Theo đó, Việt Nam sẽ tập trung theo hướng sản xuất chip (C) chuyên dụng - Specialized (S), phát triển ngành công nghiệp điện tử song hành với ngành phát triển chip – (E) Electronics, theo đó thông minh hóa các sản phẩm và để làm được điều đó trọng tâm là phát triển đội ngũ nguồn nhân lực và nhân tài - Talent (T). Đồng thời cũng đón đầu xu hướng dịch chuyển X+1, tạo điều kiện để Việt Nam nổi lên là điểm đến mới an toàn của chuỗi cung ứng toàn cầu về công nghiệp bán dẫn.
Theo ông Lịch, Việt Nam cần làm chủ nghiên cứu và phát triển công nghệ trong lĩnh vực bán dẫn, điện tử, nếu không muốn trở thành một đất nước gia công, trong đó phát huy lợi thế địa chính trị, đi theo xu hướng đầu tư, chú trọng đến phát triển hạ tầng điện, nước cũng như có các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ...
Trong đó ông Lịch nhấn mạnh để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu liên quan đến công nghiệp bán dẫn Việt Nam cần phát triển ngành công nghiệp điện tử thế hệ mới song hành với ngành công nghiệp bán dẫn. Đó chính là AI hóa tất cả thiết bị điện tử gia dụng và chuyên dụng truyền thống.
Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa tiềm năng lớn để phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, với sự tham gia của hàng loạt tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới. Chính phủ đã có những chính sách quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp bán dẫn như Quyết định 1437/QĐ-TTg về Kế hoạch hành động quốc gia về phát triển kinh tế số giai đoạn 2024 - 2025. Đồng thời, Dự án Luật Công nghiệp công nghệ số cũng đã trình lên Chính phủ xem xét. Đây được xem là những cơ sở pháp lý quan trọng để đưa Việt Nam bước vào chuỗi cung ứng toàn cầu về công nghiệp bán dẫn.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Những doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ cao (theo Quyết định số 38/2020/QĐ-TTg) khi đầu tư vào khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao thì không phải làm các thủ tục hành chính như thông thường, thay vào đó doanh nghiệp chỉ cần đăng ký đầu tư, trong 15 ngày cơ quan quản lý phải cấp đăng ký đầu tư.
“Chính sách thu hút đầu tư được thiết kế theo hướng chuyển đổi mạnh tư duy từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Doanh nghiệp khi đầu tư không phải làm các thủ tục về xây dựng, môi trường, phòng cháy chữa cháy... Thay vào đó, doanh nghiệp chỉ cần cam kết chấp hành các quy định (quy chuẩn, tiêu chuẩn) của Việt Nam là đáp ứng" - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.
Theo Hiệp hội Bán dẫn toàn cầu (SEMI) dự báo, thị trường bán dẫn của Việt Nam dự kiến sẽ đạt 7,01 tỉ USD vào năm 2028, với tốc độ tăng trưởng ngành bình quân mỗi năm khoảng 6,69% trong giai đoạn 2023 - 2028.
Trước bối cảnh ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu đang bùng nổ, Việt Nam được kỳ vọng sẽ trở thành một trung tâm cung ứng nguyên vật liệu, linh kiện, cụm lắp ráp… cho ngành sản xuất thiết bị bán dẫn, từ đó ngày càng tiến sâu hơn vào chuỗi giá trị của ngành thiết bị bán dẫn toàn cầu. Với nền tảng nhân lực dồi dào và chi phí sản xuất cạnh tranh, Việt Nam đủ khả năng khai thác những cơ hội này để vươn lên mạnh mẽ.
Chủ tịch Hiệp hội Bán dẫn Đông Nam Á (SEMI) Linda Tân cho rằng Việt Nam hiện có 4 điều kiện quan trọng để phát triển công nghiệp bán dẫn, trong đó đối với chuỗi cung ứng sản xuất thiết bị bán dẫn vốn rất đồ sộ với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn-nhỏ trên toàn thế giới trong nhiều phân khúc. Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng và phát huy ngành công nghiệp phụ trợ hiện có để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị này.