Cần sự tiếp cận tổng thể
LTS: 2015 là dấu mốc quan trọng khi Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ hoàn thành mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN vào ngày 31.12.2015, với ba trụ cột chính là chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội. Việc tham gia Cộng đồng ASEAN mang lại nhiều thuận lợi, cơ hội cũng như thách thức đối với Việt Nam về nhiều mặt, từ khung pháp lý, chính sách đến nguồn lực và các biện pháp thực hiện. Nhưng cụ thể cơ hội là gì, thách thức ra sao và Việt Nam cần chuẩn bị những gì để hội nhập thành công có lẽ đang còn là câu hỏi bỏ ngỏ. Nắm bắt được thực tế này, ngày 18.8 vừa qua, Ủy ban Đối ngoại phối hợp với Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Về các vấn đề xã hội tổ chức Phiên giải trình về Cộng đồng ASEAN. Thông qua phần trao đổi giữa các ĐBQH, đại diện doanh nghiệp với đại diện lãnh đạo nhiều bộ, ngành có liên quan, nhiều thông tin về Cộng đồng ASEAN đã được cập nhật, những khó khăn, thuận lợi của Việt Nam khi tham gia Cộng đồng ASEAN đã được giải đáp... Báo ĐBND trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc:
Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực Tây Thái Bình Dương và Biển Đông hiện nay và dự báo trong những thập niên tới, việc nâng ASEAN thành một “cộng đồng các quốc gia gắn kết với nhau hơn trên các mặt chính trị - an ninh, kinh tế, và văn hóa xã hội” là cần thiết và cấp bách.
Những gì ASEAN đã thực hiện theo hướng này trong 48 năm qua, đặc biệt từ khi Việt Nam tham gia Hiệp hội, là những viên gạch quý trên lộ trình hội nhập. Những việc cần làm từ bây giờ đến khi hoàn tất việc chuẩn bị để Cộng đồng ASEAN ra đời trong những điều kiện tốt nhất, là hết sức quan trọng. Việc Ủy ban Đối ngoại chủ trì tổ chức phiên giải trình về Cộng đồng ASEAN là một nỗ lực thích đáng, cho dù có hơi muộn.
Để tận dụng tối đa được cơ hội và vượt qua các thách thức từ việc hình thành Cộng đồng ASEAN, có một số nội dung cần được xem xét thấu đáo.
Những vấn đề chính trị - an ninh cần giải quyết?
Với việc xây dựng Cộng đồng chính trị - an ninh ASEAN, theo báo cáo của Bộ Ngoại giao tại phiên giải trình thì “Cộng đồng chính trị - an ninh có mục tiêu tạo dựng môi trường hòa bình và an ninh ở khu vực thông qua việc nâng hợp tác chính trị - an ninh ASEAN lên tầm cao mới với ba đặc trưng chính gồm: một cộng đồng hoạt động theo luật lệ với các giá trị, chuẩn mực chung; một khu vực gắn kết, hòa bình và tự cường, có trách nhiệm chung bảo đảm an ninh toàn diện; và một khu vực năng động, quan hệ rộng mở với bên ngoài”. Bộ Ngoại giao cũng cho biết, việc chuẩn bị đến nay đạt 88% kế hoạch đề ra. Đề nghị Bộ Ngoại giao nói rõ thêm: 12% còn lại là những nội dung gì? Mức độ phức tạp của chúng ra sao? Có vấn đề Biển Đông trong đó hay không?
Gắn kết và liên kết được sử dụng rất nhiều. Theo Từ điển tiếng Việt (năm 2000), gắn kết là gắn bó với nhau, không thể tách rời, và liên kết là kết nối các bộ phận, các phần tử của một tập hợp. Nguyên tắc đồng thuận, không can thiệp là một đặc thù của ASEAN. Vậy các vấn đề còn vướng mắc có phải xuất phát từ độ vênh giữa mục tiêu gắn kết sẽ vươn tới và đồng thuận, không can thiệp một nguyên tắc của ASEAN hiện nay không?
Đặc biệt, khi chính thức được các nước thành viên chấp nhận, Cộng đồng ASEAN là gì? Báo cáo của Bộ Ngoại giao cho biết: “Cộng đồng ASEAN (…) sẽ chính thức được hình thành vào cuối năm 2015, nhằm thực hiện mục tiêu của các lãnh đạo ASEAN là xây dựng một cộng đồng gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế, có trách nhiệm về xã hội, có quan hệ rộng mở với bên ngoài”(1). Đây là cách viết của chúng ta, hay là một đoạn văn chính thức của ASEAN?
Cộng đồng ASEAN 2015 thực chất vẫn là một cộng đồng thống nhất trong đa dạng, có mức độ liên kết cao hơn Hiệp hội, nhưng chưa chặt chẽ đến mức như Liên minh châu Âu (EU) và không phải là một tổ chức siêu quốc gia. Vậy Cộng đồng ASEAN 2015 là hiện trạng của Cộng đồng ở thời điểm 2015? hay là Cộng đồng ASEAN mà Hiệp hội muốn vươn tới? Theo Báo cáo của Bộ Ngoại giao mô tả thì: Cộng đồng ASEAN là một tổ chức hợp tác khu vực liên Chính phủ với những đặc điểm chính gồm: bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia thành viên, ra quyết định theo nguyên tắc nhất trí, có quyền lợi và nghĩa vụ như nhau; hoạt động trên cơ sở pháp lý là Hiến chương ASEAN và có tổ chức bộ máy đầy đủ từ Hội nghị cấp cao xuống cấp Bộ trưởng, quan chức cao cấp và chuyên viên; hợp tác ngày càng chặt chẽ và toàn diện trên các lĩnh vực chính trị - an ninh, kinh tế, văn hóa - xã hội, và quan hệ với các đối tác bên ngoài. Thiết nghĩ, vấn đề mấu chốt này có được minh định nhất quán thì mới làm tốt được công tác tuyên truyền vận động để nhân dân hiểu rõ về Cộng đồng ASEAN, để các cụm từ này không còn là ngôn ngữ dành riêng cho các nhà đàm phán.
Khi hình thành AEC, vị trí của Việt Nam ở đâu?
Với Cộng đồng Kinh tế ASEAN, “AEC nhằm tạo ra một thị trường duy nhất và cơ sở sản xuất thống nhất, trong đó có sự lưu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, lao động có tay nghề và phần nào là vốn, có sứác cạnh tranh cao; phát triển đồng đều; và hội nhập đầy đủ vào nền kinh tế toàn cầu”; “… biến sự đa dạng và khác biệt của các nước ASEAN thành khả năng hỗ trợ lẫn nhau thông qua mạng lưới chuỗi cung ứng, qua đó tạo lợi thế cạnh tranh và thu hút thương mại và đầu tư trong khu vực và toàn cầu. Mục tiêu chung của AEC là phát triển kinh tế trên sự kết nối sức mạnh của thị trường 10 nước”. Báo cáo tại Phiên giải trình cho thấy: “AEC chưa phải là một cộng đồng kinh tế (…). AEC là đích hướng tới, thể hiện mong muốn và quyết tâm của ASEAN trong hội nhập khu vực. Đây là một tiến trình liên tục, lâu dài”.
Từ nội dung nêu trên có thể hiểu rằng, trước mắt, AEC không có cơ cấu tổ chức chặt chẽ và những cam kết ràng buộc với lộ trình thực hiện cụ thể, có đúng hay không?
Đồng ý với “phương châm/cách thức hội nhập AEC là từng bước, tiệm tiến, trước mắt tập trung vào các biện pháp đơn giản, khả thi, sau đó liên tục rà soát, củng cố và làm sâu sắc và mở rộng các biện pháp tự do hóa”, với 4 trụ cột của AEC như là nội hàm của AEC, tôi cho rằng cần làm rõ hơn bước đi và lộ trình, và ở mỗi bước cần cụ thể hóa các tiêu chí hội nhập, trên từng lĩnh vực, có dự báo các tác động về kinh tế - xã hội khi xây dựng từng tiêu chí.
Đề cập đến hội nhập, không thể không nói đến cạnh tranh. Hội nhập (rộng mở) song hành với cạnh tranh (quyết liệt), trước tiên trong nội khối. Nhận thức rõ và chuẩn bị tốt trên cả hai mặt quyết định sự thành công trong hội nhập của mỗi quốc gia và của cả ASEAN. Trong quá trình hình thành AEC, không phải chỉ có cạnh tranh trên bình diện doanh nghiệp mà cạnh tranh cả ở tầm Nhà nước cũng vô cùng quan trọng, nếu không nói là quyết định. Nhận thức rõ điều này sẽ giúp Việt Nam tự nâng tầm mình lên, rút ngắn khoảng cách giữa Việt Nam với các quốc gia khác trong ASEAN.
Thực tế trong AFTA cho đến nay vẫn tồn tại hai nhóm nước. Xếp hạng về năng lực cạnh tranh cũng như về thể chế, theo Diễn đàn Kinh tế thế giới, thì Việt Nam ở vị trí không cao và còn phải cố gắng nhiều mới theo kịp nhóm 6 nước. Câu hỏi đặt ra là cuối năm 2015, khi hình thành AEC, vị trí của Việt Nam có được nâng lên không? Sự chuẩn bị ngay từ bây giờ về năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp và của Việt Nam ra sao sau 31.12.2015?
Hiện nay, Cộng đồng người gốc Hoa ở các nước ASEAN ước tính từ 25 đến 30 triệu người, mạnh về kinh tế, có tiềm lực về nhiều mặt, có khả năng ảnh hưởng về chính trị. Với ý thức dân tộc đậm nét, có truyền thống gìn giữ văn hóa ngôn ngữ, hợp tác, tương trợ, cộng đồng này có khả năng liên kết với nhau trong kinh doanh, khai thác những thuận lợi từ khuôn khổ hội nhập để phát triển vị thế của mình từ kinh tế đến văn hóa, với những hệ lụy chính trị rất rõ. Yếu tố này cần được tính đến trong quá trình hội nhập AEC.
Cuối cùng, phân ra ba lĩnh vực chính trị - an ninh, kinh tế, văn hóa - xã hội là để thấy những mảng việc cần tiến hành để xây dựng Cộng đồng ASEAN trong từng lĩnh vực. Tuy nhiên, có những mối quan hệ giữa ba lĩnh vực, chi phối nhau từ bên trong ASEAN, bị chi phối từ bên ngoài ASEAN, và từ trong - ngoài phối hợp với nhau. Sự tiếp cận tổng thể là bức thiết trong xây dựng Cộng đồng ASEAN.
_________________
1. Đoạn văn “politically cohesive, economically integrated, and socially responsible” trong ASEAN Charter dịch sang tiếng Việt “kết dính về chính trị, tích hợp về kinh tế, và có trách nhiệm về xã hội” theo tôi sẽ sát hơn với thực tế và mục tiêu của ASEAN.