Tổng hợp từ phương án tổng thể của 56 tỉnh, thành phố cho thấy, tổng số ĐVHC cấp huyện thực hiện sắp xếp là 50 đơn vị, sau sắp xếp dự kiến giảm 14 đơn vị. Trong khi đó, tổng số ĐVHC cấp huyện thuộc diện phải sắp xếp nhưng địa phương đề nghị không thực hiện sắp xếp do có yếu tố đặc thù là 19 đơn vị. Tổng số ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp là 1.243 đơn vị, sau sắp xếp dự kiến giảm 619 đơn vị. Tổng số ĐVHC cấp xã thuộc diện phải sắp xếp nhưng địa phương đề nghị không thực hiện sắp xếp do có yếu tố đặc thù là 515 đơn vị. Điều đáng nói, một số địa phương ngoài việc sắp xếp các ĐVHC thuộc diện sắp xếp, còn đề xuất sắp xếp số lượng lớn các ĐVHC thuộc diện khuyến khích, liền kề.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện phương án sáp nhập còn khó khăn, vướng mắc. Số lượng ĐVHC cấp huyện, cấp xã địa phương đề xuất không thực hiện sắp xếp do có yếu tố đặc thù là khá lớn, với 19/30 cấp huyện, chiếm tỷ lệ 63,33% và 515/1.253 cấp xã, chiếm tỷ lệ 41,10%. Việc xác định các yếu tố đặc thù về lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, vị trí địa lý, an ninh, quốc phòng cũng rất phức tạp do phải rà soát, thu thập các tư liệu lịch sử, khoa học và cơ sở pháp lý để chứng minh…
Thực tế cho thấy, sắp xếp đơn vị hành chính là việc khó, nhạy cảm, phức tạp. Bởi quá trình sắp xếp sẽ liên quan đến nhiều người, nhiều ngành, tác động đến người dân, doanh nghiệp và các chủ thể khác. Do đó, ngoài những khó khăn khách quan như trên, việc thực hiện sắp xếp còn gặp khó bởi rào cản tâm lý nể nang, ngại va chạm. Tuy nhiên, trước yêu cầu của Trung ương, của Quốc hội, Chính phủ cũng như xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn về tinh gọn bộ máy nhà nước, tinh giản biên chế, nên việc thực hiện sắp xếp dù khó, dù nhạy cảm, các địa phương phải quyết tâm thực hiện.
Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 nêu rõ, việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã phải chú trọng, cân nhắc kỹ các yếu tố đặc thù về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, cộng đồng dân cư, yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phát triển kinh tế - xã hội. Chú trọng công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân nhằm tạo sự đồng thuận, ủng hộ của người dân nơi thực hiện sắp xếp; tổ chức lấy ý kiến cử tri trên địa bàn bảo đảm công khai, minh bạch và đúng quy định của pháp luật.
Theo lộ trình, việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2023 - 2025 phải hoàn thành trước tháng 10.2024. Như vậy, thời gian thực tế để tiến hành toàn bộ quy trình sắp xếp ĐVHC chỉ còn khoảng 6 tháng. Trong khi đó, việc sắp xếp ĐVHC là nội dung quan trọng, phức tạp, mức độ tác động, ảnh hưởng lớn, quy trình thực hiện được tiến hành chặt chẽ, qua nhiều giai đoạn. Đây là một thách thức rất lớn, đòi hỏi cần có sự quyết tâm của người đứng đầu trong triển khai thực hiện. Đặc biệt, việc sắp xếp phải bảo đảm thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Có phương án giải quyết “thấu tình đạt lý” về chế độ, chính sách để bảo đảm quyền lợi của cán bộ, công chức, viên chức sau khi sắp xếp, trong đó bảo đảm quyền lợi của cán bộ, công chức dôi dư.
Việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã cần sự vào cuộc tích cực hơn của các địa phương nhằm bảo đảm lộ trình, mục tiêu đã đề ra. Bên cạnh đó, cần xác định việc sắp xếp không đơn thuần là cắt giảm cơ học được bao nhiêu ĐVHC, cắt giảm được bao nhiêu biên chế mà mục đích cuối cùng của việc sắp xếp là phải bảo đảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy, nâng cao chất lượng cán bộ. Và điều quan trọng là, người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng gì sau khi sắp xếp các ĐVHC.