- Xin ông cho biết những đánh giá về thực trạng các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng được lưu thông trong xã hội hiện nay?
- Hiện nay, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang có mặt tại Việt Nam đều là hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Hay nói cách khác, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng được bán ở thị trường chợ đen với nhiều hình thức trên mạng, cửa hàng truyền thống… nhưng không được quản lý về chất lượng, nguồn gốc.
Vấn đề trên đang phản ánh khoảng trống pháp lý trong quản lý và phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Trong khi, một số điều tra, khảo sát thông tin về vấn đề này cho thấy tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tại Việt Nam ngày càng tăng. Điều đáng lo ngại chính là những sản phẩm thuốc lá điện tử không được quản lý về chất lượng, nguồn gốc dễ bị lợi dụng với thành phần là dung dịch lỏng hòa tan nên các đối tượng phạm tội đã pha trộn một số chất ma túy thế hệ mới vào tinh dầu của thuốc lá điện tử, gây ra những hệ lụy đối với sức khỏe người sử dụng và xã hội.
Thực tế cũng cho thấy, việc mua bán được thực hiện chủ yếu thông qua mạng xã hội; một số nơi xuất hiện các điểm bán lẻ công khai hoặc bán trà trộn cùng các sản phẩm khác. Trong khi công tác quản lý hoạt động quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, đặc biệt trên các nền tảng mạng xã hội còn hạn chế, thiếu quy định phù hợp và chế tài xử phạt đủ sức răn đe.
- Để quản lý có hiệu quả đối với loại sản phẩm thuốc lá mới không rõ nguồn gốc đang trôi nổi trên thị trường hiện nay, theo ông cần đẩy mạnh những giải pháp nào?
- Ngày 4.5.2024, Ủy ban Xã hội đã phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức Phiên giải trình “Trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng”. Phiên giải trình đã làm rõ những tồn tại, hạn chế và xác định trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan qua Kết luận số 2513/KL-UBXH15 ngày 4.5.2024.
Theo đó, kết luận số 2513 cũng đã chỉ ra một trong những nguyên nhân hạn chế trong quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là quan điểm của các bộ, ngành, địa phương trong quản lý nhà nước về thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng chưa thống nhất dẫn đến chậm thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, chậm ban hành văn bản pháp luật để quản lý và phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Từ đó, kết luận số 2513 cũng đã kiến nghị: Thứ nhất, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong năm 2024, chỉ đạo khảo sát, rà soát, đánh giá toàn diện tác hại của thuốc lá nói chung, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng nói riêng làm cơ sở để thống nhất quan điểm quản lý nhà nước, chỉ đạo xây dựng và ban hành văn bản pháp luật nhằm quản lý chặt chẽ, có giải pháp đồng bộ đối với công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trong phạm vi cả nước. Thứ hai, Bộ Y tế chủ trì phối hợp nghiên cứu, đánh giá tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng để công bố thông tin chính thức về tác hại của các sản phẩm này.
Trên tinh thần hướng đến mục tiêu chung là bảo vệ sức khỏe cộng đồng, phòng chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế cần đánh giá toàn diện thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng dưới góc độ khoa học, xem xét, đánh giá đầy đủ tác hại của sản phẩm so với thuốc lá điếu; cần có cơ sở khoa học để có căn cứ quy định cấm hoặc quản lý như thuốc lá điếu. Nhiều nước có trình độ khoa học, công nghệ cao đang thực hiện các nghiên cứu độc lập để kiểm chứng những công bố về thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử để đưa ra hướng quản lý phù hợp, hiệu quả.
Quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng nhưng phải trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, bằng chứng thực tiễn, cũng như trên cơ sở phân tích các tác động đến người tiêu dùng, doanh nghiệp và năng lực cơ quan quản lý nhà nước.
- Để có giải pháp quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng chúng ta cần căn cứ trên cơ sở nào, thưa ông?
- Thực tế triển khai công tác này, ngày 11.12.2020 Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Quyết định số 3458/QĐ-BKHCN về việc công bố 3 tiêu chuẩn quốc gia về Sản phẩm thuốc lá làm nóng, bao gồm: Thứ nhất, TCVN 13154:2020, sản phẩm thuốc lá làm nóng - xác định hàm lượng các oxit nitơ. Thứ hai, TCVN 13155:2020, sản phẩm thuốc lá làm nóng - xác định hàm lượng cacbon monoxit. Thứ ba, TCVN 13156:2020, sản phẩm thuốc lá làm nóng - các yêu cầu.
Theo đó, tiêu chuẩn là quy định về đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý dùng làm chuẩn để phân loại, đánh giá sản phẩm, hàng hoá dịch vụ, quá trình, môi trường và các đối tượng khác trong hoạt động kinh tế kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của các đối tượng này.
Cùng với đó, Công điện số 47/CĐ-TTg ngày 13.5.2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đã giao Bộ Y tế nghiên cứu, đề xuất ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành giải pháp quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Giải pháp quản lý ở đây theo tôi hiểu là cần phải ban hành văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh vấn đề thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và việc lựa chọn giải pháp quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng phải dựa trên căn cứ pháp lý, kết quả nghiên cứu khoa học trong nước, nước ngoài đáng tin cậy, những tiêu chuẩn quốc gia về thuốc lá làm nóng và thực tiễn đang diễn ra để quản lý phù hợp, hiệu quả.
- Trước tình trạng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng không rõ nguồn gốc đang trôi nổi trên thị trường như hiện nay, theo ông chúng ta cần có giải pháp gì để siết chặt vấn đề này?
- Về vấn đề này, ngay sau Phiên giải trình của Ủy ban Xã hội và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thủ tướng Chính phủ đã thực hiện ngay một trong các nội dung kiến nghị tại kết luận số 2513 là ban hành Công điện số 47/CĐ-TTg ngày 13.5.2024 về tăng cường quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Tại kết luận đã kiến nghị cụ thể đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Công Thương ngay trong năm 2024 cần làm.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo khảo sát, rà soát, đánh giá toàn diện tác hại của thuốc lá nói chung, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng nói riêng làm cơ sở để thống nhất quan điểm quản lý nhà nước, chỉ đạo xây dựng và ban hành văn bản pháp luật nhằm quản lý chặt chẽ, có giải pháp đồng bộ đối với công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trong phạm vi cả nước.
Đối với Bộ Y tế, cần chủ trì phối hợp với các bộ, ngành có liên quan rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng để đề xuất sửa đổi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; chủ trì phối hợp nghiên cứu, đánh giá tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng để công bố thông tin chính thức về tác hại của các sản phẩm này.
Đối với Bộ Công Thương cần chủ động rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để ban hành hoặc trình ban hành theo thẩm quyền văn bản pháp luật nhằm quản lý nghiêm, ngăn chặn nhập lậu, mua bán thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng qua không gian mạng.
-Xin cám ơn ông !