Cần tăng đầu tư cho giáo dục, y tế

Thảo luận về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025, một số đại biểu Quốc hội đề nghị, cần tăng đầu tư cho giáo dục, y tế và tháo gỡ vướng mắc cho đơn vị sự nghiệp công lập để cung cấp dịch vụ chất lượng tốt, chi phí hợp lý cho người dân, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển toàn diện nguồn nhân lực chất lượng cao của nước ta.

pct-hai-a2.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành thảo luận

Tháo gỡ vướng mắc trong quản lý quỹ tài chính ngoài ngân sách

Quan tâm đến các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, ĐBQH Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cho biết, theo Báo cáo số 647/2024 của Chính phủ, tổng số dư đầu năm 2024 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do Trung ương quản lý chủ yếu là của ba Quỹ Bảo hiểm xã hội, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp và Quỹ Bảo hiểm y tế do Bảo hiểm xã hội Việt Nam quản lý, chiếm gần 91% tổng số dư các quỹ.

051120240849-z6000476688518-848d8b57e76efc112acc8e37e087a7dc.jpg
ĐBQH Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Ước tính đến cuối năm nay, số dư nguồn các quỹ tăng khoảng 56.000 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, số dư của 3 quỹ do Bảo hiểm xã hội Việt Nam quản lý chiếm gần như tuyệt đối trên 91% tổng số dư các quỹ, tương đương khoảng 1.300 tỷ đồng.

“Số dư chủ yếu được sử dụng để đầu tư vào trái phiếu Chính phủ. Vấn đề là cơ cấu và chất lượng sử dụng vốn của nguồn vốn dư của 3 quỹ này như thế nào? Khả năng bảo toàn và sinh lời của chúng ra sao? Theo đó là sứ mệnh bảo đảm an sinh xã hội của cơ quan bảo hiểm xã hội có hoàn thành không?”

Đặt các câu hỏi trên, đại biểu Hà Sỹ Đồng cũng dẫn đánh giá của các chuyên gia cho rằng, chiếm hầu hết trong cơ cấu sử dụng vốn của Bảo hiểm xã hội là khoản mục tài sản trái phiếu Chính phủ Việt Nam, trong khi có rủi ro thanh khoản và rủi ro thị trường nhưng chưa từng được các cơ quan phụ trách, cũng như chính bản thân cơ quan Bảo hiểm xã hội nhận diện, đo lường và công bố.

Bên cạnh đó, liên quan đến việc điều hành tồn dư tiền gửi Kho bạc Nhà nước, đại biểu Hà Sỹ Đồng cho biết, nhờ quyết tâm chính trị, từ năm 2017, Bộ Tài chính chuyển dần theo lộ trình lượng tiền tồn dư của Kho bạc Nhà nước gửi tại hệ thống ngân hàng thương mại về Ngân hàng Nhà nước nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho Ngân hàng Nhà nước trong việc điều hành chính sách tiền tệ của quốc gia…

"Tuy nhiên, trên thực tiễn quá trình triển khai diễn ra chưa thực sự được suôn sẻ, thể hiện ở việc Kho bạc nhà nước tiến hành đấu thầu tiền gửi trở lại ở các ngân hàng thương mại có những lúc không phù hợp về thời điểm, về liều lượng, kỳ hạn, hay mức lãi suất chào. Những việc như vậy nhiều khi đã khiến cho Ngân hàng Nhà nước bị động và gặp khó khăn trong công tác điều tiết cung tiền cho hệ thống ngân hàng và nền kinh tế, nhằm hướng tới mục tiêu ổn định tiền tệ và hoạt động của ngân hàng".

Do đó, đại biểu Hà Sỹ Đồng đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm rà soát lại những quy định và tháo gỡ những các điểm nghẽn hiện nay.

Quan tâm đến chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư dự án, ĐBQH Triệu Quang Huy (Lạng Sơn) cho rằng, công tác chuẩn bị dự án đầu tư vẫn còn là khâu yếu, dẫn đến tình trạng vốn chờ dự án, hoàn thiện thủ tục đầu tư, kéo dài thời gian giao vốn và ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện giải ngân, cũng như hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư công.

trieu-quang-huy.jpg
ĐBQH Triệu Quang Huy (Lạng Sơn) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Nguyên nhân chủ yếu, theo đại biểu là, do vai trò của người đứng đầu tại một số cơ quan trung ương và địa phương chưa được phát huy đầy đủ, năng lực lập kế hoạch chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án còn hạn chế; một số quy định pháp luật còn chưa đồng bộ, thống nhất, khả thi, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn; một số bất cập trong cơ chế, chính sách tuy đã được phát hiện nhưng còn chậm được sửa đổi, bổ sung thuộc các lĩnh vực: ngân sách nhà nước và công sản, xây dựng, đấu thầu, đầu tư công…

Đại biểu cũng ghi nhận, qua rà soát, những quy định pháp luật chưa rõ ràng hoặc chưa tương thích, Chính phủ nhận diện và tại Kỳ họp thứ Tám này đã trình Quốc hội thảo luận, xem xét thông qua dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật đầu thầu… để tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm nói chung, công tác chuẩn bị đầu tư nói riêng.

Để nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị dự án, đại biểu Triệu Quang Huy đề nghị, khi đưa danh mục dự án vào kế hoạch vốn cần làm rõ sự phù hợp của dự án với các quy hoạch ảnh hưởng đến việc triển khai dự án đó, vấn đề về giải phóng mặt bằng ảnh hưởng đến thực hiện dự án. Người phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, quyết định đầu tư dự án phải chịu trách nhiệm đối với dự án đầu tư xây dựng mà mình phê duyệt. Đồng thời, bố trí kinh phí và hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí cho công tác chuẩn bị đầu tư theo các quy định của pháp luật về đầu tư, ngân sách nhà nước.

Đại biểu nhấn mạnh, việc nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, quyết định đầu tư dự án sẽ góp phần thúc đẩy tiến độ triển khai thực hiện dự án, giải ngân vốn đầu tư công, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư công trong thời gian tới.

Đầu tư về cơ sở vật chất cho lĩnh vực giáo dục, y tế còn hạn chế

ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội) ghi nhận, đầu tư công của nước ta trong thời gian qua đã đạt được nhiều thành quả rất tích cực cả về số lượng và chất lượng. Điều này thể hiện qua tổng vốn đầu tư tăng lên và được phân bổ khá tập trung vào các công trình trọng điểm, và nhờ đó các công trình trọng điểm quốc gia đã được đầu tư, sớm hoàn thành. Đặc biệt, nếu như đầu nhiệm kỳ chúng ta mới có 1.000 km đường cao tốc thì nay đã có trên 2.000 km đường cao tốc, đến năm 2025 có thể thực hiện được mục tiêu có 3.000 km đường cao tốc.

202411050836201503-z6000457422089-fc9bfd845b3007306bc614e6184bb817.jpg
ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Hoàng Văn Cường cũng chỉ rõ, nguồn nhân lực chất lượng cao, yếu tố con người luôn được đánh giá là khâu đột phá chiến lược quan trọng, quyết định đến thành công của các khâu đột phá chiến lược khác, nhưng "dường như đầu tư cho giáo dục để phát triển trí lực và đầu tư cho y tế để bảo đảm sinh lực dường như còn mờ nhạt trong số liệu về đầu tư công".

Từ số liệu báo cáo về đầu tư phát triển ngân sách trung ương cho các bộ, cơ quan trung ương theo từng lĩnh vực, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, với mức phân bổ vốn thấp được thể hiện trong báo cáo này thì những bệnh viện thuộc Bộ Y tế, trường đại học thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ không có nguồn vốn để đầu tư phát triển.

Quan tâm đến thực hiện cơ chế tự chủ với đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có các bệnh viện, trường đại học, đại biểu Hoàng Văn Cường nhận thấy, một số bệnh viện thực hiện tự chủ hoàn toàn đã có cơ sở vật chất tốt, có điều kiện chăm sóc sức khỏe người dân nhưng lại "vướng" nỗi “lo nhất là trả lãi suất vay vốn đầu tư hạ tầng cơ sở”.

Nếu tính khấu hao, chi thường xuyên thì các bệnh viện thực hiện tự chủ hoàn toàn sẽ không phải lo khi tính giá thành, giá dịch vụ y tế. Song, nếu cộng thêm trả vốn vay, trả lãi vay ngân hàng thì chi phí đội lên cao, bệnh nhân sẽ không chịu được. Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, đây có lẽ là nguyên nhân lớn khiến các bệnh viện trung ương không dám nhận tự chủ, vì nếu nhận tự chủ thì trong chi phí của những bệnh viện này có những khoản chi không đúng với các yếu tố cấu thành chi phí y tế.

Đối chiếu với lĩnh vực giáo dục, đại biểu cũng cho biết, nếu trường đại học được đầu tư đầy đủ, cơ sở vật chất khang trang thì sinh viên có điều kiện học tập, sinh hoạt tiện nghi hơn, trong khi chi phí của hệ đại trà không được cao hơn các trường khác. Tuy nhiên, nếu các trường phải vay vốn ngân hàng để đầu tư cơ sở hạ tầng thì chi phí đào tạo sẽ cao. "Đây cũng là nguyên nhân khiến học phí của những trường đại học tự chủ tăng cao trong thời gian qua, vì phải gánh chi phí đầu tư ban đầu, trả lãi suất vay vốn ngân sách", đại biểu cho biết.

Cho rằng, "nếu thực hiện cơ chế tự chủ mà để trường học, bệnh viện tự lo, tự xoay sở, tự trả như vậy thì không khác cơ chế tự chủ thị trường, không phải tự chủ xã hội chủ nghĩa", đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị, cần tăng tỷ lệ phân bổ vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước cho hai lĩnh vực y tế, giáo dục lên ít nhất phải đủ đầu tư cơ sở ban đầu và sau khi xây dựng cơ sở vật chất xong mới giao các trường tự chủ, tự tính khấu hao để tái đầu tư, tự lo thường xuyên. Khi đó, các đơn vị này có thể tự lo, tự chịu được, mà bệnh nhân, sinh viên không phải chịu chi phí dịch vụ cao.

“Biết rằng đầu tư cho lĩnh vực nào cũng quan trọng, cũng cấp bách, nhưng chỉ cần điều chỉnh một chút từ những lĩnh vực khác tập trung cho giáo dục, y tế thì hàng triệu người học, hàng chục triệu người bệnh sẽ được hưởng chất lượng dịch vụ tốt, chi phí hợp lý, qua đó thực hiện mục tiêu phát triển toàn diện nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo động lực để phát triển đất nước bền vững”, đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.

le-quan-ha-noi1.jpg
ĐBQH Lê Quân (Hà Nội) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Qua kinh nghiệm từ một số đại học top đầu trên thế giới ở các quốc gia lân cận, ĐBQH Lê Quân (Hà Nội) nhận thấy, đại học có nguồn nhân lực chất lượng cao, đội ngũ thầy cô, nhà khoa học đông đảo, có khối tài sản công rất lớn, chỉ còn thiếu cơ chế để có thể vận hành tự chủ và tạo nguồn thu lớn.

Do đó, đại biểu đề nghị, pháp luật về sử dụng tài sản công cần cởi mở hơn với các đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là đơn vị sự nghiệp y tế, giáo dục. Bởi, dù Luật Thủ đô đã có những quy định ưu việt trong sử dụng tài sản công, nhưng Đại học Quốc gia Hà Nội nằm trên địa bàn Thủ đô Hà Nội không phải là đối tượng áp dụng của Luật Thủ đô.

Đại biểu Lê Quân cho rằng, trong thời gian tới, cần rà soát, nghiên cứu sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng tài sản công theo hướng giúp Đại học được chủ động hơn trong khai thác hiệu quả tài sản công theo quy chế tài chính, có kiểm toán đầy đủ, mang lại các nguồn thu, đáp ứng được nhu cầu phát triển của đại học.

Thời sự Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn: Hoàn thiện hành lang pháp lý, cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư lâu dài tại Việt Nam
Chính trị

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn: Hoàn thiện hành lang pháp lý, cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư lâu dài tại Việt Nam

Sáng nay, 4.12, tại Thủ đô Tokyo, mở đầu cho các hoạt động trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nhật Bản, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã có các cuộc ăn sáng làm việc với Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản (Keidanren) do hai đồng Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Nhật - Việt của Keidanren chủ trì.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ăn sáng làm việc với Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản
Chính trị

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ăn sáng làm việc với Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản

Sáng nay, 4.12, tại Thủ đô Tokyo, mở đầu cho các hoạt động trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nhật Bản, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã có các cuộc ăn sáng làm việc với Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản (Keidanren) do hai đồng Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Nhật - Việt của Keidanren chủ trì.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đến Tokyo, bắt đầu chuyến thăm chính thức Nhật Bản
Chính trị

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đến Tokyo, bắt đầu chuyến thăm chính thức Nhật Bản

Đúng 19h10 tối 3.12, (giờ địa phương), Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã đến sân bay quốc tế Haneda, Thủ đô Tokyo, bắt đầu chuyến thăm chính thức Nhật Bản từ ngày 4 - 7.12 theo lời mời của Chủ tịch Thượng viện Nhật Bản Sekiguchi Masakazu và Phu nhân.