gặp không ít khó khăn do sự di biến động dân cư, tập quán sinh sống của người dân, nhất là nguồn kinh phí đầu tư cho công tác này không ổn định, bị cắt giảm và thường cấp chậm thời gian gần đây.
Bệnh sốt rét đã được ngăn chặn
Theo Viện trưởng Sốt rét, Ký sinh trùng, Côn trùng Trung ương, Bộ Y tế Trần Thanh Dương, thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống và loại trừ bệnh sốt rét ở Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030, công tác phòng, chống và loại trừ sốt rét ở nước ta đã đạt được các kết quả đáng khích lệ, với tỷ lệ người mắc và chết do sốt rét liên tục giảm hàng năm. Ngoài ra, mỗi năm, hàng triệu người dân sống trong vùng sốt rét lưu hành được bảo vệ bằng biện pháp phòng, chống như phun tồn lưu và tẩm màn bằng hóa chất diệt muỗi; hàng chục nghìn người bệnh được cấp thuốc điều trị sốt rét miễn phí... Vì vậy, Việt Nam đã không để dịch sốt rét xảy ra trong nhiều năm qua.

Trong khi đó, nguồn kinh phí Nhà nước cấp cho công tác phòng, chống sốt rét còn hạn chế, không ổn định, bị cắt giảm và thường chậm trong những năm gần đây. Nguồn kinh phí viện trợ của các tổ chức quốc tế và nước ngoài cũng có xu hướng giảm.
Nhưng mối lo vẫn thường trực...
Theo đánh giá của WHO, 10 năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong công tác phòng, chống sốt rét. Số ca sốt rét đã giảm từ hơn 11 nghìn người năm 2008 xuống còn 4.500 người năm 2017. Số người chết do sốt rét cũng giảm từ 25 người xuống còn 6 người, giảm 76%; 40 tỉnh, thành phố không có sốt rét lưu hành. Năm 2016, Việt Nam nằm trong số 44 quốc gia có ít hơn 10 nghìn người bị sốt rét mỗi năm. Việt Nam đã thay đổi cách tiếp cận, từ kiểm soát sang loại trừ sốt rét vào năm 2030. |
Theo cảnh báo của WHO, ở Việt Nam, sốt rét đang chuyển sang tập trung tại một số vùng rừng núi, nhất là khu vực miền Trung, Tây Nguyên do người dân phải di chuyển xa mới tiếp cận được các dịch vụ y tế. Hiện tại một số địa phương đã xuất hiện tình trạng ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc và có nguy cơ lan rộng tại cộng đồng đe dọa nỗ lực loại trừ sốt rét của Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, để thực hiện được các mục tiêu của Chiến lược quốc gia phòng, chống và loại trừ bệnh sốt rét ở Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030, cần tiếp tục triển khai tích cực những biện pháp truyền thông để các cấp chính quyền, đoàn thể, địa phương và cộng đồng chủ động, tích cực tham gia vào các hoạt động phòng, chống và loại trừ bệnh sốt rét. Đồng thời, các địa phương, bộ, ngành cần nỗ lực vận động và chủ động đầu tư kinh phí cho công tác phòng, chống và loại trừ bệnh sốt rét; tiếp tục đề nghị các tổ chức quốc tế tài trợ kinh phí, hỗ trợ kỹ thuật cho hoạt động phòng, chống và loại trừ sốt rét ở Việt Nam như đã cam kết.
Ngoài ra, để phòng, chống bệnh sốt rét có hiệu quả, người dân thường xuyên ngủ màn, ngay cả ban ngày và màn cần được tẩm hóa chất diệt muỗi. Những người đi làm ở vùng rừng núi cần mang theo màn để ngủ, trước khi đi nên đến cơ sở y tế để được cấp thuốc uống phòng và khi trở về từ vùng rừng núi nên đến cơ sở y tế để được khám, xét nghiệm. Khi thấy các triệu chứng của bệnh sốt rét như rét run, sốt nóng sau đó vã mồ hôi, hoặc cảm thấy ớn lạnh, gai rét cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.